(Tổ Quốc) - Diễn biến phức tạp của đại dịch khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận kịch bản sống chung với Covid-19 và tìm cách thiết lập trạng thái bình thường mới.
Điều chỉnh chiến lược thích ứng với Covid-19
Theo tờ Washington Post, trước đây một số quốc gia từng theo đuổi chiến lược "loại bỏ tận gốc" Covid-19 với hy vọng dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên, trước diễn biến mới đại dịch, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc để chính phủ các nước phải điều chỉnh chiến lược đối phó, thích ứng với mỗi giai đoạn cụ thể trong cuộc chiến chống Covid-19.
Nhìn nhận diễn biến dịch bệnh trong thời gian qua, giới quan sát đánh giá chiến lược chống dịch của Trung Quốc đã mang đến kết quả tốt. Dịch bệnh chỉ dừng lại ở các đợt bùng phát nhỏ và ngăn chặn kịp thời, không lây lan trên diện rộng. Các quan chức địa phương đã phát động chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng, quét mã QR và kiểm soát việc ra đường của người dân. Những cư dân sống trong cùng khu vực, được gọi là "tiểu khu", kết nối tạo nhóm trên ứng dụng WeChat - ứng dụng sẽ giúp nhóm nhận được các thông báo của chính quyền cũng như thực hiện mọi giao dịch trực tuyến. Những tiểu khu này tạo thành một hệ thống quản lý theo mạng lưới bao trùm đất nước, giúp hỗ trợ giám sát đi lại của người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Cùng với chiến lược "không Covid", nỗ lực xét nghiệm diện rộng kết hợp với truy vết tiếp xúc, kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly nghiêm ngặt ca nhiễm và phong tỏa diện hẹp đã giúp Trung Quốc tiếp tục kiềm chế thành công dịch bệnh giữa lúc biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới. Đến hiện tại, các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng đã đề cập đến việc điều chỉnh chiến lược chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể kết thúc. Tiến sỹ Zhang Wenhong cho rằng, Trung Quốc cần phải điều chỉnh chiến lược sống chung với dịch bệnh vào thời điểm hiện tại, mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhất định trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Ông Zhong Nanshan – Cố vấn y tế công cộng hàng đầu cho rằng Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 80%. Tuy nhiên, ông Zhong đã sử dụng thuật ngữ "tỷ lệ hiệu quả cao không thực tế" cho dù 80% người dân trên cả nước đã tiêm chủng.
"Khả năng miễn dịch cộng đồng vẫn được xem là khó có thể đạt được cho dù tỷ lệ cao người dân trên cả nước đã tiêm vaccine đầy đủ", ông Zhong nhận định.
Theo Washington Post, một số nước trên thế giới đã có các điều chỉnh chính sách, trong đó chấp nhận sống chung với dịch bệnh trong bối cảnh chưa thể dập dịch hoàn toàn. Chẳng hạn như Singapore đã chuyển sang chiến lược mở cửa trở lại theo từng giai đoạn và khu vực đồng thời đảm bảo chương trình tiêm chủng cho người dân trên cả nước. Ngay cả Australia cũng đã tính đến lộ trình mở cửa trở lại. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, chiến lược tập trung vào điều trị các ca bệnh nặng và kết hợp tiêm phòng vaccine hiệu quả sẽ là cách tốt nhất cho Trung Quốc chống dịch bệnh trong kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.
Thiết lập trạng thái bình thường mới
Ở một số các nước như Vương quốc Anh đã nới lỏng hạn chế, chấm dứt biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 7. Đức cho phép người đã tiêm chủng trở lại sinh hoạt bình thường. Và Italy bỏ yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang ngoài trời. Singapore đã cho phép trung tâm thương mại hoạt động trở lại trong khi Thái Lan dự kiến mở cửa lại một số điểm du lịch trong tháng 10, bao gồm thủ đô Bangkok. Australia - quốc gia từng quán triệt chiến lược "không Covid-19" cũng đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian dài. Thủ tướng Scott Morrison mới đây nhấn mạnh, số ca mắc bệnh không phải là tất cả để phản ánh tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện các ca bệnh nặng.
"Một khi hơn 70% dân số đã tiêm vaccine, chúng ta phải điều chỉnh chiến lược. Các ca mắc mới không phải là vấn đề. Điều quan trọng là phải điều trị bệnh nặng, theo dõi các ca phải nhập viện và các trường hợp chăm sóc đặc biệt (ICU). Chúng ta phải thích nghi với hoàn cảnh như vậy và đây là mục tiêu của chúng ta", Thủ tướng Morrison nói trên Abcnews.
Còn tại Hàn Quốc, chính phủ cũng đã tính đến phương án áp dụng chiến lược "sống chung với Covid-19", tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Giới chức trách y tế của Hàn Quốc thông báo đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch Covid-19 mới vào cuối tháng 9 sau khi khoảng 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine.
Tại Mỹ, trước diễn biến mới nhất của dịch bệnh, Nhà Trắng đã thông báo về kế hoạch Tổng thống Joe Biden sẽ công bố chiến lược ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta và tiếp tục chương trình tiêm chủng mũi tăng cường trên toàn quốc. Chiến lược mới về Covid-19 của Mỹ sẽ thúc đẩy nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ các trường học, doanh nghiệp, nền kinh tế và gia đình của người dân Mỹ khỏi mối đe dọa của biến thể Delta.
Giới quan sát nhận định, động thái chống dịch của các quốc gia trên thế giới đang cho thấy sự thay đổi chiến lược từ hạn chế ca nhiễm sang giảm thiểu ca bệnh nặng và tử vong. Chiến lược chống dịch cũng bắt đầu xét đến chủ trương nới lỏng phong tỏa và giãn cách là một phần cần thiết để hồi phục sau đại dịch.