(Tổ Quốc) - "Tôi rất tập trung vào việc đảm bảo Bắc Cực nằm trong vùng căng thẳng rất thấp", Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdottir nói.
Iceland muốn bảo vệ Bắc Cực khỏi căng thẳng toàn cầu đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng Iceland nói hôm thứ Năm.
Bình luận trên của bà được đưa ra sau chuyến đi tới Đan Mạch tuần trước của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó ông chỉ trích Trung Quốc vì đã tự xác định họ là một quốc gia gần Bắc Cực.
Katrín Jakobsdottir nói: "Chúng tôi nhìn thấy rõ sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Và rõ ràng là nếu bạn hỏi một cách cụ thể về Bắc Cực thì chúng ta cũng đã thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cả Mỹ và Trung Quốc về Bắc Cực".
Chuyến thăm của ông Pompeo tới Copenhagen, trong đó ông nhấn mạnh "sự ngây thơ" của phương Tây ở khu vực Bắc Cực khi đối mặt với "cuộc cạnh tranh mới" với người Nga và người Trung Quốc trong khu vực. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra một năm sau lời đề nghị gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump về việc mua lại Greenland từ Đan Mạch.
"Tôi rất tập trung vào việc đảm bảo Bắc Cực nằm trong một khu vực căng thẳng rất thấp", Jakobsdottir nói.
Chúng ta nên rất tập trung vào việc tránh các hoạt động quân sự quanh Bắc Cực. Nó rất quan trọng không chỉ đối với những người sống ở đây mà còn đối với môi trường.
Đó là mục tiêu của chính phủ Iceland: duy trì Bắc Cực như một khu vực căng thẳng thấp.
Iceland dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp các bộ trưởng thuộc Hội đồng Bắc Cực vào tháng 5 năm 2021. Sự kiện này sẽ quy tụ Mỹ, Nga và các quốc gia khác giáp biên giới với vùng Viễn Bắc.
Một số nước châu Âu, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, là thành viên quan sát của diễn đàn khu vực này.
Trung Quốc, một thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013, tự coi mình là một thế lực nằm gần với Bắc Cực và muốn thiết lập con đường tơ lụa vùng cực.
Iceland là thành viên của NATO nhưng quốc gia 365 nghìn dân ở Bắc Đại Tây Dương này là nước duy nhất trong liên minh không có quân đội. An ninh hàng hải của họ được đảm bảo bằng một đơn vị bảo vệ bờ biển.
Mỹ cũng có một căn cứ không quân ở Keflavik, gần Reykjavik, trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên họ đã rút khỏi đó vào năm 2006, trước khi căng thẳng với Nga gia tăng trong những năm gần đây.