• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, “chạm da” là nguy hiểm

Khám phá 16/11/2022 14:07

(Tổ Quốc) - Sinh vật này tiết ra chất độc cực mạnh, có thể đoạt mạng nhiều người.

Đó là ếch phi tiêu độc, một trong những sinh vật độc nhất hành tinh. Sinh vật tý hon này thường sống trong các rừng nhiệt đới. Không giống với các loài vật khác phải cắn hoặc chích để tiêm nọc độc, chất độc cực mạnh của ếch phi tiêu độc hóa ra lại nằm ở trên da của chúng.

Do đó, chỉ cần vô tình chạm tay vào da của sinh vật này cũng có thể khiến nạn nhân gặp nguy hiểm. Cụ thể, khi bị đe dọa, chất độc sẽ rỉ ra từ da, khiến việc chạm vào ếch phi tiêu độc trở nên vô cùng nguy hiểm

Đặc biệt, da của một số loài thuộc nhóm ếch này chứa chất độc mạnh gấp 200 lần morphine.

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, chỉ cần “chạm da” là nguy hiểm - Ảnh 1.

Ếch phi tiêu độc có kích thước nhỏ bé và màu sắc sặc sỡ. Ảnh: Getty Images

Thực tế, các loài trong họ Ếch phi tiêu độc (danh pháp khoa học: Dendrobatidae) thường chỉ dài 2,5 cm. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra chúng thông qua màu da sặc sỡ. Ếch tiêu phi độc thường có các màu từ xanh lam đến đỏ rực.

Theo các chuyên gia, những con ếch có chất độc này đã phát triển màu sắc của chúng như một lời cảnh báo hay tín hiệu xua đuổi tới bất cứ kẻ thù nào muốn gây rối và yêu cầu chúng tránh xa.

Loài ếch phi tiêu độc sống ở trong các khu rừng nhiệt đới từ Brazil đến Costa Rica. Chúng thường tiết ra một chất có màu trắng đục chứa batrachotoxin. Đây là một loại chất độc chết người tấn công hệ thần kinh.

Do đó, nếu bị trúng độc của một con ếch phi tiêu, nạn nhân sẽ bị từ tê liệt tới ngừng tim chỉ trong vòng vài phút. Cụ thể, nạn nhân phải trải qua các cơn co thắt cơ bắp không kiểm soát được, dẫn tới suy tim và cuối cùng là tử vong.

Thành phần hóa học của chất độc này sẽ ngăn các cơ bắp của nạn nhân giao tiếp với não.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, ngay cả với một lượng chất độc nhỏ bằng 2 hạt muối thì cũng đủ để giết chết một người nặng 68 kg.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có gì ngạc nhiên khi có một số thợ săn ở Amazon sử dụng chất tiết ra của ếch phi tiêu độc để tẩm vào đầu vũ khí khi đi săn bắt.

Trong đó, ếch phi tiêu vàng (Phyllobates terribilis) là thành viên lớn nhất ở trong họ Ếch phi tiêu độc, với chiều dài lớn nhất là 5,5 cm. Đây cũng được coi là một trong những sinh vật độc nhất trên Trái Đất.

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, chỉ cần “chạm da” là nguy hiểm - Ảnh 2.

Ếch phi tiêu vàng (Phyllobates terribilis) có chất độc cực mạnh đủ để đoạt mạng 10 người. Ảnh: Flickr

Tên gọi của ếch phi tiêu vàng có nguồn gốc từ thợ săn bản địa Emberá của Colombia. Những người này thường sử dụng nọc độc của chúng để tẩm độc phi tiêu.

Một con ếch phi tiêu vàng có đủ chất độc để giết chết 10 người. Chưa hết, một miligram nọc độc của chúng có thể đủ để giết chết khoảng 10.000 con chuột hoặc 2 con voi đực châu Phi. Loài ếch này chỉ sống ở trong một khu rừng nhiệt đới Colombia. Chúng được coi là loài ếch phi tiêu nguy hiểm nhất.

Dù sở hữu chất độc chết người nhưng ếch phi tiêu vàng thường không gây nguy hiểm nếu như chỉ tiếp xúc đơn thuần. Nguyên nhân là vì loài ếch này chỉ tiết nọc độc qua da khi chúng cảm thấy bị đe dọa.

Những con ếch phi tiêu không phải sinh ra đã được phủ chất độc chết người và sẵn sàng đoạt mạng bất cứ ai dám đến gần. Vậy, tại sao sinh vật nhỏ bé như vậy lại nguy hiểm đến thế?

Khác với hầu hết những loài lưỡng cư nguy hiểm tự tạo ra chất độc từ bên trong, ếch phi tiêu độc lại có được chất độc cực mạnh thông qua chế độ ăn uống.

Loài ếch bé nhỏ này thường ăn một loài kiến có chứa những phân tử alkaloid độc hại và chúng không lãng phí bất kỳ phần nào của bữa ăn này. Sau khi ăn xong, ếch phi tiêu độc lưu trữ những phân tử độc hại ở trong tuyến của chúng và tổng hợp thành chất độc riêng.

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, chỉ cần “chạm da” là nguy hiểm - Ảnh 3.

Ếch phi tiêu độc có chế độ ăn đặc biệt. Ảnh: NatGeo

Mặc dù biết đây là sinh vật cực độc, nhưng một số người vẫn chọn ếch phi tiêu độc để làm vật nuôi. Bởi vì chất độc của chúng đến từ những gì chúng ăn, nên người nuôi cũng có thể "vô hiệu hóa" một con ếch phi tiêu độc bằng cách cung cấp cho nó một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trong đó bao gồm côn trùng không độc.

Ngoài ra, sẽ an toàn để xử lý ếch phi tiêu độc nếu nó chỉ ăn những con bọ như ruồi giấm và dế.

Ngược lại, nếu chúng sống ở Hawaii hoặc British Columbia, Canada, ai nuôi ếch phi tiêu độc là phạm luật. Theo đó, luật này được thi hành để bảo vệ ếch phi tiêu độc, đồng thời bảo vệ cả con người.

Hiện nay, do nạn phá rừng, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới nên ếch phi tiêu độc có nguy cơ tuyệt chủng. Môi trường sống của chúng cũng đang bị thu hẹp.

Cách săn mồi độc đáo của loài ếch cực độc

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, chỉ cần “chạm da” là nguy hiểm - Ảnh 4.

Ếch phi tiêu độc có cách săn mồi rất độc đáo. Ảnh: Smithsonian

Thức ăn chính là bí mật ẩn đằng sau chất độc cực mạnh của ếch phi tiêu độc. Thế nhưng điều ngạc nhiên là loài ếch phi tiêu độc lại không dùng độc để săn mồi. Thay vào đó, chúng thường dụ con mồi đến bằng cách gõ ngón chân giữa thon dài xuống đất.

Các nhà khoa học cho rằng những nhịp gõ nhẹ này là cách để giả tiếng mưa nhằm lôi kéo côn trùng đang ẩn náu bước ra. Khi những côn trùng này ra ngoài, chúng sẽ rơi vào miệng ếch.

Ếch phi tiêu độc sẽ phóng chiếc lưỡi dài và dính rồi nuốt chửng con mồi. Đây cũng là bí quyết giúp chúng sở hữu chất độc cực mạnh.

Vì sao ếch phi tiêu độc không bị trúng độc?

Theo nhà nghiên cứu Fayal Abderemane-Ali tại Viện Nghiên cứu Tim mạch của Đại học California (Mỹ),  những con ếch phi tiêu độc và các loài động vật có độc khác có 3 thủ thuật để ngăn chặn quá trình tự nhiễm độc.

Trong đó, thủ thuật phổ biến nhất giúp các loài vật có độc nhưng không bị trúng độc là liên quan tới một đột biến gene làm thay đổi một chút hình dạng của protein mục tiêu của độc tố để độc không thể liên kết với protein.

Chỉ dài 2,5 cm, sinh vật tý hon có chất độc chết người, chỉ cần “chạm da” là nguy hiểm - Ảnh 5.

Ếch phi tiêu độc màu xanh. Ảnh: Flickr

Chẳng hạn, loài ếch độc Dendrobates tinctorius azureus có mang một chất độc gọi là epibatidine. Đây là chất độc không gây nghiện nhưng rất mạnh. Theo một nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên tạp chí Science, những con ếch độc này đã tiến hoá sự thích nghi trong những thụ thể acetylcholine của chúng để làm thay đổi một chút hình dạng của những thụ thể đó, từ đó giúp chúng có khả năng kháng độc tố.

Thủ thuật thứ hai mà những kẻ săn mồi có độc thường sử dụng là khả năng loại bỏ hoàn toàn chất độc khỏi cơ thể. Đây chỉ là cách khác để động vật tránh bị nhiễm độc bởi những thứ mà chúng ăn.

Thủ thuật thứ ba được gọi là cô lập. Theo đó, động vật sẽ phát triển hệ thống lưu giữ độc tố ở trong cơ thể mà không gây ra bất kỳ vấn đề hay ảnh hưởng nào cho bản thân chúng. 

 Bài viết tham khảo nguồn: Livescience, Sciencedirect, Crazy Creatures, Smithsonian

Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ