(Tổ Quốc) - Chiều 28/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả về việc xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
- 19.09.2020 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng"
- 27.08.2020 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Cục Bản quyền tác giả
- 25.08.2020 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng "hệ sinh thái" văn hóa bền vững để hội nhập không bị hòa tan
Theo Cục Bản quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về SHTT của Việt Nam. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật trước đây về SHTT, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, đồng bộ, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Do đây là một đạo luật được ra đời trong bối cảnh kế thừa và khắc phục các hạn chế của các luật đơn lẻ trước đó, đồng thời tiếp thu những tiến bộ cũng như đáp ứng các yêu cầu khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho nên về cơ bản, nội dung của Luật SHTT đã bảo đảm tiêu chuẩn về tính đầy đủ và hiệu quả.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một Chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là "hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả".
Theo đó, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Vừa qua, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã chính thức được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022.
Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật. Bộ VHTTDL đã phối hợp đề nghị sửa đổi 19 điều, bổ sung 3 điều trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.
Theo đó, Bộ VHTTDL có đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 26 Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo chính sách; Sửa đổi bổ sung Điều 28 Hành vi xâm phạm quyền tác giả; Sửa đổi bổ sung Điều 29 Quyền của người biểu diễn; Điều 30 Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình… Bổ sung Điều 56a Nguyên tắc xác định và việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khi khai thác, sử dụng tác phẩm và các đối tượng liên quan; Điều 198a Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 198b Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Cục Bản quyền tác giả, Tổ soạn thảo xây dựng Dự án Luật, đến thời điểm này đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT mà Lãnh đạo Bộ giao.
Thứ trưởng đồng tình với việc đề xuất sửa đổi bổ sung 19 điều, bổ sung 3 điều của Luật SHTT, trên cơ sở đó sẽ giúp ngành quản lý và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật cần trên cơ sở đề xuất xử lý nghiêm những vi phạm, giảm bớt các Nghị định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng còn trăn trở vấn đề phổ biến, tuyên truyền về Luật SHTT và cho rằng, mặc dù điều này đã nằm trong các điều khoản của Luật song đề nghị Tổ soạn thảo, Cục Bản quyền tác giả cần tính thêm việc tuyên truyền, phổ biến Luật, đặc biệt là lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan trong thực tiễn đặt ra.
Thứ trưởng cũng giao Cục Bản quyền tác giả tổng hợp, báo cáo nội dung cuộc họp để báo cáo Lãnh đạo Bộ trong đầu tháng 10. Từ cơ sở báo cáo đó, chuẩn bị nội dung, tập hợp các ý kiến góp ý về xây dựng Dự án Luật để báo cáo Bộ trưởng trước cuối tháng 10 tới./.