(Tổ Quốc) -UAE cảnh báo Qatar về "việc ly dị" với các nước láng giềng trong vùng Vịnh nếu không nghiêm túc xem xét danh sách yêu cầu.
Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 23/6 đã cảnh báo Qatar rằng họ phải đối mặt với "việc ly dị" với các nước láng giềng trong vùng Vịnh nếu không nghiêm túc xem xét danh sách các yêu cầu nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera.
Al-Jazeera, có trụ sở tại Qatar từ lâu đã là một vấn đề tranh cãi giữa Doha và các nước láng giềng khi họ cáo buộc Al-Jazeera thúc đẩy các cuộc xung đột khu vực.
Anwar Gargash, Bộ trưởng Ngoại giao của UAE, đã đưa ra cảnh báo trên hơn hai tuần sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm của khu vực dầu mỏ nổ ra.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar đã gây ra nhiều sóng gió cho khu vực. (Nguồn: EPA) |
Vụ việc này cũng dấy lên phản ứng từ Mỹ khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đang kêu gọi sự thống nhất vùng Vịnh.
Gargash cáo buộc Qatar đã tiết lộ tài liệu trên như "một nỗ lực để phá bỏ sự hòa giải" và rằng "sẽ khôn ngoan hơn nếu (Qatar) xem xét một cách nghiêm túc với những yêu cầu và mối quan tâm của các nước láng giềng, nếu không cuộc ly dị sẽ diễn ra".
Gargash nói thêm, Qatar phải đối mặt với sự lựa chọn về ổn định và thịnh vượng, hoặc sự cô lập và "có lẽ giải pháp là cách chia tay."
Gargash cũng cho hay: "Người anh em (Qatar) phải nhận ra rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng không phải nằm trong tay Tehran hay Beirut, Ankara hay các thủ đô ở phương Tây hoặc trong các phương tiện truyền thông, mà là để lấy lại lòng tin của các nước láng giềng".
Qatar là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và nơi có căn cứ không quân Mỹ lớn nhất ở Trung Đông.
Gargash cáo buộc Qatar đã rò rỉ tài liệu về 13 yêu cầu mà Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đưa ra đối với Doha – điều nước này mạnh mẽ bác bỏ.
Theo văn bản đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, bốn quốc gia trên yêu cầu Qatar đóng cửa Al-Jazeera, hạ mức quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này.
Danh sách yêu cầu này chưa được chính thức xác nhận.
Đầu tuần này, một nhà ngoại giao nước ngoài nói với AFP rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao đã tiến đến một "bế tắc" và "sẽ không kết thúc sớm".
(Theo AFP)