• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ cần hành động gì trước bắt tay Trung - Nga ở Bắc Cực

Thế giới 14/08/2020 15:53

(Tổ Quốc) - Bất chấp bất đồng trong các vấn đề cụ thể, Trung Quốc và Nga đang cân đối chiến lược ở Bắc Cực. Washington cần phải chú ý.

Đây là nhận định của Sherri Goodman và Yun Sun trong một bài viết ngày 13/8 trên trang The Diplomat.

Khi thấy Chiến lược Bắc Cực mới của Không quân Hoa Kỳ tập trung vào cạnh tranh địa chiến lược từ Nga và Trung Quốc, đã đến lúc đặt câu hỏi: Nga và Trung Quốc đang hợp tác khai thác vùng Bắc Cực đến mức nào? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực, từ việc phát huy sức mạnh, đến tự do hàng hải, đến quan hệ với các đồng minh Bắc Âu chủ chốt? Đối với những chuyên gia theo dõi Bắc Cực, hai sự kiện gần đây đã khiến các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ phải kinh ngạc và mang đến những cơ hội tiềm năng.

Đầu tiên là tiết lộ vào giữa tháng 6 về cáo buộc hình sự của Nga chống lại chủ tịch Học viện Bắc Cực vì làm việc cho tình báo Trung Quốc. Trong khi chưa giải quyết xong vụ cáo buộc này, thì đặc phái viên Nga kiêm quan chức cấp cao trong Hội đồng Bắc Cực, Nikolai Korchunov, đã công khai đồng ý với Mỹ về sự chia rẽ giữa các quốc gia Bắc Cực và không thuộc Bắc Cực, thể hiện lập trường bất đồng với việc Trung Quốc tự tuyên bố là một quốc gia gần Bắc Cực.

Mỹ cần hành động gì trước bắt tay Trung - Nga ở Bắc Cực - Ảnh 1.

Nga lâu nay vẫn là một cường quốc đáng gờm tại Bắc Cực.

Những sự cố này dường như cho thấy những rạn nứt đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chúng không làm lu mờ bức tranh lớn hơn rằng Nga vẫn là mỏ neo vững chắc cho sự can dự của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Yếu tố then chốt tại Bắc Cực

Có ba yếu tố định hình sự hợp tác Trung-Nga ở Bắc Cực. Đầu tiên là Nga đóng vai trò là một đối tác không thể thiếu nếu Trung Quốc muốn trở thành một bên liên quan "cận Bắc Cực". Là một quốc gia không thuộc Bắc Cực, Trung Quốc cần một quốc gia Bắc Cực vận động cho các hoạt động của mình trong khu vực. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh Mỹ - Trung, Moscow là đối tác không thể thay thế của Trung Quốc do Nga có vị trí, năng lực, sự hiện diện, ảnh hưởng và vị thế là một "siêu cường ở Bắc Cực". Nga có đường bờ biển Bắc Cực dài nhất và kiểm soát hiệu quả hầu hết các Tuyến đường Biển Phương Bắc (NSR), một liên kết tiềm năng từ các cảng châu Á đến châu Âu.

Thứ hai, các yêu cầu của Nga và Trung Quốc về bản chất là không đối xứng. Ở khu vực Bắc Cực, Nga chủ yếu để mắt đến nguồn tài chính của Trung Quốc nhằm thương mại hóa vùng Viễn Bắc kém phát triển của mình, đặc biệt là khu vực dọc theo NSR. Nhưng đối với Bắc Kinh, các cân nhắc thương mại chỉ là thứ cấp so với ưu tiên hàng đầu là hợp pháp hóa sự hiện diện của Trung Quốc ở đây. Hai mục tiêu này có thể bổ sung cho nhau trong việc xây dựng và củng cố sự hiện diện của Trung Quốc đồng thời phục vụ nhu cầu tài chính và đầu tư của Nga, đồng thời tạo ra doanh thu từ Viễn Bắc.

Thứ ba, hợp tác Trung - Nga ở Bắc Cực cho đến nay vẫn diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu, quản trị và điều hướng, còn lĩnh vực quân sự thì là một khả năng xa vời hơn. Trong khi Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực, từ cảng đến sân bay, thì Trung Quốc đã theo đuổi một vị thế thấp hơn trong các hoạt động ở Bắc Cực, ưu tiên nghiên cứu khoa học (cũng có thể mang tới cơ hội tình báo có giá trị), quản trị, năng lượng và vận tải biển. Điều này không chỉ bởi vì Trung Quốc không muốn tự coi mình là kẻ thách thức sự thống trị quân sự truyền thống của Nga ở Bắc Cực, mà còn bởi vì Bắc Kinh chưa có một lực lượng quân sự có thể hoạt động ở Bắc Cực. Và miễn là Trung Quốc và Nga vẫn giữ quan hệ hữu nghị, thì Bắc Cực không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Trung Quốc khi Nga vẫn đóng vai trò là lá chắn và người bảo vệ của họ.

Dù có những ưu tiên lợi ích khác nhau nhưng không thể bác bỏ rằng hợp tác Trung - Nga ở Bắc Cực đang ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào vùng Viễn Bắc của Nga, đầu tiên là thông qua dự án Yamal LNG vào năm 2016 và bây giờ là dự án LNG 2 ở Bắc Cực. Ngoài ra, hai nước đã tham gia vào các sáng kiến nghiên cứu chung trong năm 2016 và 2018, một thông lệ mà họ có thể sẽ tiến tới chính thức hóa. Cũng có những xích mích, bao gồm sự nghi ngờ của Nga về ý định của Trung Quốc và những phàn nàn của Trung Quốc về việc Nga đang ngày càng mở rộng kiểm soát về mặt hành chính, nhưng cho đến nay, chúng không cản trở sự tiến bộ của hợp tác giữa họ.

Điều Mỹ cần lưu ý

Mỹ nên theo dõi chặt chẽ những diễn biến này và sử dụng vị thế của mình như một cường quốc Bắc Cực để tăng cường các mối quan hệ chính và giãn cách sự liên kết Trung - Nga trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những trụ cột của Chiến lược Bắc Cực do Lực lượng Không quân Hoa đưa ra gần đây là "Hợp tác với các Đồng minh và Đối tác ở Bắc Cực" – điều có thể là nhằm khắc phục việc Mỹ hầu như không tham gia vào Bắc Cực trong những năm gần đây.

Hoa Kỳ nên ngay lập tức thông qua các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bắc Cực để chia sẻ quan điểm về sự hiện diện hòa bình và phát triển bền vững của khu vực cùng với việc phát triển quan hệ với các đồng minh Bắc Cực như Canada, Na Uy, Iceland và Đan Mạch (cũng là thành viên NATO) hay Thụy Điển và Phần Lan. Thông qua chia sẻ thông tin, nghiên cứu chung và thậm chí là hoạch định chính sách chung, Mỹ và các đồng minh có thể nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ sự hợp tác Trung - Nga ở Bắc Cực và tác động của nó. Hợp tác hướng tới hành động với các đồng minh NATO về Trung Quốc-Nga ở Bắc Cực nên xếp hạng cao trong danh sách ưu tiên của Washington.

Ngoài ra, Hoa Kỳ nên đối phó với sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc bằng cách tiếp tục tăng cường sự hiện diện của chính họ ở Bắc Cực, từ tăng cường số lượng tàu phá băng, có hoạt động ngoại giao cho đến sự tham gia về khoa học mới đối với lớp băng vĩnh cửu đang sụp đổ, băng biển tan chảy và vùng nước ấm lên.

Việc lập lại các căn cứ ở Greenland và Iceland và thành lập một lãnh sự quán ở Greenland là một khởi đầu tốt. Hoa Kỳ cũng đã bổ nhiệm một đại sứ về Bắc Cực, điền vào một vị trí đã bị bỏ trống trong vài năm nay. Hoa Kỳ cũng nên thu hút các đồng minh châu Á quan trọng của mình, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, những người có lợi ích trong nghiên cứu và quan sát Bắc Cực.

Hiểu được chiều sâu và bề rộng của hợp tác Nga - Trung có tầm quan trọng đáng kể trong việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh, đặc biệt là khi Nga sắp làm chủ tịch Hội đồng Bắc Cực – điều tạo ra cơ hội đưa Trung Quốc tiến sâu hơn vào khu vực này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ