• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo đỏ hỗn loạn Nga trên chính trường Anh

Thế giới 20/11/2017 08:13

(Tổ Quốc) - Tại sao chính quyền Anh cố tình không nhắc tới các bằng chứng về việc Nga can thiệp vào Brexit?

Tờ Washington Post đưa tin, các kết quả điều tra vừa được công bố trong tuần qua đã chỉ ra những dấu hiệu về việc Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, quyết định Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Theo đó, một số người Nga (nhiều khả năng nhận được sự hỗ trợ từ Điện Kremlin) đã thông qua mạng xã hội, nhắm vào nhiều mục tiêu tại Anh.

Mặc dù tin tức trên đã tràn ngập trên các tờ báo của quốc đảo sương mù, nhưng theo Washington Post, Thủ tướng Theresa May và nội các của bà vẫn khẳng định rằng, chương trình tuyên truyền của Nga “không có ảnh hưởng thành công trực tiếp” lên lá phiếu Brexit.

Các nhà phê bình bà May chỉ trích, việc thừa nhận nước Nga đã cố gắng tác động lên cử tri Anh có thể khiến nảy ra những câu hỏi về ý định đưa Anh rời EU của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Nó cũng sẽ làm dấy lên những mâu thuẫn nội bộ, giữa một bên là những người mong muốn bà May đạt được một Brexit toàn diện và dứt khoát – với những người ủng hộ cho một sự ra đi “mềm mỏng” hơn. Ngoài ra, còn một nhóm nhỏ các chính trị gia Bảo thủ vẫn gọi Brexit là một sai lầm trong lịch sử nước Anh.

Thông điệp “lộn xộn” nhắm vào Nga của bà May

Trong khi đó, Công Đảng đổ lỗi cho bà Thủ tướng về cái gọi là một thông điệp lộn xộn liên quan đến sự can thiệp của Nga vào Brexit.

Hôm Thứ Hai (13/11), bà May đã có một bài phát biểu cứng rắn trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại London. Trong đó, bà cáo cuộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng “phá hoại các xã hội tự do” của phương Tây bằng cách “triển khai các tổ chức truyền thông Nhà nước để sản xuất tin tức giả”.

“Vì vậy, tôi có một thông điệp đơn giản cho nước Nga,” bà May cảnh báo. “Chúng tôi biết các anh đang làm gì. Và các anh sẽ không thành công”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Anh có nội dung khá trái ngược với những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chỉ hai ngày trước đó. “Ông ấy [Vladimir Putin] nói rằng, ông thực sự không can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta,” ông Trump kể lại với phóng viên. “Ông ấy không làm những gì mà người ta nói ông ấy làm.”

Tình báo Anh đã thu thập các tin tức về các biện pháp và chiến dịch làm sai lệch thông tin của Nga từ trước và sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Đáp lại, Moscow kiên quyết từ chối lời cáo buộc và cho rằng, họ bị đem ra làm “vật hy sinh”.

“Xã hội Anh hiện tại đang không ở thời điểm tốt nhất bởi những gì đang diễn ra trong tiến trình Brexit”, Bộ Ngoại giao Nga viết trên Twitter: “Có thể hiểu được rằng, cần tạo ra một thế lực kẻ thù bên ngoài để làm phân tâm sự chú ý của công chúng, và nước Nga đã được chọn trong vai trò đó. Thật sự là đáng tiếc.”

Trước đó, cũng trong tháng Mười một, khi được hỏi về khả năng Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử Anh, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trả lời “Không” và cho biết, không hề có bằng chứng nào liên quan đến điều này.

Hôm thứ Tư (15/11), trong một phiên chất vấn tại Quốc hội, Nghị sỹ Công Đảng Mary Creagh hỏi bà May: “Liệu bà có thành lập một Uỷ ban Tình báo và An ninh để nhah chóng điều tra những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm phá hoại nền dân chủ” của nước Anh.

Tuy nhiên, Thủ tướng May gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh, trong bài phát biểu của bà tại London, bà không hề có ý ám chỉ rằng, nước Anh là một mục tiêu cho các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga.

“Nếu họ chịu xem xét bài phát biểu của tôi hôm Thứ hai,” bà May nói, “họ sẽ thấy rằng các ví dụ mà tôi đưa ra không có nước Anh.”

Một ngày sau đó, một Nghị sỹ Công Đảng khác là Ben Bradshaw nhận xét tại Quốc hội, việc nội các của bà May tránh nói về can thiệp của Nga vào Brexit – là một sự chệch hướng.

Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, ông Bradshaw nói: “Tôi không biết có phải họ làm điều đó bởi vì lo ngại có thể xuất hiện nghi ngờ về tính pháp lý của kết quả rất sát nhau trong cuộc trưng cầu dân ý. Hoặc là họ sợ làm phải điều gì có thể khiến Tổng thống Mỹ mất mặt, đặc biệt là khi họ đang đặt tất cả kỳ vọng vào một vài thoả thuận thương mại tưởng tượng từ Nhà Trắng sau thảm hoạ Brexit.”

Các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Theresa May đang phản ứng trước các thực tế chính trị nội bộ của nước mình. “Tôi không nghĩ bà ấy muốn mọi người mang theo ý nghĩ rằng, Brexit là do nước Nga gây ra,” Tim Bale – Giáo sư chính trị học tại Đại học Queen Mary đánh giá.

Theo ông, đây không phải là vấn đề đen – trắng rõ ràng. Đúng là có sự lo ngại về sự can thiệp của Nga, nhưng không phải theo hướng nó đã tạo ra sự khác biệt đáng kể trong kết quả Brexit.

Trong một bài phát biểu hôm Thứ Tư (14/11), Ciaran Martin, Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh mạng, đã cáo buộc các hacker Nga tấn công các lĩnh vực truyền thông, viễn thông và năng lượng của Anh. “Đây là điều đáng lo ngại,” ông nói.

 Thủ tướng Anh Theresa May và nội các muốn làm giảm mức độ nghiêm trọng của khả năng Nga đã can thiệp vào lá phiếu Brexit?

Các tài khoản mạng xã hội từ Nga hoạt động như thế nào?

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Swansea (Wales) và Đại học California tại Berkely (Mỹ) đã tìm thấy hơn 150.000 tài khoản Twitter có mối liên hệ với Nga – viết về Brexit trong khoảng thời gian trước ngày bỏ phiếu Brexit.

Những bằng chứng trên chỉ là một phần trong một dự án nghiên cứu quy mô lớn hơn và vẫn chưa được công bố. Một nhà nghiên cứu của Đại học Swansea cho biết, các tài khoản mà họ phân tích sử dụng tiếng Nga khi mới thành lập, nhưng lại cập nhật trạng thái bằng tiếng Anh. Nội dung là các thông điệp ủng hộ cả “rời đi” và “ở lại” Brexit – cho thấy, có thể mục tiêu chỉ đơn giản là tạo ra sự mâu thuẫn và chia rẽ trong xã hội.

Một nghiên cứu khác của Đại học Edinburgh phân tích 2.752 tài khoản Twitter đã được giao cho Quốc hội Mỹ. Các tài khoản này (giờ đã không còn hoạt động) có mối liên hệ với Công ty Nghiên cứu Internet, một cơ sở sản xuất tin giả được cho là nhận sự hỗ trợ của chính quyền Nga. Các nhà nghiên cứu tìm ra, hơn 400 tài khoản trong số trên đã đăng tải các thông điệp mang nội dung chia rẽ về cuộc bỏ phiếu Brexit, chủ yếu là sau khi sự kiện diễn này diễn ra.

Theo hai nhà nghiên cứu Clare Llewellyn và Laura Cram, kết quả cho thấy “bằng chứng cụ thể đầu tiên rằng các tài khoản được nhận định là có mối liên hệ với Nga và đã tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ, cũng hoạt động liên tục về các vấn đề liên quan đến Brexit”.

Tuy nhiên, họ cũng kêu gọi sự thận trọng khi đánh giá ảnh hưởng của các thông điệp trên tới kết quả Brexit, một phần là bởi việc khó tiếp cận dữ liệu từ các công ty mạng xã hội như Twitter…

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Damian Collins tán thành việc phải yêu cầu Twitter và Facebook đưa ra các bài đăng có liên quan tới chính trị Anh từ các tài khoản có liên hệ với Nga.

“Dư luận có quyền biết nếu các thế lực nước ngoài đang cố phá hoại tiến trình dân chử trong nước mình”, Collins nói. Ông cũng chính là người đứng đầu một Uỷ ban của Quốc hội Anh - mới tiến hành một cuộc điều tra “tin giả” vào Tháng Một năm nay. Uỷ ban này dự định sẽ trực tiếp sang Mỹ để thu thập các bằng chứng từ các công ty mạng xã hội của Mỹ trong năm sau. Collins đã yêu cầu Twitter trao cho Anh một danh sách tương tự như những gì mà Quốc hội Mỹ đã nhận được. Một trong số các tài khoản thuộc danh sách trên cũng đã đăng tải nhiều thông điệp về nước Anh.

(Theo Wahsington Post)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ