(Tổ Quốc) - “Ưu tiên hàng đầu” của Đài Loan là xây dựng hạm đội tàu ngầm của riêng mình để đối trọng lại sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ưu tiên quốc phòng chính của Đài Loan là nâng cấp các tàu ngầm cũ và xây dựng đội tàu mới của mình, theo một nhà thầu quốc phòng lâu năm của Mỹ với Đài Loan.
Nhọc nhằn con đường phát triển tàu ngầm
Sau khi Washington cấp giấy phép vào tháng 4 cho phép chuyển giao các công nghệ tàu ngầm của Mỹ cho Đài Loan để giúp đỡ hòn đảo này xây dựng hạm đội tàu ngầm của riêng mình, các phương tiện truyền thông địa phương đã thông tin rằng, sáu công ty nước ngoài đã đưa ra các đề xuất thiết kế cho chương trình tàu ngầm quốc phòng nội địa (IDS) của Đài Loan.
Chương trình này, được bắt đầu vào tháng 12 năm 2014, đã là một quá trình rất khó khăn để tiếp cận được những công nghệ thiết kế nhạy cảm và thành phần để phát triển 8 tàu ngầm diesel-điện và nâng cấp 4 tàu ngầm Đài Loan hiện có. Đáng chú ý, trong số 4 tàu ngầm hiện tại chỉ có 2 chiếc được sử dụng để chiến đấu.
Tàu ngầm Đài Loan tham gia tập trận. |
Tập đoàn Rehfeldt, một công ty của Mỹ, đã từng làm việc trong nhiều thập kỷ về chuyển giao công nghệ quân sự và bán vũ khí cho Đài Loan, cho biết, tập đoàn này hiện nay đang giúp Đài Loan nâng cấp các thiết bị quân sự, như máy bay vận tải, nhưng nói rằng, hòn đảo này cần cần tập trung phát triển tàu ngầm.
"Họ có một lực lượng hải quân mạnh mẽ, họ có một lực lượng không quân mạnh mẽ, họ có vũ khí công nghệ cao rất tốt, nhưng về cơ bản họ cần tàu ngầm để bảo vệ khu vực dưới biển", Edward Rehfeldt, chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty này cho biết.
Ông từ chối cho biết liệu công ty của ông có đang làm việc với Đài Loan về công nghệ tàu ngầm hay không.
“Mối quan tâm chính của chúng tôi thực sự là giúp Đài Loan xây dựng hệ thống (vũ khí) riêng của mình; việc luôn phụ thuộc vào một quốc gia khác không hề tốt, ”ông nói, ngụ ý nhắc đến Hoa Kỳ.
“Bởi vì Đài Loan luôn gặp khó khăn trong việc có được sự chấp thuận để mua những thứ mới và họ đã làm tốt công việc duy trì những thứ họ có – những thiết bị đã trở nên lỗi thời, vì vậy, chúng tôi tìm cách để giúp họ nâng cấp nó”.
Một nguồn tin quân sự Đài Loan đã nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng SCMP rằng, Đài Loan đã có kế hoạch nâng cấp hai tàu ngầm lớp Chien Lung 30 năm tuổi của họ.
Hai con tàu này được chế tạo tại Hà Lan, là một phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Zwaardvis của Hà Lan, đã ra mắt lần lượt vào năm 1982 và 1986.
Lực lượng quân sự Đài Loan đã đề xuất trong năm 2016 một chương trình nâng cấp trị giá 12,3 triệu USD để nâng cao năng lực hoạt động của các tàu ngầm trong 15 năm nữa, đến năm 2030, nguồn tin này cho biết.
Quá trình nâng cấp là cần thiết vì điều này sẽ đảm bảo Đài Loan tiếp tục có sức mạnh tàu ngầm trước khi con tàu đầu tiên được sản xuất mới nội địa hoàn thành vào năm 2025, nguồn tin này cho biết.
“Sức ép” trên biển từ Trung Quốc?
Theo SCMP, các chương trình nâng cấp quân sự của Đài Loan đã được tăng cường khẩn cấp trong những tháng gần đây, vì Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động quân sự gần hòn đảo này.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của mình và cuối cùng sẽ phải sáp nhập với đại lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Là một phần của quá trình hiện đại hóa, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan trong tuần này đã yêu cầu mua 108 xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams do Mỹ sản xuất để thay thế một số xe tăng hiện có của mình và đã đạt được thỏa thuận vào tháng 5 với một công ty Hà Lan nâng cấp hai tàu ngầm của nước này.
Trong khi đó, chương trình tàu ngầm nội địa của hòn đảo này có thể được lắp đặt với thiết kế nước ngoài trước năm 2020, Taiwan News đưa tin.
Alexander Huang Chieh-cheng, từng là một quan chức cấp cao trong chính quyền Đài Loan, nói rằng có sự lo ngại rằng Đài Loan sẽ mua tàu ngầm được trang bị hệ thống quân sự tấn công, tuy nhiên, nguyên nhân ưu tiên cho việc sử dụng chúng trong thời gian này sẽ là đào tạo tác chiến chống tàu ngầm.
"Để xây dựng tàu ngầm nội địa của riêng mình - đó là một quá trình dài vì vậy chúng tôi có thể, trong giai đoạn tạm thời, sẽ cần phải nâng cấp tàu ngầm của mình", ông nói. “Chúng tôi chỉ có bốn, trong đó có hai con tàu đã hơn 70 năm. Chúng vẫn hoạt động, nhưng chúng chỉ có thể lặn trong vùng nước nông, vì vậy hai con tàu này là dành cho mục đích huấn luyện”.
Huang, hiện là giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Tamkang, cho biết việc sản xuất vũ khí nội địa của Đài Loan sẽ yêu cầu mua sắm một số công nghệ quan trọng từ các nhà cung cấp nước ngoài.
"Những gì chúng tôi đang thiếu là một số công nghệ và bí quyết quan trọng để có thể lập kế hoạch dài hạn, bao gồm việc đào tào và phát triển các thế hệ nhân lực trong ngành này," ông nói.
"Về mặt nghĩa đen, tiến trình này không thể đạt được trong ngắn hạn ... vì vậy việc mua sắm từ nước ngoài sẽ là điều cần thiết nếu chúng tôi muốn duy trì khả năng phòng thủ của mình."
Wang Ting-yu, chủ tịch cơ quan ngoại giao và Ủy ban quốc phòng của Đài Loan cho biết, trong khi Đài Loan đang có khả năng tự phòng vệ, vẫn cần phải cập nhật và nâng cấp các loại vũ khí hiện có - bao gồm máy bay chiến đấu F-16 và tàu ngầm - để Trung Quốc sẽ không có bất kỳ "khái niệm không đúng" về việc tấn công.
"Đài Loan có một chiến lược phòng thủ tích cực, chúng tôi sẽ không chiến đấu với các bạn, nhưng nếu bạn tấn công chúng tôi, bạn sẽ phải trả một mức giá nghiêm trọng", Wang, một nhà lập pháp từ đảng Dân tiến cầm quyền (DPP), cho biết.
Lo ngại về các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc đã gia tăng tại Đài Loan trong tháng 4 khi hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng, những hoạt động này được xây dựng để ngăn chặn sư gia tăng của xu hướng Đài Loan đòi tự chủ - một trong những lằn ranh đỏ của Bắc Kinh.
Xin Qiang, một chuyên gia về Đài Loan tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nói rằng các động thái quân sự của Trung Quốc không có nghĩa là nhắm vào người Đài Loan, mà là khái niệm tự chủ của hòn đảo này.
"Chúng tôi không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ cực đoan rằng, Đài Loan - nếu DPP tiến hành những động thái nguy hiểm với xu hướng tự chủ trong tương lai - sẽ buộc Trung Quốc, trong những trường hợp cực đoan, sử dụng các phương pháp không hòa bình", ông nói.
"Nhưng chính sách cơ bản của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn là thống nhất một cách hòa bình - điều này đã không thay đổi, và sẽ không thay đổi."
Dưới thời nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục đã bị đóng băng đáng kể. Điều này đã buộc Đài Loan phải tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn từ Hoa Kỳ - khi hai bên đã có một hiệp ước quốc phòng lâu dài và duy trì bán vũ khí thường xuyên, bao gồm cả gói vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD vào năm ngoái.