• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng thẳng Mỹ - Iran: Mở lối rẽ ngăn chặn xung đột thảm khốc

Thế giới 29/07/2018 16:33

(Tổ Quốc) -Trong khi thế giới đang dồn sự chú ý vào các thượng đỉnh giữa ông Trump với NATO và Tổng thống Nga Vladimir Putin thì căng thẳng đang không ngừng leo thang giữa Washington và Tehran.

Cuối tuần qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo người đồng nhiệm Mỹ không nên “vuốt đuôi sư tử”. Sử dụng những lời gay gắt nhất, Tổng thống Rouhani nói với nhiều nhà ngoại giao Iran rằng “Nước Mỹ nên biết hòa bình với Iran là mẹ của tất cả nền hòa bình và chiến tranh với Iran là mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh”. Còn ông Trump đáp trả lại bằng cách tweet rằng, Iran đừng bao giờ đe dọa Mỹ thêm một lần nữa.

Cảnh báo nguy hiểm về đối đầu

Trong những ngày gần đây, ông Rouhani đã cảnh báo rằng Iran có thể chặn các lô hàng dầu ở Vịnh Ba Tư nếu hoạt động xuất khẩu dầu của họ bị dừng lại. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã nói rằng những chính sách của Trump là tuyên bố về chiến tranh. Còn Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran Mohammad Ali Jafari đe dọa rằng "chúng tôi sẽ làm cho kẻ thù hiểu rằng tất cả đều có thể sử dụng Eo biển Hormuz hoặc không ai cả". Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ Bill Urban nói rằng Hải quân Mỹ “sẵn sàng đảm bảo quyền tự do hàng hải và dòng chảy tự do thương mại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Tàu chiến Mỹ tại Vịnh Ba Tư. (Nguồn: Wikipedia Commons)

Sự leo thang mạnh mẽ như vậy không chỉ là về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran- có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA hồi tháng 5, mà còn là sự khởi đầu một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran – thậm chí có thể lan rộng và làm lu mờ các điểm nóng khu vực khác.

Bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ là vi phạm Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015. Nhưng nếu Tehran phản ứng bằng cách chặn các chuyến hàng dầu qua eo biển Hormuz, châu Âu, Nga và Trung Quốc sẽ từ bỏ sự ủng hộ của họ cho JCPOA và gia nhập cùng Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an chống lại Iran. Tuy nhiên, bất chấp khẩu chiến ngày càng tăng, vẫn có những lựa chọn hợp lý có thể ngăn chặn được nguy cơ xung đột thảm khốc.

Cơ hội hóa giải

Một khả năng là đàm phán trực tiếp giữa Washington và Tehran. Ông Trump bày tỏ lòng tin rằng đường lối cứng rắn của ông sẽ thúc giục Iran tìm kiếm một "thỏa thuận lớn hơn" với Washington. Nói tại một cuộc họp báo của hội nghị thượng đỉnh NATO tháng này rằng Tehran "vào lúc nào đó sẽ gọi cho tôi và yêu cầu một thỏa thuận". Tuy nhiên, ông Trump cần phải hiểu rằng chiến lược hiện tại của ông đang tước đi các cơ hội cho thỏa hiệp ngoại giao vì, như tuyên bố" mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh" từ Rouhani cho thấy, các nhà lãnh đạo Iran dường như không chấp nhận sự sỉ nhục - và đầu hàng hoàn toàn trước những đe dọa và áp lực của Trump.

Một lựa chọn khác là tiếp tục JCPOA mà không có Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo Iran nói họ sẵn sàng tiếp tục thực hiện cam kết của hiệp ước với các nước ký kết còn lại - Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Anh và EU - với điều kiện chính quyền Trump không ép buộc các nước này phá bỏ thỏa thuận cùng với mình.

Dù việc JCPOA tiếp tục cũng không thể bù đắp hoàn toàn cho Tehran về mặt tài chính khi bị Mỹ tái áp đặt, nhưng một hệ quả từ cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump là ý thức đoàn kết quốc gia ở Iran sẽ gia tăng.

Những tuyên bố ủng hộ của lực lượng Vệ binh vệ cách mạng đối với chính quyền Rouhani là một dấu hiệu cho các lực lượng tại Iran đang đoàn kết chống lại Nhà Trắng. "Chúng tôi đã trở nên đoàn kết hơn trước đây, các mối đe dọa đưa chúng tôi đến với nhau", Rouhani cho biết hôm Chủ nhật.

Rouhani đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ cho thấy ông sẵn sàng sử dụng sự thống nhất này để đưa ra những quyết định lớn về giải quyết các vấn đề kinh tế mạn tính như tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp, tư nhân hóa và buôn lậu. Iran cần những cải cách cơ cấu này để loại bỏ sự mất cân đối lâu nay và sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ đã làm cho họ dễ bị trừng phạt, cùng với việc cải tổ hệ thống ngân hàng để khôi phục niềm tin quốc tế vào các tổ chức tài chính của họ. Nếu những điều này thành công, nó sẽ giúp Iran dễ dàng ở lại JCPOA hơn.

Đột phá xung đột Syria và Yemen

Trong khuôn khổ JCPOA, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng có thể sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ cho Iran trong các lĩnh vực chính trị và an ninh để bù đắp cho sự mất mát những lợi ích Iran phải chịu. Trong khi Rouhani bày tỏ sự nghi ngờ về gói ưu đãi kinh tế của châu Âu nhằm bảo toàn thỏa thuận, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đang tiếp tục nỗ lực bảo đảm các cam kết tài chính, ngân hàng và năng lượng từ các đối tác Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Vương quốc Anh.

Điều quan trọng là các quốc gia này không chỉ duy trì JCPOA mà còn hợp tác với Iran để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực ở Syria và Yemen.

Các cuộc đàm phán gần đây giữa Iran và bốn quốc gia châu Âu về cuộc khủng hoảng Yemen đã được mô tả là tích cực và mang tính xây dựng. Nếu Nga và Trung Quốc tham gia quá trình ngoại giao này, bảy quốc gia này có thể đưa ra một đề nghị hòa bình cho Hội đồng Bảo an LHQ. Kế hoạch này có thể dựa trên việc ngừng bắn, viện trợ nhân đạo, đối thoại quốc gia, bầu cử tự do và xây dựng chính phủ. Giải quyết cuộc khủng hoảng Yemen sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Ở Syria, cũng có cơ hội để các nước này hành động. Mặc dù tình trạng thù địch vẫn tiếp diễn, IS đã gần như bị lật đổ và sự ủng hộ từ Moscow và Tehran đã đảm bảo rằng Bashar al-Assad vẫn nắm quyền kiểm soát tình hình. Bây giờ là thời điểm để Nga và Iran, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, trình bày một kế hoạch hòa bình toàn diện về Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ – với sự hỗ trợ từ châu Âu và Trung Quốc.

JCPOA đại diện cho một mô hình giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao; cái chết của nó sẽ có nghĩa là giết chết hy vọng rằng các cuộc đàm phán có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ