• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ trích EU ngăn trở, hai cường quốc khoa học châu Âu bắt tay

Thế giới 10/11/2022 10:43

(Tổ Quốc) - Anh và Thụy Sĩ dự định ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sau khi bị loại khỏi chương trình Chân trời của EU, theo Financial Times.

Vì lý do chính trị, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ đã bị loại khỏi chương trình "Chân trời châu Âu" của Liên minh châu Âu (EU) về tài trợ 96 tỷ euro cho phát triển khoa học. Hai "ông lớn" khoa học này dự kiến ký kết một thỏa thuận vào thứ Năm nhằm tăng cường hợp tác song phương trong nghiên cứu và đổi mới.

Chỉ trích EU về việc phong tỏa họ trong "Chân trời"

Biên bản ghi nhớ dự kiến sẽ mở rộng quan hệ đối tác Anh-Thụy Sĩ trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ lượng tử đến khoa học đời sống, vũ trụ và phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Markus Leitner, đại sứ Thụy Sĩ tại London cho biết: "Đó là một tín hiệu chính trị rõ ràng từ chính phủ chúng tôi đối với cộng đồng khoa học và các cơ quan tài trợ rằng chúng tôi muốn đầu tư vào nhiều dự án chung hơn. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế ở bất cứ nơi nào chúng tôi có thể thực hiện được."

Chỉ trích EU ngăn trở, hai cường quốc khoa học châu Âu bắt tay - Ảnh 1.

Hai cường quốc khoa học châu Âu xúc tiến hợp tác sau khi cùng chỉ trích EU. Ảnh: FT.

Hai chính phủ này cho rằng EU đã phong tỏa tư cách thành viên của họ trong dự án Chân trời châu Âu vì tranh chấp chính trị với khối này. Cụ thể, về phía Anh là tranh chấp hậu Brexit tập trung vào tình trạng của Bắc Ireland và về phía Thụy Sĩ là sự bất đồng của nước này với khối EU về việc siết chặt mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Cả hai quốc gia trên, đã đóng vai trò nổi bật trong các chương trình khoa học của EU trước đây, vẫn muốn tham gia chương trình Chân trời với tư cách là thành viên liên kết. George Freeman, Bộ trưởng Khoa học Vương quốc Anh, người dự kiến ký thỏa thuận với người đồng cấp Thụy Sĩ Guy Parmelin, cho biết nếu Brussels tiếp tục chặn quyền tiếp cận (với Chân trời), Vương quốc Anh sẽ "tận dụng cơ hội này để làm nhiều hơn trên toàn cầu – cả trong phạm vi châu Âu và xa hơn nữa".

Việc hai nước này bị phong tỏa tư cách thành viên trong chương trình hợp tác khoa học chung của EU đang làm tổn hại đến sự phát triển học thuật ở cả Anh và Thụy Sĩ. Ông Freeman cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến khoảng 15% các giáo sư hàng đầu châu Âu rời Vương quốc Anh".

Chi tiêu công của Thụy Sĩ cho Nghiên cứu và phát triển (R&D) năm 2021 thấp hơn 16% so với năm 2019, Văn phòng Thống kê nước này cho biết. Sự suy giảm này chủ yếu là do Thụy Sĩ buộc phải rời chương trình Chân trời.

Sự đứt gãy hợp tác giữa Anh và Thụy Sĩ do không nằm trong Chân trời cũng đang làm tổn hại đến nền khoa học châu Âu nói chung. Các nhà nghiên cứu trên khắp châu lục đã thành lập chiến dịch Gắn kết với khoa học nhằm nỗ lực thay đổi suy nghĩ của Liên minh Châu Âu.

Ông Leitner trích dẫn bảng xếp hạng đại học QS World cho biết: "Chín trong số mười trường đại học tốt nhất ở châu Âu là ở Vương quốc Anh hoặc Thụy Sĩ".

Tìm cách triển khai kế hoạch B

Theo thỏa thuận dự kiến được ký kết, các cơ quan tài trợ công chính của hai nước, cơ quan phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh và Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF), sẽ đầu tư vào các dự án chung trong nhiều lĩnh vực như khoa học sinh học và y học, máy tính, trí tuệ nhân tạo và không gian.

Năm tới, Thụy Sĩ sẽ khởi động một sáng kiến nghiên cứu lượng tử và nước này coi Vương quốc Anh là một đối tác cơ bản. Ông Freeman nói rằng một sáng kiến chung khác mà hai nước có thể hướng tới sẽ là tài trợ và phát triển nền kinh tế không gian toàn cầu, với các trung tâm ở London và Zurich.

Biên bản ghi nhớ sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp tác sâu rộng hiện có. Vương quốc Anh đã là đối tác nghiên cứu quan trọng thứ ba của Thụy Sĩ; SNSF đã tài trợ cho 1.100 dự án có người Anh tham gia trong 5 năm qua.

Ông Freeman cho rằng sự kiên nhẫn của chính phủ Anh với châu Âu sẽ sớm cạn kiệt. "Với một thủ tướng và chính phủ mới, sẽ đến lúc chúng tôi nên xem xét liệu EU có xóa bỏ lệnh ngăn trở của họ (về chương trình Chân trời) hay không nhưng trừ khi có sự thay đổi nhanh chóng, nếu không chúng tôi cần phải sớm khắc phục những thiệt hại này và xây dựng một kế hoạch B trên tầm quốc tế".

Khoản tiền Vương quốc Anh đang dành cho Chân trời - 15 tỷ bảng Anh trong vòng 7 năm - có thể hỗ trợ một loạt các hoạt động quốc tế, các thỏa thuận song phương, những kế hoạch thu hút nhiều tài năng nghiên cứu quốc tế đến Vương quốc Anh và các quan hệ đối tác đa quốc gia trong các lĩnh vực cụ thể.

Một ví dụ tiềm năng là quan hệ đối tác toàn cầu trong nghiên cứu vùng Cực, liên quan đến Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và các đối tác ở các nước như Na Uy, Chile và New Zealand, ông Freeman nói thêm. Một nhóm dự án khác cũng có thể tập trung vào công nghệ nông nghiệp với sự tham gia từ các quốc gia đang phát triển.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ