(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhóm họp hội đồng an ninh quốc gia vào thứ Sáu để dự đoán về những thách thức sắp tới mà Moscow phải đối mặt.
Động thái này diễn ra khi Nga sắp bước vào một thập kỷ mới khi quan hệ với phương Tây và liên minh NATO do Mỹ đứng đầu đang ở mức thấp nhất kể từ buổi bình minh của thế kỷ 21.
Phát biểu trước các quan chức cấp cao tại Điện Kremlin, ông Putin cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng ông đã lên kế hoạch "thảo luận về cách thức và triển vọng phát triển của quân đội Nga trong thập kỷ tới, cho đến năm 2030". Ông nói rằng hội đồng sẽ "phác thảo các nhiệm vụ mà chúng ta sẽ phải giải quyết để đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia của Nga", đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhánh thuộc lực lượng vũ trang "trong việc đảm bảo chủ quyền của Nga."
"Như chúng ta có thể thấy, thế giới đang đối mặt với những mối đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Có nhiều yếu tố không chắc chắn", ông Putin nói. "Công nghệ đang phát triển nhanh chóng, bao gồm cả công nghệ quân sự, trong khi sự cạnh tranh và đối đầu đang gia tăng mạnh mẽ hơn và chuyển thành những hình thức mới."
"Có những xung đột cũ, âm ỉ ở các khu vực khác nhau trên hành tinh và những xung đột mới xuất hiện thêm. Các quốc gia dẫn đầu đang tích cực phát triển vũ khí tấn công của họ. Tôi muốn nói thêm rằng cái gọi là 'câu lạc bộ hạt nhân' đang tiếp nhận thành viên mới. Chúng ta cũng rất quan ngại về cơ sở hạ tầng của NATO đang tiếp cận biên giới của chúng ta, cũng như các nỗ lực quân sự hóa ngoài không gian."
Sóng gió dai dẳng Nga – phương Tây
Mối quan hệ căng thẳng của Nga với Tây Âu bắt nguồn từ nhiều thế kỷ, nhưng sự ra đời của NATO đã phần nào đẩy căng thẳng giữa hai bên leo thang và định hình quan hệ quốc tế trong khoảng nửa thế kỷ. Được thành lập vào năm 1949 với tư cách là liên minh của lực lượng đồng minh, NATO đã tăng gấp đôi quy mô và mở rộng vượt ra ngoài sứ mệnh đối phó với Liên Xô ban đầu.
Hiệp ước Warsaw có thể đã tan rã cùng với Liên Xô vào những năm 1990, nhưng NATO đã một lần nữa tập trung vào việc phòng ngừa Nga, nước đang hồi sinh thành một người khổng lồ địa chính trị hiện đại dưới thời ông Putin.
NATO, dưới sự lãnh đạo của Washington, vẫn ngày càng thực hiện các bước đi để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga. Kể từ khi cựu Tổng thống George W. Bush rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002, Mỹ đã liên tục thiết lập một lá chắn tên lửa toàn cầu với các bệ phóng đặt ở hai bên sườn phía tây và phía đông Nga ở Đông Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vào tháng 3 năm ngoái, ông Putin đã tiết lộ một loạt vũ khí tiên tiến, chủ yếu có khả năng hạt nhân mà ông cho rằng có thể cản trở tất cả các hệ thống phòng thủ hiện có và thậm chí là các hệ thống phòng thủ tiềm tàng. Về duyên cớ phát triển vũ khí, ông Putin nhắc lại những cảnh báo của ông với NATO trong những năm qua, nói rằng "không ai thực sự muốn nói chuyện với chúng tôi về cốt lõi của vấn đề, và không ai muốn lắng nghe chúng tôi - vì vậy hãy lắng nghe ngay lúc này."
Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ, Nga, Trung
Ông Putin đã thông báo về những tiến bộ đạt được trong việc phát triển các hệ thống vũ khí này trong bài phát biểu hồi đầu năm nay, diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Donald Trump tăng cường kế hoạch phát triển một lá chắn tên lửa trên toàn thế giới, bao gồm cả các máy bay đánh chặn trên không gian. Nga và Trung Quốc đã cùng ủng hộ một kế hoạch của Liên Hợp Quốc về cấm vũ khí trong không gian hơn một thập kỷ trước, nhưng Hoa Kỳ đã nhiều lần từ chối ủng hộ nó.
Bồi thêm vào quan hệ căng thẳng giữa hai bên là sự sụp đổ của một hiệp ước kiểm soát vũ khí lâu đời khác- vốn tạo tiền đề cho việc dỡ bỏ vũ khí ở biên giới châu Âu nhiều thập kỷ qua. Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kí năm 1987 vào tháng 8 vừa qua, tuyên bố rằng việc phát triển tên lửa hành trình 9M729 của Nga là hành động vi phạm giới hạn tầm bắn 310 - 3.420 dặm theo INF. Moscow bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính Hoa Kỳ là bên vi phạm hiệp ước khi triển khai các hệ thống phòng thủ có khả năng được tái sử dụng để tấn công ở Đông Âu.
Chỉ vài tuần sau khi Mỹ rời khỏi hiệp ước này, Lầu Năm Góc đã phóng một tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk từ Hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 – vốn được lắp đặt cho mục đích phòng thủ tại cơ sở tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của NATO ở Romania. Một cơ sở thứ hai như vậy đang được phát triển cùng với Ba Lan – quốc gia cùng các nước Baltic khác đang được NATO tăng cường phòng thủ sau khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.