• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi hộp Mỹ trước "phép thử" kỳ vọng liên minh Israel-Arab đối phó Iran

Thế giới 13/02/2019 13:10

(Tổ Quốc) - Thượng đỉnh Warsaw về an ninh và hòa bình Trung Đông là cơ hội để Washington "vun đắp" cho quan hệ hợp tác giữa Israel và một số nước Arab.

Diễn ra trong tuần này tại Warsaw, Ba Lan, Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng nhằm thúc đẩy tương lai hòa bình và ổn định tại Trung Đông, được đánh giá là một bước kiểm nghiệm cho cột trụ chính trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông: niềm tin rằng Israel và các nước Arab có thể thiết lập một liên minh chống lại Iran, ngay cả khi các cuộc đối thoại hòa bình giữa Israel và Palestine đang tỏ ra xa vời hơn bao giờ hết.

Theo Bộ Ngoại giao Ba Lan, ít nhất 10 nước Arab sẽ cử đại diện tham dự thượng đỉnh. Đoàn Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu. Chính quyền Palestine cũng được mời tham gia nhưng đã từ chối, thậm chí còn kêu gọi các nước Arab khác tẩy chạy hội nghị. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo, con rể kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump Jared Kushner… sẽ nằm trong những người có mặt tại Warsaw.

Hồi hộp Mỹ trước phép thử kỳ vọng liên minh Israel-Arab đối phó Iran - Ảnh 1.

(Từ trái qua) Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn cấp cao Jared Kushner (ảnh: getty)

Ban đầu, Washington nhận định, tập trung của hội nghị thượng đỉnh là Iran và những hiểm họa mà Cộng hòa Hồi giáo đem tới cho khu vực. Tuy nhiên, chủ đề này đã khiến một số nước châu Âu, vốn có lập trường ôn hòa hơn với Iran, tỏ ra nghi ngại. Chính vì vậy, hội nghị đã chuyển từ Iran sang một chương trình nghị sự rộng lớn hơn, nhấn mạnh vào hòa bình và an ninh Trung Đông.

Tuy nhiên, tờ báo Israel Haaretz nhận định, đối với chính quyền Trump, hai chủ đề - ổn định tại Trung Đông và đối đầu với Iran – có quan hệ chặt chẽ. Washington muốn đem Israel và các nước Arab dòng Sunni đến gần nhau hơn, và cùng hợp tác để đối phó Iran và Hezbollah.

Nhiều năm nay, mối quan hệ giữa tình báo – an ninh Israel với các nước Arab Sunni thường được giữ trong bóng tối. Những kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Washington tỏ ra rất chú ý tới những tín hiệu về sự sẵn sàng công khai hợp tác của giới Arab với Israel. Trong số này bao gồm chuyến công du của Thủ tướng Israel Netanyahu tới Oman tháng 10/2018; loạt cập nhật trên Twitter của các quan chức Bahrain thể hiện ủng hộ với hành động của Israel trước Iran và Hezbollah; một tuyên bố của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman rằng Israel có quyền "tồn tại"; và hai cuộc gặp gỡ "rầm rộ" giữa ông Netanyahu và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sissi…

Tuy nhiên, cùng lúc, thông cáo chính thức của các chính phủ Arab lại nhấn mạnh việc tiếp tục ủng hộ cho Sáng kiến Hòa bình Arab 2002, trong đó kêu gọi thành lập một nước Palestine độc lập ở Bờ Tây và Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô.

Lập trường trên hoàn toàn đối lập với chính phủ cánh hữu của ông Netanyahu. Và sẽ là một ngạc nhiên lớn, nếu kế hoạch hòa bình của chính quyền Trump gần gũi với Sáng kiến Hòa bình Arab hơn là với các yêu cầu từ phía Israel.

Câu hỏi lớn giờ đây là liệu các nước Arab có chấp nhận một lập trường khác nếu chính quyền Palestine coi kế hoạch hòa bình của Washington là thiếu công bằng? Trong năm 2018, Nhà Trắng từng ít nhất hai lần khẳng định với tờ Haaretz rằng, kế hoạch hòa bình không phải theo thể thức "chấp nhận hoặc không gì hết", mà sẽ dựa vào sự thương lượng.

Nếu Israel chấp nhận thương lượng nhưng Palestine từ chối, những quốc gia như Bahrain, Arab Saudi và Ai Cập sẽ làm gì?

Trong khi Ngoại trưởng Pompeo, cố vấn cấp cao Jared Kushner thảo luận về kế hoạch hòa bình với các đại diện Arab tại Warsaw, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Arba trong khu vực, với hy vọng nhận được sự đảm bảo rằng, họ sẽ không chấp nhận kế hoạch của Washington, trừ khi nó phù hợp với Sáng kiến Hòa bình Arab.

"Cây cầu quá xa"

David Pollock, một học giả cấp cao tại Viện chính sách Cận đông Washington chỉ ra, các cuộc thăm dò ý kiến tại Vùng Vịnh cho thấy, thái độ sẵn sàng hợp tác với Israel đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh. Ngoài ra, hầu hết người dân các nước Vùng Vịnh đều bằng lòng với ý kiến, các nước Arab nên giúp thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tuy vậy, ông Pollock tỏ ra nghi ngờ khả năng các nước Arab sẽ tiến xa hơn nữa trong quan hệ với quốc gia Do thái, nếu mối quan hệ Israel và người Palestine không có cải thiện.

Mỗi khi có leo thang giữa Israel và người Palestine, tại các nước Arab, mức độ cảm thông của dư luận hướng về người Palestine lại tăng cao.

David Pollock

"Mỗi khi có leo thang giữa Israel và người Palestine, tại các nước Arab, mức độ cảm thông của dư luận hướng về người Palestine lại tăng cao", ông Pollock nói. Theo ông, kỳ vọng các nước Arab thông qua kế hoạch hòa bình của ông Trump bất chấp sự phản đối của Palestine, là một sai lầm. "Đó có thể là một cây cầu quá xa", ông cảnh báo. "Một động thái an toàn hơn sẽ là yêu cầu họ không trực tiếp phản đối – và có lẽ ám chỉ tầm quan trọng của thương lượng".

Một lý thuyết cũng được các chuyên gia và cựu quan chức đề cập tới là Arab Saudi có thể thay đổi lập trường truyền thống – như một cách đáp trả sự ủng hộ to lớn mà nước này nhận được từ Washington sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát tại Istanbul tháng 10 năm ngoái. Cựu Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Corker từng phát biểu: "Phần nhiều của Kế hoạch hòa bình Trung Đông dựa trên sự ủng hộ của họ [Arab Saudi]". Còn Tamara Cofman Wittes, một học giả cấp cao tại Viện Brookings cũng bình luận: "Chính quyền Trump sẽ bỏ qua vụ điều tra Saudi […] chỉ vì lợi ích của kế hoạch hòa bình".

Để kết luận, tờ Haaretz viết, cho dù kết quả thượng đỉnh Warsaw có như thế nào, bài kiểm tra thực sự sẽ diễn ra nếu và chỉ khi kế hoạch hòa bình được công bố. Và cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một ngày giờ cụ thể cho sự kiện này.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ