Ảnh: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
(Tổ Quốc) - Châu Âu đã phải chịu những đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ.
- 08.09.2022 Nắng nóng kỷ lục khiến California "khốn đốn" vì mục tiêu thay thế nhiên liệu hóa thạch
- 05.09.2022 22.000 hộ gia đình Mỹ bị 'khóa' điều hòa giữa ngày nắng nóng vì lý do 'tiết kiệm năng lượng'
- 26.08.2022 Nghiên cứu nhận định nắng nóng khắc nghiệt sẽ là xu hướng chung tại châu Âu đến năm 2030
Dữ liệu giám sát vệ tinh của Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy mùa hè năm 2022 là mùa nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận của châu Âu khiến cho lục địa này chìm trong những đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ.
NẮNG NÓNG HOÀNH HÀNH
Một loạt các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài dẫn đến tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2022 đã phá vỡ mốc kỷ lục trước đó về nhiệt độ thêm 0,4 độ C.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết nhiệt độ trên lục địa này là "cao kỷ lục trong cả tháng 8 và mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8)".
Hình ảnh nắng nóng hoành hành khắp châu Âu trong mùa hè 2022. Ảnh: EDO
Dữ liệu cho thấy tháng 8/2022 là tháng nóng nhất nhưng được ghi nhận ở châu Âu với một 'biên độ đáng kể', đánh bại kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 8 năm 2018 là 0,8 độ C.
Trên phạm vi toàn cầu, tháng 8/2022 là tháng 8 nóng thứ ba trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,3 độ C so với mức trung bình của tháng 1991-2020.
"Một loạt các đợt nắng nóng dữ dội trên khắp châu Âu, cùng với điều kiện khô hạn bất thường, đã dẫn đến một mùa hè khắc nghiệt với kỷ lục về nhiệt độ, hạn hán và thảm họa hỏa hoạn diễn ra nhiều nơi ở châu Âu, ảnh hưởng đến xã hội và thiên nhiên theo nhiều cách khác nhau" - Freja Vamborg, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết.
Bức ảnh này được cung cấp bởi đội cứu hỏa vùng Gironde (SDIS 33) cho thấy một đám cháy rừng gần Landiras, tây nam nước Pháp, ngày 17 tháng 7 năm 2022. Nguồn: SDIS 33 via AP
Tại Anh, nhiệt độ cao nhất trong lịch sử được ghi nhận vào ngày 19 tháng 7 năm 2022 khi thủy ngân chạm mức 40,3 độ C ở Coningsby, Lincolnshire. Đây là một bước nhảy vọt về nhiệt độ so với kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được thiết lập vào năm 2019.
Các kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ ở một số nơi ở Tây Âu, trong khi Tây Ban Nha và Pháp đã chứng kiến những trận hỏa hoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Các kỷ lục tương tự cũng được chứng kiến ở các quốc gia châu Âu khác, bao gồm 64 khu vực khác nhau của Pháp, vốn đã trải qua mức nhiệt cao kỷ lục.
Ở Bồ Đào Nha, nhiệt độ lên tới 47 độ C vào tháng 7/2022 khi châu Âu trải qua điều kiện hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm.
Bloomberg bình luận, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt và hạn hán, cả hai đều ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu trong mùa hè này.
Bắc Mỹ cũng có một trong những mùa hè nóng nhất được ghi nhận.
HẠN HÁN TẤN CÔNG KINH TẾ
Mùa hè châu Âu năm 2022 được cho là khô hạn nhất kể từ trận hạn hán lớn xảy ra ở lục địa này vào năm 1540, cách đây 482 năm.
Phần lớn lục địa đã phải đối mặt với nhiệt độ cực kỳ nóng vào mùa hè 2022 trong nhiều tuần, khiến hạn hán trở nên tồi tệ hơn, gây ra cháy rừng, đặt ra các cảnh báo về sức khỏe và thúc đẩy các lời kêu gọi hành động nhiều hơn để giải quyết biến đổi khí hậu.
Hạn hán liên miên ở châu Âu khiến cho sản lượng ngô năm 2022 thấp hơn 16% so với mức trung bình của 5 năm trước và năng suất đậu tương và hoa hướng dương giảm lần lượt 15% và 12%.
Việc sản xuất thủy điện cũng bị ảnh hưởng, đồng thời tác động thêm đến các nhà sản xuất điện khác do thiếu nước cung cấp cho các hệ thống làm mát.
Quang cảnh dòng sông khô cạn Tille ở Lux, Pháp, ngày 9 tháng 8 năm 2022 (Ảnh AP / Nicholas Garriga)
Hình ảnh đáy sông Po của Ý ngày 5 tháng 7 năm 2022. Nguồn: Marco Sabadin / AFP via Getty Images
Mực nước thấp đã cản trở việc vận chuyển nội địa. Đơn cử như sông Rhine - trụ cột của nền kinh tế Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ trong nhiều thế kỷ - đã trở nên gần như không thể đi qua do cạn nước, làm ứ đọng 'dòng chảy lớn' của dầu diesel và than.
Sông Danube, chảy dài 2.896km qua trung tâm châu Âu đến Biển Đen, cũng bị bồi lấp, cản trở hoạt động buôn bán ngũ cốc và các hoạt động thương mại khác.
Hạn hán cũng khiến sông Po của Ý bị cạn kiệt nước ở một số khu vực khiến cho sản lượng ngô và hướng dương bị ảnh hưởng nặng nề.
Chưa kể, phần đầu nguồn của sông Thames ở Anh cũng lần đầu tiên trong lịch sử chứng kiến cảnh cạn trơ đáy.
Một báo cáo mới cũng cho biết mức độ tàn phá của các trận cháy rừng trên khắp châu Âu vào mùa hè 2022 đã dẫn đến lượng khí thải cao nhất kể từ năm 2007.
Bài viết sử dụng các nguồn: Bloomberg, DM, Politico.eu