(Tổ Quốc) - Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ ngày 7/2 sẽ điều trần về việc có khôi phục lại lệnh cấm đi lại tạm thời của Tổng thống Donald Trump đối với bảy quốc gia Hồi giáo chiếm đa số hay không.
Thẩm phán James Robart tại Seattle hôm thứ Sáu đã đình chỉ thực thi lệnh cấm người dân từ 7 nước hồi giáo và tất cả người tị nạn nhập cư vào Mỹ.
Sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 nhằm phản đối phán quyết của thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, tòa này ngày 5/2 đã bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc ngay lập tức phục hồi lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn trong 90 ngày do tổng thống Mỹ ban hành.
Trong khi đó, ngày 6/2 đã yêu cầu các luật sự của tiểu bang Washington, Minnesota – hai bang kiện sắc lệnh của ông Trump và Bộ Tư pháp tranh luận về việc có nên tiếp tục thực thi hay vẫn đình chỉ sắc lệnh trên. Phiên điều trần này dự kiến diễn ra vào 3 giờ chiều ngày 7/2 (giờ Mỹ).
Tuy nhiên, trong bản báo cáo nộp vào ngày 6/2, Bộ Tư pháp cho biết việc đình chỉ lệnh cấm nhập cư của một thẩm phán liên bang tuần trước là quá rộng và chỉ nên được giới hạn cho những người đã được phép nhập cảnh vào Mỹ và đang tạm thời ở nước ngoài, hoặc những những người muốn rời đi hay trở về Mỹ. Thông điệp này đã không xuất hiện trong bản báo cáo trước đó - động thái có thể là một sự mềm dịu lập trường.
Trong khi Tổng thống Trump kiên quyết cho rằng các biện pháp mới của ông nhằm bảo vệ đất nước chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng lệnh cấm nhập cư đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen 90 ngày là bất hợp pháp, đi kèm với việc áp đặt dừng tiếp nhận tất cả những người tị nạn trong 120 ngày.
Tổng thống Trump tại một cuộc họp ngày 1/2. (Nguồn: Reuters) |
Ông Trump cứng rắn
Tổng thống Trump đã phản ứng bằng cách chỉ trích thẩm phán liên bang Seattle - ông Robart - người được cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush bổ nhiệm và sau đó mở rộng ra cả hệ thống tòa án Mỹ. "Không thể tin rằng một thẩm phán sẽ đưa đất nước chúng ta trong tình trạng nguy hiểm như vậy", Trump viết trên Twitter. "Nếu có chuyện gì xảy ra thì lỗi thuộc về ông ấy và hệ thống tòa án."
Là một sự bất thường khi một tổng thống đương nhiệm mâu thuẫn với một thành viên của các cơ quan tư pháp – đã được Hiến pháp Hoa Kỳ ấn định là cơ quan kiểm tra và giám sát tổng thống và Quốc hội.
Trong một chuyến thăm ngày 6/2 tới các căn cứ quân đội ở Tampa, Florida, ông Trump cũng đã lên tiếng bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cư của mình. "Những kẻ khủng bố Hồi giáo cấp tiến sẽ tấn công quê hương của chúng ta như họ đã làm ngày 9/11," ông nói. "Chúng ta cần các chương trình mạnh mẽ đối với những người yêu đất nước của chúng ta", Trump nói thêm rằng ông không muốn cho phép "những người muốn tiêu diệt chúng ta và phá hủy đất nước của chúng ta" tiến vào Mỹ.
Phe ủng hộ mạnh mẽ
Đơn kiện từ bang Washington được giới pháp lý ủng hộ với sự đồng thuận đến từ 17 người đứng đầu ngành tư pháp các bang, hơn 100 doanh nghiệp và hàng chục nhóm vì quyền lợi lao động và dân quyền.
Mười cựu quan chức an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Mỹ, đã phục vụ các Tổng thống từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng đã nhất trí gửi đơn lên tòa án cho rằng lệnh cấm nhập cư không phục vục cho an ninh quốc gia.
Văn bản này có chữ kí của cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Madeleine Albright, cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và hai cựu giám đốc CIA Michael Hayden và Michael Morell.
Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu New America cho biết tất cả thủ phạm thực hiện các vụ tấn công chết người sau vụ 11/9/2001 đều là các công dân hoặc người thường trú hợp pháp Hoa Kỳ. Không ai trong số trên là người nhập cư hoặc đến từ một gia đình nhập cư thuộc một trong những nước được liệt kê trong lệnh cấm đi lại.
"Sắc lệnh của Tổng thống Trump là vi hiến, bất hợp pháp, và về cơ bản không vì người Mỹ - và chúng tôi sẽ không để yên để điều này làm xói mòn 'các gia đình, các hệ thống kinh tế, và các định chế' trong quốc gia của chúng tôi " Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman nói.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, bao gồm cả Apple, Google và Microsoft … đã đệ đơn tương tự vào ngày 5/2 lên tòa phúc thẩm, cho rằng lệnh cấm đi lại "gây thiệt hại đáng kể tới hoạt động kinh doanh, tiến trình đổi mới và sự phát triển." Tập đoàn Elon Musk của Tesla Inc và SpaceX sau đó đã chung tay trong nỗ lực này ngày 6/2.
Tiến trình căng thẳng leo thang
Ông Trump đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn tại tòa án San Francisco, với chủ yếu là các thẩm phán tự do. Tòa án phúc thẩm San Francisco có thể giữ nguyên hiện trạng, theo quyết định của tòa cấp dưới là đình chỉ thực thi sắc lệnh của ông Trump.
Tòa phúc thẩm chủ yếu tập trung vào câu hỏi hẹp là liệu tòa án quận có đủ cơ sở để tiếp tục dừng thực thi lệnh cấm trên hay không. Cuộc chiến pháp lý lớn hơn về việc liệu ông Trump có thẩm quyền để ra sắc lệnh trên hay không sẽ được giải quyết sau đó trong các động thái pháp lý tiếp theo.
Cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh này vẫn đang tiếp diễn và trong trường hợp cuối, vụ việc có thể được đưa lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
(Theo Reuters)