(Tổ Quốc) - Vấn đề hạt nhân Iran đang nhận được nhiều sự chú ý từ các cường quốc tại Munich.
Ngoại trưởng Iran nói rằng ngay cả khi Tehran quyết định đàm phán với Hoa Kỳ, ông vẫn sẽ không tin rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào mà hai quốc gia đạt được.
Những bình luận của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "Today" của NBC được đăng tải ngay trước thềm một hội nghị an ninh thường niên ở Munich, Đức - nơi quy tụ hơn 30 nguyên thủ quốc gia và 80 bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước cùng hàng trăm chuyên gia an ninh hàng đầu.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đưa ra thông điệp về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: AP)
Ông Zarif cho biết, Iran đã dành nhiều năm để đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới khác năm 2015, theo đó, các bên đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy cam kết của Tehran trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận và Washington đã áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Iran.
Ngoại trưởng Zarif nói rằng Iran không quan tâm đến việc ngồi xuống đối thoại với ông Trump, cho biết: "Tại sao chúng ta cần đàm phán? ... Tại sao chúng ta có thể tin tưởng vào Tổng thống Trump rằng ông ấy sẽ tuân theo chữ ký của chính mình?"
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự hội nghị Munich, hôm thứ Năm – ngày 14/2, đã cáo buộc Anh, Pháp và Đức luôn muốn "phá vỡ" các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đồng thời ông kêu gọi họ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) với Tehran.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu đã chỉ trích các biện pháp bảo hộ thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là đang tạo ra tình trạng "cùng thua", đồng thời lên tiếng bảo vệ các nỗ lực của châu Âu nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran sau khi Mỹ rút lui đơn phương.
Điều đó có thể tạo tiền đề cho nhiều cuộc trao đổi ý kiến trực diện ở Munich. Ông Zarif đang có mặt để tham dự cuộc họp, cùng với các nhà ngoại giao cấp cao nhất từ Nga và Trung Quốc - cũng như các quan chức cấp cao của ba quốc gia châu Âu (Anh, Pháp, Đức-pv) muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.
Thủ tướng Angela Merkel cũng đang dẫn đầu phái đoàn của Đức tham dự hội nghị - diễn ra từ ngày 15-17/2.