• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng thẳng Triều Tiên: Ẩn tình Đức ngả về tay Nga, Trung?

Thế giới 18/08/2017 13:36

(Tổ Quốc) - Đức có phản ứng về giải pháp của Nga, Trung về căng thẳng tên lửa Triều Tiên.

Các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, bắt đầu vào thứ Hai tới có thể khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên xấu đi đáng kể, nhà phân tích của RIA Novosti Gevorg Mirzayan cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng, nền kinh tế hàng đầu của EU là Đức, đã công khai bày tỏ sự không nhất trí với Hoa Kỳ về chính sách trong khu vực.

Mỹ- Hàn xúc tiến diễn tập

"Đề nghị của tôi với các nhà lãnh đạo là chúng ta không nên rút lại các cuộc diễn tập. Hoạt động này là rất quan trọng để duy trì khả năng của liên minh để tự bảo vệ mình", ông Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói với các phóng viên ngày 17/8 trong chuyến thăm đến Bắc Kinh.

Ông Dunford nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc "không hiện diện trên bảng như là một phần của đàm phán ở bất kỳ cấp độ nào".

Trước đó, Nga và Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch "đóng băng kép" đối với tình hình Triều Tiên-  đề nghị đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn và đổi lại, Bình Nhưỡng cũng dừng các vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ sáng kiến này.

Trong bài bình luận mới nhất cho RIA Novosti, ông Gevorg Mirzayan, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Tài chính Nga, bày tỏ mối quan ngại của mình về các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn mười ngày sắp tới.

"Trong 10 ngày đó ... [Hoa Kỳ] có thể tiến hành một cuộc di chuyển, điều khiến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) xem như là "sự khởi đầu cho chiến tranh "hoặc nếu có điều gì đó thể xảy ra với bất kỳ cơ sở quân sự nào của Hàn Quốc thì người Mỹ sẽ coi đây là một "tuyên bố chiến tranh" của Triều Tiên," Mirzayan đưa ra giả thuyết.

Đức và câu hỏi “đóng băng kép”?

Trong bối cảnh này, kế hoạch "đóng băng kép" dường như là cách tốt nhất để giảm bớt căng thẳng và mở ra cánh cửa giải quyết ngoại giao của cuộc khủng hoảng, nhà nghiên cứu này chỉ ra.

Căng thẳng Triều Tiên cũng đang khiến Đức "đứng ngồi không yên". (Ảnh: Reuters)

"Kế hoạch này không hướng tới" giải pháp cuối cùng" của vấn đề," Mirzayan nhấn mạnh và giải thích rằng động thái trên không đủ để gỡ nút thắt của cuộc khủng hoảng Triều Tiên ngay lập tức. Tuy nhiên, "kế hoạch ... có mục tiêu chính xác là để "đóng băng" tình hình và ngăn chặn 'khủng hoảng hạt nhân ngày tận thế'. Sau khi lui bước khỏi ranh giới vực thẳm, [các quốc gia liên quan] sẽ có thể bắt đầu một quá trình đàm phán thông thường."

Theo Sputnik, do thực tế là kế hoạch này rất đơn giản và thiết thực nên không có gì đáng ngạc nhiên rằng nước đứng đầu EU là Đức lại ủng hộ nó.

Ngày 15/8, trong một cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng Đức "hiểu và ủng hộ" kế hoạch "kép" và "sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề này", trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn với tờ Koelner Stadt-Anzeiger, ông Gabriel đã bày tỏ lo ngại về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vì "những tuyên bố quân sự không thể hiểu nổi".

"Tổng thống Hoa Kỳ đang đưa ra những lời hùng biện không thể hiểu được ... Mối đe doạt đặt ra là sự leo thang như vậy bắt đầu bằng ngôn ngữ và có thể kết thúc bằng hành động quân sự", ông Gabriel nói với giới truyền thông.

Bình luận về tuyên bố của ông Donald Trump về các lựa chọn quân sự của Mỹ đối với Bình Nhưỡng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và đồng thời chỉ trích Washington vì đã đẩy mạnh những lời lẽ chiến tranh căng thẳng.

"Đức sẽ tham gia tích cực vào các giải pháp phi quân sự, nhưng tôi cho rằng sự leo thang bằng lời nói là một phản ứng sai lầm", bà Merkel phát biểu vào thứ 6 tuần trước.

Đầu tuần này, Thủ tướng Đức nhắc lại lập trường của mình rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và đề cập đến  tiền lệ đàm phán sáu bên năm 2003.

"Chúng tôi đang tìm kiếm một hình thức đàm phán tương tự như tiến trình đàm phán sáu bên," bà Merkel nói với kênh Phoenix – đã được đăng tải trên trang Facebook của kênh.

Trong khi đó, bên cạnh việc bác bỏ đề xuất "đóng băng kép", Washington kêu gọi Moscow và Bắc Kinh gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, Mirzayan chia sẻ trong bài viết.

Phản ứng lại đề nghị này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh hôm thứ tư rằng "áp lực kinh tế (đối với Triều Tiên) đang diễn ra tự nhiên." Và "chúng tôi không thể ủng hộ ý tưởng một số đối tác của chúng tôi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng về vấn đề trên, theo nghĩa đen là đang cố gắng bóp nghẹt Triều Tiên kèm theo nhiều hậu quả tiêu cực, bi thảm cho người dân Triều Tiên", ông Lavrov nói với các nhà báo sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia Fernando Huanacuni Mamani vào ngày 16/8.

Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục “đùa với lửa” tại bán đảo Triều Tiên, Đức tuyên bố rằng họ không ủng hộ "các cuộc diễn tập" của Washington, ông Mirzayan lưu ý, nói thêm rằng chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga trước đó đã gây ra hiệu ứng “va chạm” đối với phía Đức.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ