• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cái khó của đại học vùng, đại học địa phương – Đại học top dưới khi “tự chủ tuyển sinh”

Giáo dục 10/08/2018 07:36

(Tổ Quốc) - Năm nay, khi Bộ GD-ĐT chính thức tiến hành bỏ điểm sàn, các trường đại học tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của mình. Tuy nhiên, với những Đại học vùng, trường đại học địa phương – các trường thuộc top dưới lại rơi vào thế khó, khi mà hạ điểm thấp quá thì ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo, còn không hạ điểm thì khó đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.

Đó là ý kiến chia sẻ của PGS .TS  Nguyễn Văn Đăng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo Điện tử Tổ Quốc.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng

PV: Câu chuyện chỉ 13 điểm là đỗ đại học trong mùa tuyển sinh năm nay một lần nữa dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo ở các đại học vùng và nhiều trường đại học ở địa phương. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Văn Đăng: Rõ ràng có thể thấy, đây là một thực tế đang diễn ra trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, cần phải đặt câu chuyện này trong bối cảnh của năm nay thì mới có được cái nhìn đầy đủ và khách quan nhất. Năm nay, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ điểm sàn chung, các trường đại học được quyền tự chủ trong việc đưa ra điểm trúng tuyển của mình dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như chức năng nhiệm vụ của mình. Cá nhân tôi cũng đồng tình với những cảnh báo hay những chia sẻ của các chuyên gia khi lo lắng rằng điểm trúng tuyển của các Đại học vùng, trường đại học địa phương mà nôm na chúng ta vẫn gọi là “trường top dưới” năm nay thấp chỉ từ 13 điểm. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tổng thể tình hình chung, đặc biệt cần chú ý đến các điều kiện của học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn...

Việc các trường được tự chủ trong việc đưa ra ngưỡng điểm đầu vào trong tuyển sinh như năm nay, theo cá nhân tôi thì các trường top trên sẽ dễ dàng và tự chủ tốt, vì họ có lợi thế. Còn với các trường thuộc đại học vùng, trường địa phương, trường top dưới sẽ gặp khó khăn, vì đứng trước sự lựa chọn giữa đủ chỉ tiêu tuyển sinh và uy tín cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường. Nếu mà hạ điểm thấp quá thì ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của trường và chất lượng đào tạo sinh viên, còn không hạ điểm thì khó đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.

PV: Được biết, năm nay, phổ điểm trúng tuyển các ngành đào tạo đại học hệ chính quy theo điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 của trường Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên công bố là từ 13,5 – 16 điểm. Vậy ông nhìn nhận thế nào về phổ điểm này?

PGS. TS  Nguyễn Văn Đăng: Căn cứ Quy chế tuyển sinh đại học chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy ban hành kèm Thông tư 05/2017/TT-BGD&ĐT ngày 25/01/2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 07/TT-BGD&ĐT ngày 01/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Hội đồng đồng tuyển sinh đại học hệ chính quy 2018 của trường Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên đã đưa ra phổ điểm trúng tuyển là 13,5 – 16 điểm cho các ngành đào tạo của Nhà trường. So với mặt bằng chung năm nay, thì đây là phổ điểm nằm trong quãng “an toàn” không quá thấp và tăng so với năm 2017 (trường có phổ điểm là 15,5 – 16,5 điểm). Bởi vì, so với năm 2017, điểm ưu tiên khu vực năm 2018 giảm 50%, đề thi năm nay cũng được đánh giá là khó hơn so với năm ngoái. Căn cứ vào phổ điểm và kết quả kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2018 thì số thí sinh có điểm thi đạt từ 13,5 điểm trở lên cũng tương đương với số thí sinh đạt từ 15,5 điểm trở lên của năm 2017. Do đó, phổ điểm 13,5 – 16 là phù hợp cho mùa tuyển sinh năm nay của nhà trường.

Các thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên

PV:  Với phổ điểm như vậy, ông có nghĩ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như kết quả đầu ra sau này của sinh viên liệu có đáp ứng được nhu cầu của công việc?

PGS. TS  Nguyễn Văn Đăng: Như đã trao đổi ở trên, đặt trong bối cảnh năm nay thì phổ điểm này cũng chưa thể coi là quá thấp so với mặt bằng chung của nhiều trường đại học ở các thành phố lớn. Trong khi đó, với đặc điểm nguồn tuyển sinh của trường Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên chủ yếu là học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc nên phổ điểm như vậy là khá phù hợp. Bởi vì, các em học sinh miền núi không có điều kiện học tập cũng như ôn luyện như các em học sinh ở các thành phố lớn hay các tỉnh đồng bằng. Mặt khác, tuy điểm đầu vào rất quan trọng, nhưng nó không quyết định tất cả. Trong quá trình học tập, rèn luyện trong môi trường đại học, dù điểm đầu vào thấp nhưng các em xác đinh đúng mục tiêu học tập, tích cực trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết phục vụ cho tương lai thì tôi tin rằng sau khi ra trường các em sẽ thành công. Con người ta, nếu biết vươn lên và cố gắng, thì càng ở những nơi có điều kiện khó khăn sẽ càng vươn lên.

PV: Với chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của nhà trường là 1.100 sinh viên cho 22 ngành đào tạo. Vậy xin ông có thể cho biết nhà trường đặt kỳ vọng đạt được bao nhiêu phần trăm và liệu sau giai đoạn tuyển sinh đợt 1, sang đợt 2, trường có giảm điểm xuống nữa hay không? Nếu trong trường hợp chưa đủ chỉ tiêu?

PGS. TS  Nguyễn Văn Đăng:  Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.100 sinh viên cho 22 ngành đào tạo. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đầu tuyển sinh bằng hoặc cao hơn năm 2017, tức là ít nhất đạt trên 70% chỉ tiêu và trên mức đó. Để đạt được chỉ tiêu này cũng là một sự cố gắng, lỗ lực phấn đấu của nhà trường. Còn về phổ điểm đầu vào sau khi kết thúc đợt 1 (từ 06/8 – 20/8), nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để đưa ra phổ điểm phù hợp, nhưng chắc chắn là sẽ không có chuyện thấp hơn 13,5 điểm. Trong đợt 2, có thể sẽ có một số ngành có ngưỡng điểm xét tuyển cao hơn đợt 1.

Cũng xin chia sẻ thêm là năm 2018, trường Đại học khoa học tuyển sinh theo 2 phương thức là phương thức xét tuyển theo kết quả học tập được ghi trong học bạ THPT và phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, theo kết quả mà chúng tôi ghi nhận được đến thời điểm này, trường Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên đã có Thủ khoa ngành Luật đạt 26,25 điểm; ngành Du lịch (25,85 điểm); ngành Công tác xã hội (25,50 điểm); Trong số thí sinh trúng tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia năm 2018, nếu tính từ 17,0 điểm trở lên có 537 thí sinh, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả học tập được ghi trong học bạ THPT cũng có điểm rất cao. Nhà trường sẽ dành một số suất học bổng toàn phần trị giá 30 triệu đồng/suất cho những sinh viên nghèo vượt khó có điểm trúng tuyển cao hoặc đạt kết quả cao trong học tập ở trường THPT. Nhà trường cũng dành nhiều suất học bổng có giá trị cho các tân thủ khoa của các ngành có điểm thi THPT Quốc gia từ 22 điểm trở lên. Hiện tại, nhà trường đang bắt đầu tổ chức các lớp đào miễn phí về kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ cho các em tân sinh viên. Qua các khóa học này, các em sẽ dễ dàng hòa nhập và chủ động nắm bắt được tất cả các hoạt động trong quá trình học tập tại nhà trường, cũng như các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống sinh viên, xa gia đình. Đây là khóa học rất thiết thực với các em tân sinh viên, nhất là những em đến từ vùng núi, vùng khó khăn, còn bỡ ngỡ và chưa nhận diện được những  mặt trái của đời sống xã hội; chưa có điều kiện được tiếp cận với công nghệ hiện đại; khả năng ngoại ngữ, tin học còn hạn chế….

PV: Xin được cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Đăng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

 Vi Phong

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ