(Tổ Quốc) - Câu chuyện thi đại học, đỗ đại học có lẽ chưa bao giờ nguội ở nước ta. Năm nay cũng vậy, đặc biệt còn nóng hơn khi nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, một số trường đại học lấy điểm sàn chỉ ở mức 11 điểm, tức là thí sinh chỉ cần đạt 3,5 điểm/môn đã trở thành sinh viên.
- 01.08.2018 “Không phải tất cả thầy cô đều vì tiền, có rất nhiều người tâm huyết”
- 02.08.2018 Gian lận thi cử thời xưa: Đã có người bị chém
- 06.08.2018 Một số thầy, cô không thực hiện đúng “lời thề” của ngành giáo dục
- 07.08.2018 “Hạnh phúc nhất là dù không còn được làm thầy nữa mà vẫn được gọi là “thầy“
Hình minh họa: Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 - Ảnh Minh Khánh |
Với số điểm sàn chỉ ở mức 11 điểm là đỗ đại học, điều này đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt 3,5 điểm/môn là đáp ứng đủ điều kiện để bước vào môi trường giáo dục ở bậc đại học. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại rằng liệu với chất lượng đầu vào “thấp kỷ lục” như vậy, thì người học – sinh viên sau này có kham nổi chương trình học tập ở bậc đại học hay không? Chất lượng đầu ra của những sinh viên có đầu vào thấp như vậy sẽ ra sao? Liệu rằng đây có phải là câu trả lời cho việc hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không xin được việc làm…
Đó là những lo ngại hoàn toàn chính đáng và có cơ sở, nhưng xin chưa đề cập đến vấn đề chất lượng đầu ra, xin chưa bàn đến việc có theo được chương trình học tập ở bậc đại học hay không? Chỉ xin đề cập đến câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra trong xã hội của chúng ta hiện nay.
Với điểm đầu vào đại học thấp như năm nay (3,5 điểm/môn), nhiều người không khỏi chua xót khi ví von rằng, vào đại học, thành sinh viên bây giờ dễ quá, dễ còn hơn cả đi chợ, mua mớ rau…
Cách đây chừng 15 năm hay xa hơn 20 năm thôi, những thế hệ 8X, để có thể vào được cánh cửa các trường đại học, “khoác trên mình” hai tiếng “Sinh viên” là điều không hề đơn giản. Để có thể đỗ đại học phải có kế hoạch học tập cụ thể, chương trình ôn luyện chặt chẽ, rồi trải qua kỳ thi đại học “khốc liệt” và rồi tự hào bước vào cánh cổng các trường đại học với ngưỡng điểm 21, 22 thậm chí là 27, 28…
Thời ấy, ở những miền quê, gia đình nào có con em đỗ đại học thì cả làng đến chia vui, có khi mổ lợn ăn mừng, bởi cả làng, có khi cả xã chỉ vinh dự có 1, 2 trường hợp đỗ đại học. Sinh viên thời ấy cũng “có giá” là thế, đi đến đâu, cứ hễ nghe thấy hai tiếng này thôi là nhiều người trầm trồ, khen ngợi, quý mến. Vì thế, nhiều gia đình nông dân, sẵn sàng bán cả trâu bò, bán cả bồ thóc để cho con em khăn gói lên thành phố học đại học. Không ít gia đình chấp nhận đi vay lãi để cho con theo học đại học. Có trường hợp hai chị em cùng đỗ đại học, người chị phải nhường cho em trai đi học, trở thành sinh viên, còn mình chấp nhận ở lại quê, thành hậu phương lo cơm áo, gạo tiền….
Trong khi đó, từ vài năm trở lại đây, việc trở thành sinh viên hay đỗ vào các trường đại học đã không còn là “niềm vinh dự, tự hào của cả làng, cả xã nữa”, bởi số lượng các trường đại học mọc ra quá nhanh, quá nhiều. Cả làng, cả xã hiện nay có khi có tới 90% học sinh đỗ đại học. Sinh viên giờ không còn “hiếm” và “quý” như thời xưa nữa, vì ở đâu cũng thấy sinh viên…
Sinh viên quá nhiều, trong khi học sinh theo học tại các trường đào tạo nghề chính quy lại “vắng như chùa bà Đanh”. Trong khi các trường đại học nhan nhản mọc lên và đua nhau tìm cách thu hút sinh viên, thì các trường đào tạo nghề rơi vào thực cảnh vừa thiếu, vừa yếu. Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ người học, nhiều đề án được đưa ra… nhưng vẫn không chiêu sinh được…
Lâu nay ở ta, học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học sinh. Chúng ta vốn đã bị tâm lý sính bằng cấp của xã hội chi phối thì nay cùng với việc điểm đầu vào của các trường đại học thấp như vậy thử hỏi có mấy bạn trẻ chịu vào trường nghề, chịu làm thợ?
Định hướng nghề nghiệp trong tương lai là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi con người khi còn trẻ. Với các em học sinh cũng vậy, lúc này các em đang đứng trước “thời cơ và vận mệnh” trong tương lai của mình. Do đó, sự định hướng đúng đắn là điều rất cần thiết. Nhiều em do không có sự định hướng tốt, không được tư vấn và chỉ bảo rõ ràng nên quyết tâm trở thành sinh viên, để rồi sau khi vào học, rồi ra trường mới nhận ra mình đã sai, đã phí hoài những năm tháng tuổi trẻ.
Và rằng, cơ hội việc làm phía sau những tấm bằng đại học không phải lúc nào cũng chờ sẵn các tân cử nhân. Giấu bằng đại học để đi làm cho công nhân ở khu công nghiệp, chạy grab... không còn là chuyện hiếm.
Hơn lúc nào hết, mỗi bậc phụ huynh cần phải đưa ra cho con em mình những lời khuyên cùng sự định hướng rõ rệt. Đại học là mơ ước của nhiều bạn trẻ, nhưng nó không phải phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt khi mà vào đại học quá dễ dàng, dễ hơn đi chợ mua mớ rau, con cá thì nên cân nhắc, có vào hay không?
Vi Phong