• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng thẳng hạt nhân Iran khó được giải quyết "luôn và ngay"

Thế giới 13/09/2022 20:13

(Tổ Quốc) - Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết "Mỹ và Iran không còn khả năng sớm đạt được thỏa thuận hạt nhân mới".

Thông điệp này tương đồng với đánh giá có phần ảm đạm của các quan chức phương Tây về triển vọng sớm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Ông Blinken nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Mexico City: "Những gì chúng ta đã thấy trong tuần trước hoặc từ trước đó về phản ứng của Iran đối với đề xuất do Liên minh châu Âu đưa ra rõ ràng là một bước lùi. Và điều đó khiến cho triển vọng về một thỏa thuận trong ngắn hạn sẽ là khó xảy ra, theo ý kiến của tôi".

"Iran dường như không muốn hoặc không thể làm những điều cần thiết để đạt được thỏa thuận. Thay vào đó, họ tiếp tục tìm cách đưa các vấn đề không liên quan vào các cuộc đàm phán và khiến cho khả năng nhất trí được thỏa thuận cuối trở nên thấp hơn", ông Blinken nói.

Các bình luận của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã gia tăng sự bi quan chung. Theo đó, hiện có nhiều tiếng nói cho rằng các chưa thể thu hẹp sự khác biệt của họ đối với đề xuất của Liên minh châu Âu. Văn bản này đã được đưa ra trước đó để phá vỡ thế bế tắc sau nhiều tháng đàm phán gián tiếp không có kết quả giữa Mỹ và Iran.

Vấn đề về điều tra hạt nhân

Một cuộc điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về các hoạt động hạt nhân trong quá khứ của Iran đã trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận năm 2015. Hội đồng gồm 35 thành viên của IAEA đã được triệu tập hôm thứ Hai tại Vienna để thảo luận về bế tắc trong quá trình đàm phán và nghe đánh giá ảm đạm từ Tổng thư ký IAEA Rafael Mariano Grossi.

c6066316e5af42a1134c85e674770a32.jpg

Chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang là tâm điểm điều tra của IAEA. Ảnh: Bloomberg.

"Khoảng cách thông tin ngày càng lớn hơn," ông Grossi nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng ông vẫn mong Iran hợp tác trong cuộc điều tra của ông.

Iran đang yêu cầu IAEA chấm dứt cuộc điều tra đối với hoạt động hạt nhân tại các địa điểm nước này không khai báo từ trước khi họ bắt đầu cắt giảm chương trình làm giàu uranium.

Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới đã đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Cộng hòa Hồi giáo ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân, nhưng họ nhấn mạnh rằng việc tuyên bố chấm dứt điều tra là tùy thuộc vào IAEA.

Châu Âu dần mất hi vọng

Các cuộc đàm phán nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu, đã trở nên khó khăn kể từ khi các nhà đàm phán châu Âu đưa ra một bản dự thảo cuối cùng dài 25 trang, sau gần 18 tháng đàm phán.

Sau những tín hiệu ban đầu cho thấy việc quay trở lại JCPOA có thể chỉ còn vài ngày nữa, các bên giờ đây đã chấp nhận việc có thể cần nhiều thời gian hơn và cần thêm các cuộc đàm phán cũng như hạn chế Iran tăng cường bán dầu thô.

Chính phủ Pháp, Đức và Anh đã đưa ra một tuyên bố chung vào thứ Bảy tuần trước và đề cập đến những yêu cầu mới nhất từ Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Các nước châu Âu này cho biết: "Trong bối cảnh Iran không thể ký kết thỏa thuận đã được đưa ra, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế về cách tốt nhất để đối phó với sự leo thang hạt nhân liên tục của Iran".

Khi châu Âu dần mất hy vọng về việc có thể sớm đạt được thỏa thuận hạt nhân thì giới lãnh đạo của Iran đang tập trung vào tình hình khu vực. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp Trung Quốc và Nga tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được triệu tập vào thứ Năm tuần này tại Uzbekistan.

Và ngay cả khi Iran và các cường quốc trên thế giới xoay sở để giải quyết những trở ngại cuối cùng hướng tới việc khôi phục hiệp định, Tổng thư ký IAEA Grossi cảnh báo các thanh tra viên của ông cần nhiều thời gian hơn nữa để xác minh Iran có tuân thủ các quy định về sản xuất hạt nhân hay không.

Ông Grossi nói: "Thực tế sẽ vô cùng khó khăn và chúng tôi sẽ phải làm việc rất chăm chỉ và Iran sẽ phải rất minh bạch. Có rất nhiều việc phải làm (trong quá trình thanh sát hạt nhân-pv)".

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã bị phá vỡ sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt với Tehran. Đáp trả lại, các quan chức Iran đã tăng cường chương trình hạt nhân của họ.

Thủ tướng Israel Yair Lapid hoan nghênh tình hình hiện tại sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo chính phủ Đức vào thứ Hai tại Berlin. Ông Yair Lapid nói: "Quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, trong điều kiện hiện tại, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng", và nói thêm rằng làm như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ