• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sắc lệnh nhập cư của ông Trump: Liệu đã mất hiệu lực hoàn toàn?

Thế giới 06/02/2017 09:12

(Tổ Quốc) - Sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống Trump đã tạm thời mất hiệu lực. Liệu hiệu lực này có được đảm bảo bởi nhiều ý kiến đa chiều hiện tại?

Trước đó, sắc lệnh của tân Tổng thống Trump liên quan đến việc cấm nhập cảnh đối với công dân 7 nước Hồi giáo (gồm Iran, Iraq, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và Libya) tạm thời bị vô hiệu hóa trên phạm vi toàn nước Mỹ từ ngày 3/2.

Điều này đã gây hoang mang và ảnh hưởng trầm trọng đến những người liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng lệnh cấm đang gây chia rẽ và làm tổn thương các gia đình Mỹ cũng như "hủy hoại lợi ích tối thượng của bang Washington - một nơi luôn chào đón người nhập cư và người tị nạn”.

Toà án “bác bỏ” sắc lệnh

Thẩm phán James Robart

Ngày 3/2, Thẩm phán liên bang ở Seattle,Washington ra phán quyết hiệu lực trên toàn quốc, tạm thời chặn lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump với người dân 7 nước Hồi giáo.

Vụ kiện chống sắc lệnh hành pháp của Trump do chính quyền bang Washington khởi xướng, sau đó chính quyền bang Minnesota cũng tham gia. Thẩm phán James Robart tại Seattle tuyên bố các bang có cơ sở pháp lý để khởi kiện.

Thẩm phán James L. Robart đã đưa ra phán quyết đanh thép, chặn đứng sắc lệnh của Tổng thống và có thể sẽ thay đổi số phận người dân 7 nước này và hàng vạn người tị nạn khác, những người đã bị khước từ đường vào nước Mỹ.

Ông Robart đã giữ cương vị thẩm phán hơn một thập niên. Cựu Tổng thống George W. Bush đã tiến cử ông lên Tòa án liên bang vào năm 2004, chọn ra ông từ danh sách chung khảo do ủy ban hai đảng gửi lên.

Dù chưa từng giữ vị trí thẩm phán, ông Robart vẫn được thượng nghị sĩ cả hai đảng đánh giá cao. Thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch gọi Robart là người “đại diện cho những kẻ yếu đuối thế cô” - nhắc tới việc ông đã làm khi đứng về phía “những người tị nạn Đông Nam Á”.

Mike McKay, cựu công tố viên Mỹ, nhận xét: “Quá rõ rồi, ông ấy đang cố gắng chứng tỏ rằng mình luôn lắng nghe và thấu hiểu tất cả các bên”. Jenny Durkan, một công tố viên từng tranh luận trước thẩm phán Robart trong vụ Seattle, cũng nhận định: “Ông ấy sẽ ra phán quyết mà ông ấy cho là đúng đắn, không lo ngại ai bất đồng với mình, dù người đó có là Tổng thống Mỹ đi nữa”.

Nhấn mạnh đến việc giảm thiểu các rủi ro tức thời nhưng sẽ nghiêm trọng đến những người chịu ảnh hưởng, thẩm phán James L. Robart đã đưa ra phán quyết của mình và lệnh cấm nhập cư của ông Trump mất hiệu lực trên toàn nước Mỹ.

Các ý kiến cho rằng, Thẩm phán không khẳng định sắc lệnh của Trump là vi hiến nhưng ra lệnh kiềm chế thực thi với lệnh cấm nhập cư, phạm vi áp dụng trên toàn quốc. Phán quyết này là thách thức lớn đối với chính quyền của Trump và Nhà Trắng dự kiến sẽ sớm phản kháng.

"Hiến pháp đã chiến thắng trong ngày hôm nay. Không ai được đứng trên luật pháp, kể cả Tổng thống", Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson nói. 

 
 
Ông Trump nổi giận, thách thức “kháng cáo”

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ đệ đơn kháng cáo nhằm đảo ngược quyết định của Thẩm phán liên bang James Robart và khôi phục sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhập cảnh trong 90 ngày và đình chỉ chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày của ông Trump.

 “Chúng tôi sẽ chiến thắng. Vì sự an toàn cho nước Mỹ, chúng tôi chắc chắn sẽ thắng”, ông Trump nói với nhà báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Biển Palm, Florida.

Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 9 hôm nay không chấp thuận đề nghị ngay lập tức đảo ngược quyết định của thẩm phán Robart. Điều này có nghĩa là lệnh cấm nhập cảnh vẫn bị ngừng.

Bộ Tư pháp Mỹ trước đó cảnh báo rằng quyết định của thẩm phán Robart gây hại cho công chúng và đánh giá an ninh quốc gia của Tổng thống.

Ông Trump đã bày tỏ sự giận dữ về việc lệnh cấm của mình bị ngừng. "Vì lệnh cấm bị dỡ bỏ bởi một thẩm phán, tiếp tay cho nhiều kẻ xấu và nguy hiểm có thể tấn công vào nước ta. Một quyết định khủng khiếp", ông viết trên Twitter ngày 4/2.

Ông Trump cũng viết trên Twitter chỉ trích phán quyết của Thẩm phán Robart là "lố bịch", thậm chí nói rằng quyết định đó sẽ mở đường cho những kẻ khủng bố tiềm tàng vào Mỹ.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã thông báo Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tìm kiếm một lệnh chặn khẩn cấp đối với phán quyết của thẩm phán liên bang ở Seattle.  "Sắc lệnh của Tổng thống nhằm bảo vệ đất nước và Tổng thống có thẩm quyền lẫn trách nhiệm do Hiến pháp quy định để bảo vệ người Mỹ”.

Chuyên gia luật Jonathan Turley tại Đại học George Washington cho rằng, việc cá nhân ông Trump liên tục chỉ trích phán quyết của Thẩm phán liên bang có thể gây khó khăn hơn cho Bộ Tư pháp trong việc tìm cách bảo vệ sắc lệnh di trú nói trên bởi Tổng thống nên thận trọng trong các bình luận của mình.

(Theo scmp,reuters)

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ