• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo sụt giảm tăng trường toàn cầu vì căng thẳng thương mại tràn lan

Thế giới 13/04/2019 10:01

(Tổ Quốc) - Chính trị gia người Pháp cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm đi là do căng thẳng thương mại xuất hiện khắp nơi.

Mới đây, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU sẽ là một sai lầm về cả chính trị và kinh tế.

Trong hai cập nhật trên Twitter trong tuần này, Tổng thống Donald Trump đã nhằm vào EU khi tuyên bố, đó là "một đối tác thương mại tàn khốc".

"Chúng ta phải tránh một cuộc chiến thương mại. Chúng ta đang phải đối mặt với sự đi xuống ở cả mức độ toàn cầu và châu Âu; và lý do cho sự tăng trưởng kinh tế chậm như vậy là do có căng thẳng thương mại ở khắp nơi trên thế giới", ông Le Maire chỉ ra.

Cảnh báo sụt giảm tăng trường toàn cầu vì căng thẳng thương mại tràn lan - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (ảnh: CNBC)

"Đã có căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta không nên có thêm căng thẳng giữa Mỹ và EU. Đó sẽ là một sai lầm chính trị và cả kinh tế", Bộ trưởng Pháp cảnh báo.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã không ngừng công kích các đối tác thương mại lớn, bao gồm EU, Trung Quốc và Canada… là thiếu công bằng, cũng như để lại những tác động tiêu cực cho người lao động và công ty Mỹ. Ông Trump còn tăng mức thuế lên một số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu mà theo nhiều chính phủ và nhà phân tích, đã làm tổn thương nền kinh tế thế giới.

Trong tuần này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã lần thứ ba kể từ tháng 10/2018, hạ mức dự đoán tăng trưởng toàn cầu. Theo IMF, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 3,3% trong năm 2019 – thấp hơn so với con số đưa ra trước đó là 3,5%.

Các nền kinh tế châu Âu được cho là những yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự thụt lùi tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Pierre Moscovici, Ủy viên Hội đồng châu Âu về kinh tế, tài chính, thuế và hải quan - nhận định, điều này diễn ra vào một thời điểm không thuận lợi cho liên minh.

Ông giải thích, EU hiện đang phải chuẩn bị đối phó với một cú sốc tiềm tàng đó là, nước Anh rời đi mà không đạt được một thỏa thuận nào.

Hồi đầu tuần, Anh và EU đã đạt được nhất trí, một lần nữa kéo dài thời hạn Brexit tới ngày 31/10. Ông Moscovici chỉ ra, sáu tháng sắp tới sẽ được tận dụng để đảm bảo quá trình rời khỏi EU của nước Anh không đổ vỡ và khiến kinh tế thế giới và châu Âu tăng trưởng chậm hơn nữa.

"Hãy tránh một Brexit không thỏa thuận", ông Moscovici nói. "Chúng ta phải tìm được một cách để chung sống cùng nhau và vì điều đó, một thỏa thuận – tôi không rõ thỏa thuận như thế nào, nước Anh cần phải cho biết chính xác họ muốn gì – vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ