(Tổ Quốc) - Trồng cây với tất cả đam mê, nhiều lần về quê thấy cây mình trồng bị chết mà rớt nước mắt... Đây là chia sẻ cảm động của anh Sùng A Cải, chủ nhiệm dự án “Ước mơ triệu cây xanh”.
Cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Sùng A Cải (SN 1992) lại bắt xe từ Hà Nội về Yên Bái, vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên, để tiếp tục thực hiện trồng cây cho dự án mang tên “Ước mơ triệu cây xanh”.
Kể về công việc chính của mình, Sùng A Cải vui vẻ cho biết anh đang làm một “biên tập viên xoàng” tại công ty TNHH Giáo dục Edmicro ở Hà Nội. Công việc của anh tại đây cứ đều đặn từ thứ 2 - thứ 6 hằng tuần trong 3 năm qua. Còn dự án “Ước mơ triệu cây xanh” hoàn toàn là phi lợi nhuận, làm ngoài giờ. Cứ mỗi tối và cuối tuần, anh Cải đều dành thêm nhiều thời gian trao đổi về dự án trồng cây với bạn bè, các đối tác, các tình nguyện viên… để trồng được nhiều cây hơn ở Yên Bái và một số tỉnh khác.
Sống cách xa quê hương và đang làm một công việc dường như không mấy liên quan tới việc trồng cây, nhưng ít ai biết được rằng động lực và dự án “Ước mơ triệu cây xanh” đã được anh ấp ủ ngay từ khi còn nhỏ.
“Tôi chỉ làm một biên tập viên xoàng thôi (cười). Còn mơ ước về việc trồng cây ở quê nhà đã có trong tôi từ bé. Tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc mà vẫn có nhiều thời gian hơn cho dự án”, anh Cải bộc bạch.
Là một người con của dân tộc Mông, lớn lên ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, anh Cải từng chứng kiến những ảnh hưởng to lớn của thiên tai đến đời sống của chính gia đình mình và những người xung quanh. Những trận lũ lụt lớn, hạn hán, mất mùa… khiến đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Ngọn nguồn của “Ước mơ triệu cây xanh”
Sùng A Cải là con thứ ba trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở xã suối Bu. Từ khi anh Cải còn nhỏ, bố ốm bệnh không làm được việc nặng nên mọi gánh nặng trong gia đình để đổ dồn lên đôi vai gầy của người mẹ. Anh trai, chị gái của anh Cải cũng phải sớm nghỉ học để lên nương đỡ đần cho gia đình.
“Suốt thời gian học THCS và THPT, tôi đều học ở trường nội trú, nên chỉ được về nhà vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, khi học ở trường THPT vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên), cách nhà 300 km, tôi chỉ được về nhà vào mỗi dịp Tết. Vì thế, gánh nặng công việc trong gia đình đều đổ dồn lên vai mẹ và các anh chị em”, anh Cải nhớ lại.
Năm lớp 12, anh Cải đạt giải Ba quốc gia môn Địa lý và được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Địa Lý, theo diện tuyển thẳng. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Sùng A Cải quyết định thành lập dự án “Ước mơ triệu cây xanh” để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo mạch nước ngầm, bảo vệ đất, môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho các hộ dân phát triển bền vững.
Anh Cải chia sẻ, bên cạnh tình yêu với môn địa lý, anh nhận thấy biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, các hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện phức tạp hơn và một trong những nguyên nhân chính gây ra là do rừng bị tàn phá. Với mong muốn làm những điều ý nghĩa cho quê hương, nên “Ước mơ triệu cây xanh” là dự án do Sùng A Cải, một người con của dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Suối Bu, sáng lập vào ngày 11/11/2017.
Anh Cải hy vọng dự án này sẽ đóng góp một phần nhỏ bé để giúp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu, cung cấp thêm oxy vào khí quyển, bảo vệ môi trường, đồng thời giảm tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Về lý do bắt đầu dự án “Ước mơ triệu cây xanh”, anh Sùng A Cải chia sẻ, năm 2006, khi đang học lớp 6, anh từng chứng kiến cảnh lũ lụt, sạt lở đất tàn phá bản làng, cây cối, hoa màu... Ngay chính gia đình anh cũng từng mất tới 2 năm mới có thể khắc phục được hậu quả của lũ lụt và có đủ ăn trở lại. Do đó, anh Cải luôn ấp ủ một ước mơ là có thể giúp đỡ cho bà con ở quê hương mình vừa phòng tránh thiên tai vừa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Mặt khác, anh Cải nhận thấy tình trạng sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, đồng thời tình trạng ruộng nương bị bỏ hoang khi nhiều người dân ra thành phố kiếm việc làm. Đây cũng là lý do để chàng trai người Mông quyết tâm thực hiện dự án trồng cây này bắt đầu ngay trên chính mảnh đất của quê hương.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần vận động được người dân địa phương trồng cây thì chỉ trong vòng 5 – 10 năm, họ đi làm xa về thì đã có một khối tài sản rất lớn ở nhà. Khi đó, họ có thể khai thác số tài sản này để làm một điều gì đó nhằm cải thiện cuộc sống”, anh Cải tâm sự.
“Phương châm của dự án là mỗi ngày một cây, 365 ngày 365 cây – mỗi người một cây, triệu người triệu cây. Tôi rất thích một câu trong bài hát “Một đời người một rừng cây”. Đó là câu “có một cây là có rừng”. Cây đầu tiên bao giờ cũng khó khăn nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta trồng được cây đầu tiên thì các cây sau sẽ dễ trồng hơn. Mỗi người có đóng góp dù chỉ một chút cũng có thể tạo nên những điều phi thường”, anh Cải chia sẻ.
“Sau này họ có cái ăn, họ có nhớ tới mình không?”
Những ngày đầu trở về Suối Bu để bắt đầu triển khai dự án, anh Sùng A Cải khiến gia đình bất ngờ, thậm chí còn bị bố mẹ kịch liệt phản đối.
Sùng A Cải là một trong số ít thanh niên ở xã suối Bu có bằng đại học. Anh theo học ngành địa lý suốt 4 năm, bố mẹ vẫn tưởng anh Cải sẽ làm một thầy giáo sau khi tốt nghiệp. Nhưng ngay sau khi ra trường năm 2017, anh Cải lại nhất quyết về quê “đòi” trồng cây trên chính mảnh đất của gia đình.
“Bố mẹ ơi, con xin được trồng mấy loại cây trên mảnh đất nhà mình”, anh Cải thưa chuyện.
“Nhà có mỗi mảnh đất để trồng ngô. Giờ con đòi trồng mấy cây lâu năm như trắc, mỡ, keo dậu… thì nhà lấy gì mà sống”, mẹ anh phản đối.
Anh Cải phải thuyết phục rất nhiều, cộng với lúc đó tình trạng trồng ngô lại không năng suất và bị mất mùa, nên bố mẹ cũng đành gật đầu đồng ý cho cậu con trai từng là “niềm tự hào của gia đình” thử sức trồng cây.
Sau khi thử trồng cây trên chính mảnh đất của gia đình, anh Cải mạnh dạn vận động bà con và mua giúp cây giống cho họ trồng.
Biết chuyện, bố anh mắng sa sả: “Đừng lo chuyện bao đồng! Sau này họ có cái ăn, họ có nhớ tới mình không?”.
Thế nhưng, anh Cải vẫn kiên trì, anh nói với bố rằng chỉ cần bà con đồng ý trồng cây đã là một việc tốt.
Những ngày đầu thực hiện dự án quả đúng là không hề dễ dàng. Rồi dần dần, thấy sự tâm huyết vô cùng lớn của con, bố mẹ rồi anh chị em trong gia đình đều ủng hộ anh Cải thực hiện dự án này.
Dự án “Ước mơ triệu cây xanh” của anh Sùng A Cải triển khai nhằm hỗ trợ cho người dân toàn bộ hoặc một phần giống cây lâu năm, bao gồm cây lim xanh, lát hoa, trắc, mỡ... để trồng ở các khu vực đất dốc, đồi núi trọc dễ bị sạt lở hoặc các khu vực ở gần rừng đầu nguồn. Phạm vi của dự án hiện nay là ở các huyện vùng sâu, vùng xa và nghèo khó như các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải tại Yên Bái.
Sau 6 năm hoạt động, tổng số cây được dự án trồng là hơn 65.000. Tổng số cây do người dân được vận động trồng lên tới hơn 700.000. Trong đó, số cây trồng được nhiều nhất là ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi anh Cải sinh ra và lớn lên. Ngoài 3 huyện ở Yên Bái, dự án còn trồng được khoảng 500 cây xanh ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2020 – 2022, thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, dự án “Ước mơ triệu cây xanh” vận động người dân trồng được hơn 300.000 cây.
Trong thời gian tới, anh Sùng A Cải chia sẻ, anh và các tình nguyện viên muốn chọn thêm một số loại cây dược liệu, cây tầm thấp để trồng nhằm gia tăng thu nhập cho các hộ dân. Đây cũng là cách tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.
Những đàn chim bắt đầu về làm tổ
Trong quá trình thực hiện dự án, anh Sùng A Cải chia sẻ rằng điều khó khăn nhất chính là vấn đề thiếu kinh phí mua giống cây, thậm chí cây bị chết do ảnh hưởng của thời tiết. Mặt khác, thời gian đầu, anh Cải không thể theo dõi sát sao về sự phát triển của những cây này do làm ở xa quê.
“Nhiều khi về quê thấy cây mình trồng bị chết mà rớt nước mắt”, anh Cải tâm sự.
Tuy nhiên, may mắn là anh Sùng A Cải luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, đặc biệt là các tình nguyện viên. Trong những năm qua, dự án của anh Cải luôn nhận được bạn bè, các trường học, tổ chức... ủng hộ chi phí để mua cây giống nhằm duy trì dự án.
“Trong mỗi chuyến đi trồng cây xanh, tôi cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc vì luôn có các bạn tình nguyện viên đăng ký tham gia hỗ trợ. Các tình nguyện viên hỗ trợ cho tôi và dự án thường là các bạn sinh viên, bạn bè, những người muốn trải nghiệm trồng cây và người dân địa phương”, anh Cải cho biết.
Hơn nữa, mỗi chuyến đi trồng cây xanh đều nhận được chính quyền địa phương, đoàn thanh niên tạo điều kiện. Sau khi trồng, các cây xanh này sẽ được các hộ gia đình, tình nguyện viên ở địa phương tham gia chăm sóc.
Trong tương lai gần, anh Cải mong muốn dự án “Ước mơ triệu cây xanh” mở rộng hơn, đồng thời phát triển sinh kế cho người dân địa phương. Anh Cải chia sẻ: “Sắp tới, tôi cũng sẽ thu xếp về quê ở hẳn để làm dự án này”.
Dự án hiện nay đang được nhân rộng tại các tỉnh phía Bắc, nơi có nhiều đất trống và đồi núi bỏ hoang. Dự án được kỳ vọng với tiềm năng rừng phục hồi và phát triển kinh tế vườn – rừng theo triết lý kinh tế vừa đủ. Bên cạnh việc tạo ra những thay đổi về môi trường, kinh tế, dự án “Ước mơ triệu cây xanh” cũng đặt mục tiêu về việc tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và học sinh về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, toàn bộ chi phí để thực hiện dự án “Ước mơ triệu cây xanh” là sự đóng góp từ cộng đồng, gây quỹ thông qua việc bán nông sản địa phương và tham gia các cuộc thi. Với chi phí là 30.000 đồng/cây, dự án sẽ trồng và chăm sóc cây trong vòng 3 năm cùng với người dân, đoàn thanh niên địa phương nơi dự án triển khai, bao gồm chi phí cây giống, trồng và chăm sóc; phân bón, xử lý thực bì; phòng trừ rủi ro.
Sau 6 năm hoạt động, những cây xanh do dự án của a Cải và vận động người dân trồng đã phát triển cao lớn và biến những quả đồi, cánh rừng thưa thớt trở thành một màu xanh ngát. “Một số nơi trồng cây đã xuất hiện mạch nước ngầm trở lại và nhiều đàn chim cũng bắt đầu trở về rừng để làm tổ”, anh Cải vui mừng chia sẻ.
Thông thường, cứ hai ngày cuối tuần, anh Cải sẽ về Yên Bái hoặc một số nơi triển khai dự án để tiếp tục trồng cây và vận động người dân tham gia hoạt động ý nghĩa này. “Khoảng 2 – 3 tháng, tôi sẽ về thăm các cây đã trồng và khảo sát thêm những nơi cần trồng cây. Tôi và các tình nguyện viên sẽ đi thăm hỏi, động viên và trò chuyện với các hộ gia đình tham gia dự án”, anh Cải chia sẻ.
Sau 6 năm, có nhiều cây anh Sùng A Cải và bạn bè, người dân địa phương trồng đã cao lớn. Nhìn những mảnh đất trống, đồi trọc nay đã được phủ một màu xanh, những người tham gia dự án như được tiếp thêm động lực và sức mạnh.
“Ôm thân cây mình tự tay trồng, lắng nghe tiếng chim hót rộn vang cả cánh rừng mới, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tin tưởng về cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn tại chính quê hương mà mình sinh ra và lớn lên”, anh Cải tâm sự.
Ngoài trồng cây, anh Sùng A Cải và những người bạn của mình còn làm thư viện sách, thư viện cộng đồng, tổ chức các hoạt động giao lưu cho học sinh vùng cao, trò chuyện với các bạn trẻ là tình nguyện viên tham gia trồng cây.
Đặc biệt, cùng với “Ước mơ triệu cây xanh”, anh Sùng A Cải còn sáng lập và quản lý 3 dự án là “Tri thức bản em”, “Nông trại quê em” và “Ươm mầm”. Trong đó, riêng trong năm 2022, nhóm của anh Sùng A Cải đã kêu gọi và tổ chức được nhiều hoạt động thiện nguyện với giá trị gần 500 triệu đồng.
Anh Cải chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án “Ước mơ triệu cây xanh”, anh chỉ mong có thể đóng góp gì đó cho quê hương. “Những việc tôi làm và theo đuổi chỉ mong hỗ trợ cải thiện môi trường và cuộc sống của bà con thôi. Những việc này không có gì to tát. Đơn giản là tôi muốn hướng về quê hương và giúp đỡ cho những bà con, các em học sinh đang gặp nhiều khó khăn”, anh Cải cho biết.
Trồng cây là một trong những hoạt động thiết thực nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu. Anh Sùng A Cải hy vọng: “Trong thời gian tới, sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm tới việc trồng cây và phát triển sinh kế bền vững cho những người yếu thế ở vùng cao, góp phần mang lại nhiều giá trị lâu dài cho các thế hệ mai sau”.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/
(Ảnh: NVCC)