• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng thẳng Triều Tiên: Mỹ bồi đòn trừng phạt, Nga mở con đường mới

Thế giới 27/12/2017 09:49

(Tổ Quốc) - Mỹ ngày 26/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức Triều Tiên về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Mỹ ngày 26/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức Triều Tiên về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, trong khi Nga nhắc lại lời đề nghị hòa giải để giảm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Các bước mới của Mỹ là động thái mới nhất trong một chiến dịch nhằm buộc Bình Nhưỡng  từ bỏ chương trình phát triển các tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công vào Hoa Kỳ.

Mỹ liên tục tăng sức ép

Bộ Tài chính Mỹ đã nêu tên các quan chức bị trừng phạt là Kim Jong Sik và Ri Pyong Chol và nói rằng, ông Kim được coi là nhân vật quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên từ chất lỏng sang rắn, trong khi ông Ri được báo cáo là một quan chức chính trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Chương trình tên lửa  và hạt nhân Triều Tiên đã dấy lên nhiều lo ngại trong khu vực. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết "Bộ Tài chính đang nhắm mục tiêu tới các nhà lãnh đạo các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, như một phần của chiến dịch gây sức ép tối đa để cô lập (Triều Tiên) và tiến tới một bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không có hạt nhân.

Các bước đi tượng trưng này chủ yếu chặn bất kì bất động sản hoặc lợi nhuận nào mà hai quan chức trên có thể sở hữu trong phạm vi quyền hạn của Mỹ và cấm mọi công dân Mỹ làm việc với họ.

Động thái này theo sau các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc được công bố vào thứ 6 tuần trước để phản ứng lại vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên vào ngày 29/11. Các biện pháp trừng phạt này nhằm hạn chế hơn nữa việc Triều Tiên tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô, cũng như thu nhập từ người lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

Triều Tiên tuyên bố các bước đi của LHQ là một hành động chiến tranh và giống như một cuộc phong tỏa kinh tế hoàn chỉnh.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên, vốn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kĩ thuật khi  Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một cuộc đình chiến, chứ không phải là một hiệp định hòa bình.

Washington nói rằng, tất cả các lựa chọn, bao gồm cả quân sự, đều đang được xem xét trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Đề nghị từ Điện Kremlin

Ngày 26/12, Điện Kremlin, từ lâu đã kêu gọi Mỹ - Triều tổ chức các cuộc đàm phán, cho biết họ đã sẵn sàng hành động như một nhà hòa giải nếu Washington và Bình Nhưỡng sẵn sàng để họ đóng vai trò như vậy.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng "sự sẵn sàng của Nga để mở đường cho sự giảm leo thang đã rõ ràng".

Khi được yêu cầu bình luận về lời đề nghị trên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Justin Higgins, nói rằng Mỹ "có khả năng liên lạc với Triều Tiên thông qua nhiều kênh ngoại giao" và nói thêm: "Chúng tôi muốn chính quyền Triều Tiên hiểu rằng có một con đường khác họ có thể lựa chọn, tuy nhiên phụ thuộc vào Triều Tiên để thay đổi lộ trình và trở lại các cuộc đàm phán đáng tin cậy."

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã đưa ra lời đề nghị tương tự hôm thứ Hai, nhấn mạnh sự cần thiết phải "có động thái nhanh nhất chuyển sang quá trình đàm phán từ ngôn ngữ của các biện pháp trừng phạt."

Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, Michael Cavey, cho biết Washington vẫn tiếp tục mở các cuộc đàm phán, nhưng trách nhiệm thuộc về Triều Tiên "thực hiện các hành động chân thành và có ý nghĩa đối với phi hạt nhân hóa và kiềm chế những hành động khiêu khích hơn nữa".

Ông nói Triều Tiên đã "làm rõ thông qua những lời nói và hành động của mình là họ không cần quan tâm tới đối thoại ở giai đoạn này".

Bộ Thống nhất Hàn Quốc dự báo hôm thứ ba rằng Triều Tiên sẽ hướng tới đàm phán với Hoa Kỳ vào năm tới trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm sự công nhận là một quốc gia hạt nhân trên thực tế.

Washington nhấn mạnh việc yêu cầu tất cả các nước, đặc biệt là Nga, và Trung Quốc – các đối tác thương mại chính của Triều Tiên - thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả cắt nguồn cung cấp dầu.

Thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã chậm lại trong suốt năm nay, đặc biệt là sau khi Trung Quốc cấm mua than Triều Tiên từ hồi tháng Hai.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã bày tỏ mối quan ngại về những ảnh hưởng nhân đạo từ các biện pháp trừng phạt, và đã nhiều lần kêu gọi những nỗ lực mang tính xây dựng để giảm căng thẳng.

"Trong tình hình hiện nay, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước phải kiềm chế và thực hiện các nỗ lực tích cực và xây dựng để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề này một cách thích hợp", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo ngày 25/12.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ