• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu dự thảo chiến lược tăng cường quan hệ đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Thế giới 14/09/2021 16:34

(Tổ Quốc) - Trang Nikkei Asia đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra một dự thảo chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường gia tăng ảnh hưởng đối với châu Á.

Gần đây, các quốc gia phương Tây đang tìm cách tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc đồng thời thể hiện sẵn sàng đối phó với các thách thức trước mắt.

Một số nước thành viên EU như Pháp đã công bố chiến lược hướng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực an ninh khi trở thành đối tác của khu vực. 

Ngay trong cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Pháp vào ngày 24/7, Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở- tự do.

Châu Âu dự thảo chiến lược tăng cường quan hệ đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Reuters

Củng cố chuỗi giá trị chất bán dẫn với các đối tác châu Á

Trong dự thảo chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) đề cập đến nỗ lực tìm cách tăng cường quan hệ đối tác thông qua các thỏa thuận kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng như quan hệ thương mại với Đài Loan trong bối cảnh gia tăng ảnh hưởng tại châu Á sau động thái rút quân khỏi Afghanistan. Dự kiến, dự thảo chiến lược sẽ công bố trong tuần này.

Theo trang Nikkei Asia, bản dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nêu rõ, phương Tây mong muốn tăng cường củng cố chuỗi giá trị bán dẫn với các đối tác châu Á trong bối cảnh gia tăng lo ngại về "lỗ hổng" của chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn vì dịch bệnh. Dự thảo chiến lược cũng đề cập đến ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và khẳng định các tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu. Dự thảo chiến lược tập trung vào nỗ lực xây dựng một sân chơi bình đẳng toàn cầu dựa trên các quy tắc thương mại minh bạch đang bị ảnh hưởng bởi các hành vi thương mại không công bằng cũng như các áp lực kinh tế. Diễn biến này làm gia tăng căng thẳng trong thương mại, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

Theo tài liệu, EU đã đề xuất tăng cường khả năng đàm phán các hiệp ước đối tác kỹ thuật số với Tokyo, Seoul và Singapore nhằm tăng cường hợp tác và tương tác các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Các hiệp ước - nền tảng tăng cường hợp tác về quản trị dữ liệu, kiểm soát luồng thông tin đáng tin cậy và đổi mới, sẽ tiếp tục đề cập tại các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới về vấn đề thương mại điện tử.

Theo Nikkei, EU cũng cam kết xây dựng quan hệ đầu tư và thương mại với đối tác như Đài Loan. Dự thảo chiến lược không chỉ dừng lại ở đề xuất thỏa thuận đầu tư song phương mà còn tăng cường các cuộc đàm phán với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn cung chất bán dẫn. Liên minh châu Âu đã đặt ra mục tiêu sản xuất 1/5 số lượng chất bán dẫn trên toàn cầu tới năm 2030.

Tầm quan trọng của QUAD

Thêm vào đó, tài liệu cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với nhóm Bộ tứ - QUAD, bao gồm: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, công nghệ và vaccine. Theo hãng Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ tại Nhà Trắng vào tuần tới. Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định, Tổng thống Biden sẽ gặp gỡ Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào ngày 24/9 sắp tới. Cuộc họp sẽ nhấn mạnh đến ưu tiên tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm tăng cường mô hình đa phương mới đối phó với các thách thức trong thế kỷ 21.

"Kế hoạch tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ thể hiện ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden trong cam kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm thông qua các cấu trúc đa phương mới để đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21", một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ nhận định.

Theo trang Nikkei Asia, các khía cạnh quân sự không đề cập rõ trong dự thảo chiến lược. Điều đó cho thấy các hạn chế của khối trong năng lực quân sự và ít nhiều vẫn phụ thuộc vào sức mạnh Mỹ trong các chiến dịch lớn, chẳng hạn như cuộc chiến tại Afghanistan.

EU đang có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung và tăng cường đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm bảo vệ tự do hàng hải và chống cướp biển. Châu Âu cũng sẽ đánh giá lại các khu vực thuộc "vùng biển quan tâm" ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hiện tại, EU chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này.

Theo các chuyên gia, chiến lược gia tăng ảnh hưởng của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều tất yếu, bởi sức nóng của khu vực này. Việc EU thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tạo ra một cấu trúc khu vực đa phương, cởi mở, bao trùm nhưng cũng có khả năng làm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ