(Tổ Quốc)-Để hạn chế mặt tiêu cực của tour 0 đồng, tour giá rẻ, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, về lâu dài, cần bổ sung vào Luật Du lịch (sửa đổi) một số nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh du lịch.
- 11.04.2017 “Cần có cách ứng xử phù hợp đối với tour 0 đồng”
- 11.04.2017 Bất chấp chỉ trích, hàng không Mỹ không “hối lỗi” khi kéo lê hành khách xuống máy bay
- 11.04.2017 Bộ VHTTDL đề nghị Quảng Ninh tạo điều kiện cho cung cấp dịch vụ Kayak trên Vịnh Hạ Long
- 12.04.2017 Doanh nghiệp lữ hành “bấm bụng” chịu thiệt vì Vịnh Hạ Long tăng phí
- 12.04.2017 Việt Nam tăng 8 bậc về năng lực cạnh tranh Lữ hành và Du lịch
Vấn đề làm sao để quản lý tour 0 đồng thu hút sự quan tâm của báo giới tại cuộc họp báo quý 1/2017 của Bộ VHTTDL diễn ra chiều 12/4 tại Hà Nội. Trả lời về nội dung này, ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định, khái niệm tour 0 đồng thực chất rất đa dạng, không chỉ là tour giá 0 đồng như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất, đó là tour giá rẻ, bán giá thấp thậm chí thấp hơn giá thành nên nhiều người đã lấy “hoa hồng” từ những chi phí khác để bù lỗ. Đây cũng là hiện tượng phổ biến tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước này cũng phải có giải pháp ứng xử phù hợp với tour 0 đồng.
Lý giải nguyên nhân của sự tồn tại của tour 0 đồng, ông Tuấn cho hay, có một số nguyên nhân như: các DN cạnh gay gắt để thu hút khách; DN Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu nên đã để cho DN lữ hành Trung Quốc điều hành, thao túng; Công tác quản lý còn nhiều bấp cập, hệ thống văn bản chưa điều chỉnh hết các hành vi liên quan đến tour này nên còn nhiều kẽ hở…
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Ảnh: Minh Khánh) |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, điểm tích cực của hình thức tour giá rẻ này là góp phần tăng lượng khách, giải quyết được tính mùa vụ, bù đắp lượng khách bị sụt giảm vào mùa thấp điểm; Tạo thu nhập và doanh thu cho các công ty, người dân cung ứng dịch vụ. Tour giá rẻ hay còn gọi là “tour 0 đồng” không có nghĩa là khách không sử dụng và không chi tiêu cho các dịch vụ tại điểm đến. Tất cả khách đều phải sử dụng dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống, trả phí tham quan, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác.
“Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, năm 2016, tỉnh này thu hút từ 700 ngàn lượt khách lưu trú đến Hạ Long, trong đó có xấp xỉ 500 ngàn khách đi bằng đường bộ qua các cửa khẩu của Quảng Ninh. Riêng phí thăm quan và lệ phí visa, Quảng Ninh đã thu được khoảng 350 tỷ, tổng thu của từ nguồn khách này Quảng Ninh đạt 900 đến 1 ngàn tỷ đồng đối với riêng dòng khách này. Đó là khoản tiền rất lớn. Việc này cũng tạo công ăn việc làm và tăng công suất cho các khách sạn không chỉ 3-4 sao mà còn cả khách sạn 1-2 sao của địa phương”- ông Tuấn cho hay.
Về mặt tiêu cực, đó là tình trạng bán tour bán cả đoàn; bán hàng mang tính chất lừa đảo; tạo ra rủi ro cho DN, tình trạng nợ đọng của DN Trung Quốc với đơn vị cung ứng dịch vụ VN diễn ra nhiều; thất thu thuế và tạo ra nhìn nhận lệch lạc của điểm đến Việt Nam.
Vì những lý do đó, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, cần phải tỉnh táo để có cách nhìn nhận và ứng xử phù hợp với tour giá rẻ. Về vấn đề này, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tour 0 đồng đồng thời đề xuất các giải pháp để quản lý. Trong đó, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, ngành vào cuộc để chấn chỉnh hình thức kinh doanh này, làm sao để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của loại hình tour giá rẻ.
Ông Tuấn khẳng định, về lâu dài, cần bổ sung vào Luật Du lịch (sửa đổi) một số nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm như: doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu mua đầu khách; tổ chức dịch vụ có tính chất lừa đảo; vi phạm những quy định về thương mại, giao dịch ngoại tệ. Bổ sung vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch và có chế tài xử lý mạnh đối với những hành vi nói trên. Đồng thời cần nâng cao ý thức của các doanh nghiệp du lịch trong việc thực hiện quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc để tăng cường trao đổi khách, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch của 2 bên.
Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ tập trung kiểm tra, rà soát tại những địa bàn trọng điểm, xử lý các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc . Kiên quyết không để tình trạng khép kín trong các trung tâm bán hàng cho khách du lịch nước ngoài. /.
Lâm Minh-Song Đào