(Tổ Quốc) - Moscow đưa ra quyết định tạm dừng sứ mệnh ngoại giao tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi liên minh quân sự này trục xuất 8 công dân Nga.
Nga đóng cửa phái bộ tại NATO
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/10 đưa ra thông báo, Moscow sẽ dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO và đóng cửa các văn phòng thông tin cũng như liên lạc quân sự của NATO tại Moscow từ ngày 1/11.
Theo New York Times, thông báo của Nga mang ý nghĩa ở cấp độ ngoại giao và không đi kèm bất kỳ động thái quân sự nào đe dọa an ninh liên minh châu Âu. Và Moscow vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước trong liên minh. Nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói thêm rằng, quá trình liên lạc giữa nước này và liên minh phương Tây có thể được duy trì thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ.
"Nhằm đối phó với các hành động của NATO, chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động trong sứ mệnh thường trực của Nga tại liên minh này, trong đó có cả hoạt động của trưởng đại diện quân sự từ ngày 1/11", ông Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo mới nhất ở thủ đô Moscow.
"Sau một số động thái mà NATO đã thực hiện, các điều kiện cơ bản để làm việc chung giữa hai bên đã không còn tồn tại nữa. NATO đã giảm đáng kể liên hệ với phái bộ của chúng tôi, liên minh này không quan tâm đến đối thoại và làm việc bình đẳng", Ngoại trưởng Lavrov nói thêm và lưu ý NATO có thể liên lạc thông qua đại sứ quán Nga tại Bỉ trong trường hợp khẩn cấp.
Động thái rạn nứt ngoại giao giữa Nga và NATO diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực củng cố liên minh châu Âu sau các căng thẳng leo thang vào thời cựu Tổng thống Donald Trump.
"Chúng tôi đã xác nhận quyết định đình chỉ ngoại giao của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ nhằm đối phó với bất kỳ động thái nào từ Moscow nhưng vẫn sẵn sàng duy trì kênh đối thoại", nữ phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết.
Theo tờ báo, quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã tồn tại căng thẳng trong nhiều năm qua nhưng đỉnh điểm diễn ra sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất 8 thành viên phái đoàn của Moscow vì nghi họ là sĩ quan tình báo.
Đầu tháng này, NATO đã yêu cầu 8 nhà ngoại giao Nga rời Bỉ trước ngày 1/11 với cáo buộc nghi ngờ hoạt động tình báo. Liên minh này cũng cắt giảm quy mô văn phòng đại diện của Nga ở nước này.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Lavorov cũng thông báo sẽ dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO và đóng cửa phái bộ NATO tại Nga từ ngày 1/11.
Căng thẳng leo thang giữa NATO và Nga
"Quan hệ giữa Nga và NATO đã bị chệch hướng trong thời gian dài. NATO đã hai lần cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao trong phái đoàn Nga vào năm 2015 và 2018", Ngoại trưởng Lavrov nói.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, NATO đã thiết lập một "quy ước nghiêm cấm" đối với các nhà ngoại giao Nga ở Bỉ bằng cách ngăn cấm họ đến tòa nhà trụ sở. Ông Lavrov khẳng định, nếu việc này không được phép thì họ sẽ không thể tiếp tục duy trì quan hệ với liên minh. Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc gặp với Tổng thư ký liên minh NATO – Jens Stoltenberg nhằm giảm leo thang căng thẳng.
"Ông Jen Stoltenberg đã thể hiện sự chân thành khi nhắc đến liên minh Bắc Đại Tây Dương trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với liên bang Nga", ông Lavrov nhấn mạnh.
"NATO vẫn có thể chuyển các thông điệp ngoại giao đến Đại sứ quán Nga ở Bỉ nếu cần thiết", ông Lavrov nói thêm.
Trong tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao của Nga với NATO, ông Lavrov khẳng định, hành động lần này cho thấy liên minh không hề có bất kỳ thiện chí đối thoại bình đẳng hay hợp tác chung nào.
Bên cạnh mâu thuẫn ngoại giao, căng thẳng quân sự giữa hai bên cũng leo thang vào năm ngoái khi quân đội Nga đổ bộ dọc biên giới Ukraine để tập trận quân sự. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Moscow đã khẳng định vị thế cao trong quan hệ với NATO. Quan hệ giữa hai bên căng thẳng sau khi NATO can thiệp vào chiến tranh Balkan vào những năm 1990.
Căng thẳng NATO với Nga leo thang sau khi Moscow can thiệp quân sự vào năm 2014. Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng động thái tích cực của Nga đã dấy lên lo ngại về chương trình nghị sự gia tăng của Điện Kremlin ở Đông Âu.
Cuộc tranh cãi lần này này đánh dấu căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ Đông - Tây Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.