• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu quy định nghiêm khắc đối với người không tiêm chủng khi dịch bệnh leo thang

Thế giới 17/11/2021 13:55

(Tổ Quốc) - Một số nước châu Âu bắt đầu tính đến những biện pháp cứng rắn đối với những người không tiêm chủng sau khi châu lục này đối diện với làn sóng mới của dịch bệnh.

Chương trình tiêm chủng chậm chạp

Theo hãng CNN, lãnh đạo các nước châu Âu bắt đầu tính đến những biện pháp cứng rắn đối với những người không tiêm chủng sau khi nhận thấy quá trình triển khai vaccine chậm chạp và làn sóng lây nhiễm tiếp tục leo thang ở một số quốc gia trong châu lục.

Châu Âu quy định nghiêm khắc đối với người  không tiêm chủng khi dịch bệnh leo thang - Ảnh 1.

Khu chợ Giáng sinh ở Áo quy định không cho phép người chưa tiêm chủng tham gia. Ảnh: CNN

Tỷ lệ tiêm chủng ở Đức có dấu hiệu chững lại vào những tháng gần đây. Không giống các quốc gia châu Âu khác, Đức chỉ yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với những đối tượng lao động nhất định và đang phải ra sức thuyết phục người dân tự nguyện tiêm chủng.

Đức có thể trở thành quốc gia tiếp theo áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với những người chưa tiêm chủng đầy đủ sau khi nước này thành lập chính phủ liên minh mới đối phó với tỷ lệ tiêm chủng thấp.Trong khi đó, đáng lo ngại hơn, những người đã tiêm chủng đợt đầu từ khoảng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 có thể đã suy giảm miễn dịch và đây cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc tiếp tục tăng.

"Với những người này, hiệu quả của mũi tiêm thứ hai, tiêm cách đây 6 tháng, bắt đầu suy giảm, khả năng bảo vệ cơ thể trước virus bị giảm đi", Ralf Reintjes, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Hambourg, cho biết.

Các cảnh báo cho biết, nếu không hành động hơn nữa để ngăn dịch bùng phát vượt tầm kiểm soát, Đức có thể ghi nhận thêm 100.000 người tử vong do Covid-19 trong vài tháng tới.

Quốc gia này cũng đang trải qua làn sóng lây nhiễm mới và phản ánh sự tức giận ngày càng gia tăng của người dân bởi rất nhiều người vẫn từ chối tiêm chủng. Khoảng 2/3 người dân Đức đã tiêm vaccine đầy đủ trong khi khu vực Tây Âu vẫn duy trì tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Chính quyền Đức đang áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm đẩy tỷ lệ tiêm chủng tăng cao hơn. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong 7 ngày qua, mỗi ngày Đức ghi nhận khoảng 40.000 ca – tỷ lệ cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát – gấp đôi so với số ca mắc vào đầu tháng 11.

Biện pháp cứng rắn đối với người không tiêm chủng

Các biện pháp đề xuất sẽ yêu cầu người Đức phải cung cấp chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính trước khi lên xe buýt hay đi tàu. Cùng với đó là khuyến cáo người dân chỉ được phép di chuyển tới một số địa điểm hoặc trong các trường hợp nhất định.

Đồng lãnh đạo Đảng Xanh – ông Robert Habeck cho biết các quy tắc cứng rắn cũng sẽ áp dụng với những người chưa tiêm chủng. Và điều này có thể sẽ đẩy những người chưa tiêm chủng ra ngoài lề các hoạt động xã hội.

Theo CNN, các hạn chế mới đối với những người chưa tiêm vaccine bắt đầu có hiệu lực ở thủ đô Berlin vào ngày 15/11. Người dân bắt buộc phải tiêm vaccine đầy đủ hoặc hồi phục sau khi mắc Covid-19 trong 6 tháng mới có thể vào quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và các khu vực giải trí khác. Làn sóng lây nhiễm tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến các khu vực phía nam và phía đông nước này khi tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Đức và quốc gia láng giềng - Áo là hai nước đi đầu trong chiến dịch gây sức ép đối với những người không tiêm chủng. Trước đó, Áo đã triển khai biện pháp cách ly tại nhà với những người chưa tiêm vaccine, yêu cầu không được phép ra ngoài ngoại trừ có lý do thực sự cần thiết.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg lên tiếng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp là "rất đáng xấu hổ" và khẳng định những người không tiêm chủng vào hiện tại sẽ phải trải qua tất cả "những gì chúng ta đã phải chịu đựng trong suốt năm 2020".

Áo hiện có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp hơn Đức và đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm mạnh. Ngược lại, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tránh được làn sóng lây nhiễm vào mùa đông bởi tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao ở châu Âu.

Trong khi đó, một số quốc gia khác ở châu Âu như Anh bắt đầu triển khai tiêm chủng mũi tăng cường. Vào đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khẳng định, mũi vaccine thứ 3 (mũi tăng cường) sẽ sớm đưa vào chương trình tiêm chủng và sẽ được công nhận là tiêm chủng đầy đủ.

"Một điều rất rõ ràng, tiêm 2 mũi và mũi nhắc lại thứ 3 sẽ là yêu cầu thực tế quan trọng và giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn theo mọi cách. Chúng tôi sẽ có điều chỉnh và đưa ra tiêu chuẩn tiêm chủng đầy đủ bắt buộc phải có mũi nhắc lại", Thủ tướng Johnson nói trong cuộc họp báo.

Về phía Pháp, nước này đã triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người dân và đưa ra quy định nhập cảnh chặt chẽ hơn trong tuần này đối với du khách chưa tiêm chủng đến từ 16 quốc gia của EU./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ