• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châm ngòi cuộc chiến giá dầu với Nga, Arab Saudi không lường được "gậy ông đập lưng ông"?

Thế giới 09/03/2020 09:58

(Tổ Quốc) - New York Times đăng tải, với việc hạ giá dầu mỏ xuất khẩu hồi cuối tuần qua, Arab Saudi gần như đã châm ngòi cho một cuộc chiến giá cả nhằm vào Nga nhưng lại có những tác động tiềm tàng không nhỏ tới nhiều quốc gia khác.

Ảnh hưởng của động thái trên nhanh chóng trở nên rõ ràng khi giá dầu Brent giảm 20%, tương đương 10 USD/thùng vào cuối ngày chủ nhật (8/3) – mức giảm sâu nhất kể từ năm 1991.

Quyết định của Arab Saudi giảm giá gần 10% vào ngày thứ bảy (7/3) được coi là đòn trả đũa cho lời từ chối trước đó của Nga – không cùng với các nước OPEC thu hẹp sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh virus corona mới tiếp tục bùng phát tại nhiều nước và khiến kinh tế toàn cầu chững lại.

Sự gián đoạn trong liên minh đã kéo dài 3 năm giữa OPEC và Nga nhằm hỗ trợ giá dầu, có thể chỉ là tạm thời. Những diễn biến cuối tuần có thể chỉ là một phần trong một "trò chơi thương lượng"; cả Nga và Saudi vẫn có thể đạt được một nhượng bộ nào đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh ngoài tầm kiểm soát.

"Nếu đó là một cuộc chiến giá cả thật sự, sẽ có rất nhiều tổn hại tới thị trường dầu mỏ", chủ tịch công ty dầu mỏ Crescent Petroleum của UAE Badr Jafar cảnh báo. "Nhiều nước sẽ phải chuẩn bị cho những cú sốc kinh tế và địa chính trị do môi trường giá thấp".

Châm ngòi cuộc chiến giá dầu với Nga, Arab Saudi không lường được "gậy ông đập lưng ông"? - Ảnh 1.

Một nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu lửa Saudi Armaco (ảnh: NYT)

Giá thành giảm mạnh sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các nhà sản xuất trên toàn thế giới, đặc biệt là Venezuela và Iran – hai quốc gia vốn đang phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thu nhập từ xuất khẩu dầu của cả hai nước đã giảm mạnh trong thời gian gần đây và giá dầu tiếp tục tuột dốc sẽ khiến họ khó có thể chi trả cho các chi phí dịch vụ và an ninh.

Các công ty dầu mỏ Mỹ đang gánh nợ cũng có thể phải gánh chịu thêm áp lực tài chính nếu tình trạng sụt giá bị kéo dài. Một vài trong số này từng bị phá sản trong những năm gần đây khiến sản lượng dầu của Mỹ bị sụt giảm. Nhiều công ty tại Texas và các bang sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã bắt đầu sa thải bớt công nhân.

Phát triển cát dầu của Canada, vốn đang gặp khó khăn do các vấn đề chi phí và môi trường, sẽ bị tổn thất nặng nề bởi cuộc chiến giá cả. Và nền kinh tế các nước phát triển phụ thuộc vào dầu mỏ như Nigeria, Angola và Brazil có thể sẽ bị chậm lại đáng kể.

New York Times chỉ ra, chính Arab Saudi đã phải đối mặt với ảnh hưởng lớn đầu tiên. Giá cổ phiếu của Saudi Aramco – tập đoàn dầu lửa quốc gia Saudi giảm hơn 9% ngày 8/3. Thị trường chứng khoán Riyadh giảm hơn 8%. Giới chức Saudi giờ đây đang phải gia tăng sản lượng dầu để bù vào tổn thất doanh thu do giảm giá. Nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới là Trung Quốc từng mua dầu với giá rẻ để dự trữ cho tương lai phòng khi giá dầu tăng.

Nhưng sản xuất thêm dầu có giúp được Saudi không thì lại là một câu hỏi khác. Giới phân tích cảnh báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có lẽ sẽ tiếp tục giảm và việc có thêm dầu trên thị trường sẽ càng thúc đẩy quá trình sụt giá.

Cả Nga và Arab Saudi tỏ ra đang hành động vì lợi ích ngắn hạn với các chiến lược mang nguy cơ cao. Nga đã giành được ảnh hưởng chính trị đáng kể tại Trung Đông thông qua việc bắt tay với OPEC. Quyết định hỗ trợ giá dầu với Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh khác là một trong những lý do chính giúp chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro tồn tại được ở Venezuela. Giờ đây, Moscow chọn đi con đường riêng khi từ chối đề xuất cắt giảm sản lượng dầu của OPEC – nhiều khả năng là vì mục tiêu thu hẹp sản xuất dầu mỏ của Mỹ.

Đối với Arab Saudi, hợp tác với Nga đã góp phần ổn định quyền lực của OPEC trong thời điểm sản lượng dầu mỏ gia tăng tại Mỹ, khiến lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

"Arab Saudi đang bảo vệ thị phần của mình trước viễn cảnh nhu cầu dầu mỏ sụp đổ, thị trường thu hẹp và giá dầu giảm mạnh", cựu phó chủ tịch điều hành của Saudi Aramco Sadad al-Husseini nhận định. Theo ông, cả Moscow và Riyadh sẽ "rời khỏi vòng giảm giá này với sức mạnh lớn hơn, trong khi các nhà sản xuất cát dầu, dầu đá phiến hoặc các nhà sản xuất không ổn định về chi phí và chính trị sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính".

Châm ngòi cuộc chiến giá dầu với Nga, Arab Saudi không lường được "gậy ông đập lưng ông"? - Ảnh 2.

Arab Saudi phải chịu tổn thất từ chính quyết định của mình? (ảnh: NYT)

Mặc dù vậy, thành công là điều không hề chắc chắn.

Lần cuối cùng Arab Saudi và OPEC cho phép tăng nguồn cung dầu để đối mặt với sản lượng dầu gia tăng từ Mỹ là vào cuối năm 2014. Thời điểm đó, giá dầu hạ tới mức dưới 30 USD/thùng. Hai năm sau, Nga sát cánh cùng OPEC giúp tăng giá dầu bằng cách thực thi một thỏa thuận thu hẹp sản xuất.

Tại hội nghị OPEC tuần trước, Nga từ chối đề xuất của Saudi cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày – tương ứng khoảng 1,5% nguồn cung toàn cầu, nhằm đối phó với dịch bệnh virus corona mới. Hai bên cũng không đạt được thống nhất với việc gia hạn, thỏa thuận hiện tại là cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày.

"Nếu bạn là Nga, sẽ đáng giá nếu thử chịu đựng 3 tháng giá sụt giảm để xem bạn có thể đánh bại các nhà xuất khẩu dầu từ Mỹ hay không", chuyên gia về dầu mỏ và Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại Amy Myers Jaffe nói.

Theo bà, những chệch hướng trong chiến lược của Nga và Saudi báo hiệu "mối quan hệ giữa hai nước đang xuống dốc".

Giá dầu giảm là một vấn đề lớn cho chính Arab Saudi và các nước phụ thuộc vào dầu mỏ khác. Mức giá thấp ảnh hưởng mạnh tới nguồn doanh thu từ dầu mỏ đang được sử dụng để duy trì ngân sách tại các nước này.

Việc cổ phiếu Aramco giảm giá có thể là một cú sốc lớn tới Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi. Ông chính là người chỉ đạo chiến dịch đưa tập đoàn lên sàn chứng khoán và nhiều người giàu có tại Saudi đã mua cổ phiếu của Aramco.

Theo ông Jim Krane, một nhà phân tích tại Đại học Rice, tham vọng và chương trình phát triển kinh tế to lớn của Hoàng Thái tử - có tên là Tầm nhìn 2030, cũng có thể gặp rắc rối. "Một cuộc chiến giá cả nhiều khả năng khiến toàn bộ kế hoạch Tầm nhìn 2030 phải tạm dừng khi Saudi thắt lưng buộc bụng". Nó cũng có thể làm gia tăng thêm xung đột trong nền chính trị vốn đã quá nhiều sóng gió tại vương quốc này.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ