(Tổ Quốc) - Căng thẳng giữa Mỹ và Nga cùng với việc gia tăng hành động tại Bắc cực đã thu hút nhiều sự chú ý tới khu vực biên giới tưởng chừng êm ả ở vùng cực Bắc của Trái đất.
Tờ Business Insider đăng tải, Eo biển Bering giữa Alaska, Mỹ và Viễn đông, Nga vốn là nơi không có nhiều mâu thuẫn với các hợp tác chủ yếu xung quanh quản lý đường hàng hải và các quy định đánh bắt cá. Tuy nhiên, viễn cảnh mở rộng các hoạt động thương mại và quân sự tại Bắc cực đã khiến vai trò chiến lược của eo biển trở nên rõ ràng hơn.
"Hành lang Tây Bắc và Hành lang Bắc tất cả đều kết nối thông qua một tuyến đường biển tại phía Tây, đó là đi qua Eo biển Bering", Tướng Không lực Mỹ đã về hưu là Douglas Fraser phát biểu trong một sự kiện tại Trung tâm Wilson hồi tháng Mười. Hành lang Tây Bắc và Hành lang Bắc là hai tuyến đường biển dọc theo các bờ biển phía bắc của Canada và Nga.
Nga đang hiện đại hóa quân đội của mình, trong đó những nỗ lực "trẻ hoá" hạm đội tàu ngầm đã kéo sự chú ý của quân đội Mỹ quay trở lại khu vực biển ở bắc Đại Tây Dương được gọi là GIUK Gap. Viết tắt của Greenland, Iceland và Vương quốc Anh, GIUK Gap là vùng biển nằm giữa 3 địa danh, tạo thành một vị trí an ngữ quân sự mà các tàu hải quân của Nga phải đi qua nếu muốn tiếp cận các mục tiêu ở Đại Tây Dương hoặc Mỹ và châu Âu.
"Cần nhận thức rất rõ rằng những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt và thảo luận tại GIUK Gap, cũng có thể xuất hiện tại Eo biển Bering", ông Fraser – cựu Tư lệnh Alaska vào giữa những năm 2000 nhấn mạnh.
Trong một phiên điều trần Thượng viện Mỹ hồi tháng Ba, Đô đốc Michael Gilday cho hay, Eo biển Bering sẽ "có tầm quan trọng như Eo biển Malacca hay Eo Hormuz".
Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã hoạt động tại các eo biển trên nhưng giờ đây họ bắt đầu tăng cường hoạt động trong và xung quanh Alaska.
Tháng Năm năm 2019, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, một tàu sân bay Mỹ đã tham gia tập trận Northern Edge tại Vịnh Alaska; vài tháng sau đó, hải quân Mỹ đã quay lại Đảo Adak, cũng tại Alaska để tham dự một cuộc tập trận khác.
Theo ông Fraser, các lực lượng không quân và không gian sẽ là "các yếu tố đóng góp chủ chốt" giải quyết các vấn đề xuất hiện trong khu vực.
Không lực hiện có quân số đông nhất trong số các lực lượng vũ trang Mỹ triển khai tại Bắc cực. Họ hợp tác với quân đội Canada để thực hiện các chiến dịch bay cảnh báo sớm, bao gồm phát hiện các máy bay ném bom của Nga tiếp cận không lực Mỹ. Thời gian tới dự kiến sẽ có thêm một loạt các máy bay chiến đấu F-35 đóng tại các căn cứ không quân của Mỹ ở Alaska.
Các lực lượng khác cũng muốn tăng cường huấn luyện tại Alaska trong khi giới lập pháp Mỹ không ngừng thúc đẩy gia tăng đầu tư vào đây.
Tập đoàn Kỹ Sư Quân đội Mỹ mới đây đã thông qua các kế hoạch mở rộng cảng Nome tại bờ biển Bering, Alaska. "Điều đó không chỉ có lợi nếu nhìn từ góc độ an ninh quốc gia, mà còn giúp cộng đồng địa phương giảm thiểu chi phí cuộc sống", Thượng nghị sỹ Alaska Lisa Murkowski khẳng định trong một sự kiện hồi tháng Mười.
"Không phải là tín hiệu"
Các khu vực Viễn Đông và Bắc cực của Nga có rất ít dân cư trú. Sau Chiến tranh lạnh, phần lớn các hạ tầng cơ sở quân sự tại đây đã bị hư hỏng, tuy nhiên, hiện Moscow đang nỗ lực tái thiết chúng.
"Đối với Nga, khoảng cách gần tới cả Canada và Alaska… khiến sườn Viễn Đông của Bắc cực có tầm quan trọng tương đương như sườn châu Âu hoặc sườn NATO của Bắc cực", ông Alexey Maravie, giám đốc Khoa Khoa học Xã hội và Nghiên cứu An ninh tại Đại học Curtin, Australia nhận định với Business Insider.
Những hoạt động của Nga bao gồm mở rộng và cải tiến các sân bay cho phép các máy bay ném bom có thể cất/ hạ cánh và hỗ trợ được các máy bay trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, theo ông Muraviev, Moscow cũng tỏ ra "cẩn trọng" về các phản ứng của Bắc Kinh trước những hành động này gần biên giới chung giữa hai nước.
Nga cũng cải tạo các căn cứ tại Bắc cực phục vụ cho những chiến dịch hàng hải dọc theo Tuyến Biển bắc, đồng thời lắp đặt thêm các radar và thiết bị khác nhằm phát hiện tấn công trên không.
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã nhận được một loạt tàu mới và liên tục triển khai tập trận. Một cuộc tập trận hải quân hồi tháng Tám đã suýt làm phát sinh đụng độ giữa tàu Nga và ngư dân Mỹ gần Alaska.
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại tổ chức tư vấn chính sách CNA, Michael Kofman chỉ ra, chưa rõ liệu tập trận Nga có phải là sự đáp trả cho các hành động của Mỹ hay không.
"Có rất nhiều các cuộc tập trận lớn của Nga, và chúng không giống như là các tín hiệu mà gần như là việc họ thật sự có thể làm… triển khai lực lượng quy mô lớn để tập trận ở xa so với các căn cứ hải quân", ông Kofman nói.
Chuyên gia của CNA cũng tỏ ý nghi ngờ rằng Eo biển Bering có thể đạt được ý nghĩa quan trọng như GIUK Gap. Tuy nhiên, vị thế của nó sẽ được khẳng định nếu Mỹ theo đuổi một chiến lược kiểm soát biển trong xung đột, đặc biệt đối với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện tự cho mình "gần giống như một cường quốc Bắc cực" và đang gia tăng hành động trong khu vực.
"Trung Quốc khá quan tâm tới Bắc cực", ông Kofman nói. "Trong khi đó, Mỹ luôn quan tâm tới không chỉ Nga mà bất kỳ nơi nào Trung Quốc quan tâm".