(Tổ Quốc) - Đảng của ông Biden có khả năng mất đa số trong Quốc hội và khả năng này sẽ mang lại điều gì cho châu Á?, tờ Nikkei Asia đặt ra câu hỏi.
Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là diễn ra và kết quả đó rất quan trọng trong việc định hình hai năm cuối cùng của Tổng thống Joe Biden trong nhiệm kỳ hiện tại, cũng như mở ra nhiều khả năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Nhưng không chỉ các chính sách trong nước chịu tác động, những gì xảy ra ở Mỹ thường có ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới và châu Á nói riêng. Các quyết định chính sách kinh tế và đối ngoại sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Đảng Dân chủ của ông Biden hay Đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát viện nào số hai viện của Quốc hội: Hạ viện và Thượng viện.
Bầu cử giữa kỳ diễn ra như thế nào?
Mỹ tổ chức bầu cử quốc hội hai năm một lần và những cuộc bầu cử được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ tổng thống bốn năm được gọi là bầu cử giữa kỳ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thường thấp hơn trong các cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng đợt với bầu cử tổng thống.
Tất cả 435 ghế Hạ viện đều được đem ra bỏ phiếu lại vì những nghị sĩ này chỉ có nhiệm kỳ hai năm. Chỉ có 34 trong số 100 ghế Thượng viện được bỏ phiếu, vì các thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm. Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện nhưng với tỉ lệ rất sít sao và thế đa số thậm chí còn mỏng manh hơn ở Thượng viện khi mỗi đảng đang có 50 thành viên và Phó Tổng thống Kamala Harris là người có lá phiếu quyết định.
Trong lịch sử, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đóng vai trò như một cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống đương nhiệm và đảng đối lập thường giành quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội khi cử tri bày tỏ sự thất vọng với Nhà Trắng. Kể từ Thế chiến thứ hai, chỉ có 2 lần chính đảng của tổng thống thắng được tại Hạ viện trong những lần bầu giữa kỳ như thế này.
Và khi đảng đối lập kiểm soát được một hoặc cả hai viện, đặc biệt là trong môi trường chính trị phân cực của Mỹ ngày nay, họ có thể làm xáo trộn tất cả chương trình lập pháp của tổng thống và chặn các cuộc bổ nhiệm quan trọng như thẩm phán và các nhà ngoại giao. Trừ khi đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, nếu không thì phần lớn chương trình nghị sự của ông Biden sẽ bị đình trệ.
Trong bầu cử năm nay, Đảng Cộng hòa có 80% cơ hội giành được Hạ viện và 40% cơ hội giành được Thượng viện, theo dự báo từ trang web phân tích thăm dò dư luận FiveThirtyEight – đơn vị đã kết hợp các cuộc thăm dò, gây quỹ và các mô hình bỏ phiếu.
Tuy nhiên, những dự báo này thường biến động bất thường trong những tháng trước cuộc bầu cử. Chỉ hơn một tháng trước, đảng Dân chủ được ủng hộ rất nhiều để giữ quyền kiểm soát Thượng viện sau khi họ đã nỗ lực rất nhiều để phản đối Đảng Cộng hòa hình sự hóa việc phá thai.
Nhưng những lo ngại về kinh tế ngày càng tăng khi lạm phát tiếp tục tăng cao và sự suy giảm của thị trường chứng khoán đã tạo ra những luồng gió chính trị chống lại đảng của ông Biden. Cuộc thăm dò dư luận của Gallup cho thấy, kinh tế là mối quan tâm số 1 đối với cử tri, tiếp theo là phá thai và tội phạm.
Như vậy, nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, khả năng thực thi chính sách của ông Biden sẽ đi vào bế tắc. Tất cả mọi quyết sách có thể bị đình trệ và các vị trí do Thượng viện bổ nhiệm như đại sứ và thẩm phán sẽ trở thành một cuộc chiến chính trị.
Nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện và đảng Dân chủ giữ nguyên Thượng viện, chương trình lập pháp của ông Biden vẫn sẽ bị dừng lại. Nhưng ông Biden vẫn có thể ảnh hưởng đến các chính sách thông qua các vai trò do Thượng viện bổ nhiệm như thẩm phán và nhà ngoại giao.
Một chiến thắng sít sao của đảng Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện sẽ là một tuyên bố vang dội chống lại Đảng Cộng hòa vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của cựu Tổng thống Trump, và nó sẽ có tác động lớn đến chiến dịch sơ bộ của Đảng Cộng hòa vào Nhà Trắng vào năm 2024. Động thái này cũng sẽ mang lại cho ông Biden nhiều không gian thực hiện chính sách cho phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tác động tới châu Á
Nền kinh tế châu Á và thế giới sẽ theo dõi mức nợ trần của Mỹ nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã nói rằng đảng của ông có thể sẽ không nâng mức trần nợ lên mà ngược lại sẽ tìm cách cắt giảm chi tiêu. Khi đảng Cộng hòa sử dụng chiến thuật này vào năm 2011, xếp hạng tín dụng của Mỹ lần đầu tiên đã bị hạ cấp.
Mặc dù không có khả năng Đảng Cộng hòa sẽ tìm cách cắt giảm ngân sách đến mức để nước Mỹ phải vỡ nợ nhưng hành vi cứng rắn về chính trị của đảng này đã trở nên cực đoan hơn nhiều kể từ năm 2011.
Nếu Đảng Dân chủ duy trì quyền kiểm soát, chính sách đối ngoại của ông Biden tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục. Nhà Trắng cũng sẽ không gặp trở ngại nào trong việc bổ nhiệm các đại sứ mới và các nhà ngoại giao khác nếu Đảng Dân chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện. Sự hỗ trợ trong nước có thể giúp ông Biden cảm thấy có động lực hơn khi làm việc với các đối tác khu vực.
Michael O'Hanlon, chuyên gia chính sách đối ngoại cấp cao tại Viện Brookings dự đoán nếu đảng Cộng hòa nắm được đa số tại Hạ viện cũng sẽ không có nhiều tranh cãi về chính sách thương mại hoặc chi tiêu quốc phòng chung.
Ông nói: "Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội thì đây có thể là một thay đổi lớn. Nhưng (việc không có nhiều tranh cãi về chính sách thương mại hoặc chi tiêu quốc phòng chung) cho thấy lưỡng đảng đều ủng hộ phát triển quốc phòng mạnh mẽ và thận trọng đối với thương mại".