(Tổ Quốc) - Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/9 đã nhóm họp tại Tehran về tương lai của Syria, thúc giục phe nổi dậy hạ vũ khí trước nguy cơ một cuộc xung đột lớn tại Idlib.
“Nóng” trước thực địa Idlib
Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ phe đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad, lo ngại một dòng người tị nạn lớn sẽ đổ về nước này khi xung đột bùng nổ tại Idlib, đồng thời vẫn muốn có ảnh hưởng tại một số khu vực ở Syria.
"Chúng tôi không bao giờ muốn Idlib biến thành một cuộc tắm máu", ông Erdogan nói với người đồng cấp Iran và Nga.
"Bất kỳ cuộc tấn công nào đã được thực hiện hoặc sẽ được thực hiện tại Idlib sẽ dẫn đến thảm họa, thảm sát và một bi kịch nhân đạo rất lớn", ông nói đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại đây.
"Nếu chúng ta có thể đảm bảo ngừng bắn ở đây, đây sẽ là một trong những bước đi quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh", ông Erdogan nói.
Tuy nhiên điều này chưa được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ủng hộ hoàn toàn ngay lập tức, theo AP.
Ông Putin khẳng định Damascus là "chính phủ hợp pháp của người dân Syria có quyền và cuối cùng phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia", đồng thời cảnh báo các tay súng phe đối lập ở Idlib đã lên kế hoạch "khiêu khích", có thể bao gồm sử dụng vũ khí hóa học.
"Chiến đấu chống khủng bố ở Idlib là một phần không thể tránh khỏi trong sứ mệnh khôi phục hòa bình và ổn định cho Syria," ông Rouhani nói tại hội nghị thượng đỉnh ở Tehran.
"Nhưng trận chiến này không nhằm để thường dân phải chịu đựng hậu quả hoặc dẫn đến việc thực hiện chính sách tiêu thổ (phá hủy bất cứ cái gì có thể có ích cho quân địch khi họ đang tiến lên)", ông nói thêm, trong bối cảnh Liên hợp quốc đã đưa ra nhiều cảnh báo về một thảm họa nhân đạo nếu một cuộc tấn công diễn ra tại Idlib.
Ba nước nhóm họp nhằm tìm cách tháo gỡ xung đột Idlib. (Nguồn: AFP) |
Ông Rouhani cũng nêu ra yêu cầu, các lực lượng Mỹ tại Syria - có khoảng 2.000 quân ở đây - rút quân ngay lập tức. "Chúng ta phải buộc Mỹ rời đi".
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là những nhà bảo trợ của tiến trình Astana- quá trình đàm phán về Syria được khởi động sau khi sự can thiệp quân sự năm 2015 của Nga đã làm thay đổi tình hình trên chiến địa Syria.
Chưa rõ chốt hạ với Idlib?
Sự ủng hộ của Iran và Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giúp Damascus giành lại thế thượng phong trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua.
Tỉnh Tây Bắc Idlib và các khu vực xung quanh là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người - gần một nửa trong số đó là dân thường di tản từ các vùng khác của Syria. Số lượng trên cũng bao gồm khoảng 10.000 tay súng cực đoan, bao gồm cả các chiến binh liên kết với al-Qaida.
Vào sáng thứ Sáu, các cuộc không kích của Nga đã nhắm vào các vị trí của phe nổi dậy ở phía tây nam Idlib, Đài quan sát Nhân quyền Syria SOHR cho biết.
Trong số đó có các vị trí của liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và nhóm cực đoan Ahrar al-Sham, theo SOHR.
Còn chính quyền Syria cũng đã thể hiện quyết tâm để giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Al-Watan, một tờ báo gần gũi với chính phủ Syria, đưa tin hôm thứ Hai rằng, hoạt động quân sự có thể diễn ra "ngay lập tức theo sau hội nghị thượng đỉnh".
Tám cơ quan viện trợ hàng đầu tại Syria ngày 7/9 cảnh báo rằng, "một lần nữa, những người dễ bị tổn thương nhất sẽ những người sẽ phải trả giá đắt nhất". Họ cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "khẩn trương làm việc cùng nhau để tránh tình huống khủng khiếp này".
Hàng trăm thường dân đã bắt đầu chạy trốn khỏi Idlib trước điều có thể là trận chiến cuối cùng và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Syria.
Các cuộc đàm phán Tehran có thể nói tới quy mô và thời điểm của cuộc tấn công Idlib.
Theo AFP, Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ, giáp ranh với tỉnh Idlib, sử dụng ảnh hưởng của mình kiềm chế HTS và các lực lượng nổi dậy khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế sự thống trị của các lực lượng cực đoan tại Idlib, nhưng lại ủng hộ những nhóm nổi dậy khác. Ankara cũng xây dựng các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ ở miền bắc Syria và có hàng trăm binh sĩ được triển khai tại 12 vị trí quan sát ở Idlib. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn thấy xuất hiện thêm một khu vực do người Kurd kiểm soát dọc theo biên giới của họ - như điều họ đã phải đối mặt tại Iraq.
Còn Iran thì muốn giữ vững vị thế của mình trước các quốc gia láng giềng Israel và Lebanon. Và Nga muốn duy trì sự hiện diện tại khu vực để lấp đầy khoảng trống Mỹ đang để lại khi Washington chưa rõ muốn gì tại đây, theo AP.
Sau hội đàm, ông Putin đã cho biết, nhà lãnh đạo 3 nước đã thảo luận về “sự ổn định” theo từng bước tại Idlib. "Chúng tôi đã thảo luận các biện pháp cụ thể liên quan đến việc ổn định từng giai đoạn trong khu vực leo thang Idlib, điều sẽ... mang tới một cơ hội tiến tới hòa bình cho những người sẵn sàng đối thoại".
Dù vậy, một tuyên bố chung đưa ra sau hội đàm không cung cấp nhiều chi tiết về kế hoạch cho Idlib.