(Tổ Quốc) - Chiến lược mới "mang tính cách mạng" vừa được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un công bố hôm thứ tư (1/1) được đánh giá là đã thể hiện cả sự thách thức và cẩn trọng sâu sắc khi đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Kim tuyên bố sẽ mở rộng sức mạnh hạt nhân, đưa ra một loại "vũ khí chiến lược mới" và "chuyển sang hành động thực tiễn gây bất ngờ". Ông cảnh báo, Triều Tiên sẽ không bị ràng buộc bởi quyết định tạm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa mà họ đang áp dụng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Triều Tiên cũng tìm cách "xoa dịu" những đe dọa của mình khi không đề cập tới các chi tiết cụ thể như Bình Nhưỡng có hay không gỡ bỏ lệnh dừng thử nghiệm hoặc ngừng theo đuổi chính sách ngoại giao… Thay vào đó, ông nhấn mạnh, những nỗ lực gia tăng năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ được thay đổi "phụ thuộc vào thái độ của Mỹ trong tương lai".
Tờ New York Times nhận định, đây là một cách tiếp cận đợi-và-xem với khả năng đàm phán vẫn được để mở.
Còn theo giới phân tích, Chủ tịch Kim đang có những tính toán trước bối cảnh chính trị còn nhiều biến động tại Mỹ, khi mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt với cả một phiên tòa luận tội của Thượng viện và cuộc bầu cử vào tháng 11. Triều Tiên không muốn mạo hiểm đạt được một thỏa thuận có khả năng bị thay đổi nếu ông Trump không tái đắc cử Tổng thống.
"Tôi nghĩ ông Kim sẽ tiếp tục tìm cách khiêu khích Washington như một biện pháp để giành được ưu thế trong các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai mà không trực tiếp thách thức Tổng thống Trump", bà Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington phân tích.
Trong khi chờ đợi, ông Kim sẽ vẫn thể hiện vai trò một nhà lãnh đạo cứng rắn. Triều Tiên có thể tăng cường kho vũ khí hạt nhân, chế tạo thêm bom và đầu đạn hạt nhân cũng như cải thiện năng lực tên lửa.
Điều khó dự đoán hơn là liệu hoặc khi nào Bình Nhưỡng sẽ phát đi một thông điệp thực sự khiến Washington tức giận - như thử nghiệm một loại vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Động thái này nhiều khả năng sẽ vấp phải phản ứng "lửa cháy và giận dữ" từ Mỹ, giống những gì ông Trump từ đe dọa trước đây.
Với những bước đi thận trọng, Bình Nhưỡng cũng có thể tránh phải chịu thêm những tổn thương kinh tế. Việc phóng tên lửa tầm xa gần như chắc chắn sẽ dẫn tới một vòng trừng phạt mới từ Liên Hợp quốc, đồng thời khiến Trung Quốc và Nga không hài lòng trong thời điểm ông Kim đang rất cần sự giúp đỡ từ hai láng giềng lớn để giảm bớt các gánh nặng từ trừng phạt quốc tế.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin, trong báo cáo chính sách mới công bố, ông Kim thừa nhận những nỗ lực cải cách kinh tế của Triều Tiên đang phải đối mặt với "các vấn đề lớn" và "không đạt được tiến triển rõ rệt". Ông cũng đề cập tới "những tập quán sai trái và sự trì trệ" trong các ngành công nghiệp chủ chốt, đồng thời phê phán các quan chức ngành kinh tế vì "chỉ biết hô to khẩu hiệu tự lực tự cường" mà thiếu sự lãnh đạo và "trách nhiệm" trong cải tổ nền kinh tế.
Ông Kim nói, sau 18 tháng theo đuổi chính sách ngoại giao, Triều Tiên nên kiên trì phương châm "tự lực" thay vì tin vào "sự biến đổi tuyệt vời" của nền kinh tế mà Tổng thống Trump từng hứa hẹn nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Người đứng đầu Triều Tiên kêu gọi người dân "không bao giờ đánh đổi an ninh và tự trọng mà chính sách hạt nhân của mình đem lại", "ngay cả khi chúng ta phải thắt lưng buộc bụng".
Những điều trên, theo New York Times đồng nghĩa với việc ông Kim đã thừa nhận sự thất bại trong cách tiếp cận trước đây với Washington.
Những tháng cuối năm 2019, Bình Nhưỡng đặt ra một thời hạn cuối cho Mỹ và hứa sẽ có "một món quà Giáng sinh" nếu Washington không dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Với việc chuyển sang lập trường cứng rắn hơn, ông Kim được cho là đang thực thi một động thái cân bằng "khó nhằn".
"Quá trình tiến tới thông điệp năm mới bị kéo dài của ông Kim khiến Triều Tiên trông như bị thúc ép", giáo sư Leif-Eric Eassley tại Đại học Phụ nữ Ewha, Seoul nhận xét. "Ông ấy cố gắng sử dụng Trung Quốc và Nga cho các lợi ích kinh tế, nhưng không muốn tỏ ra bị phụ thuộc hay chịu ơn. Ông ấy yêu cầu các kỹ sư quân đội của mình chế tạo thêm các vũ khí hiện đại nhưng phải cân nhắc nguy cơ thử nghiệm bị thất bại. Ông ấy muốn gia tăng áp lực ngoại giao lên Hàn Quốc và Mỹ, nhưng cũng hiểu rằng một sự khiêu khích lớn gần như chắc chắn đem lại nhiều lệnh trừng phạt hơn cho Triều Tiên".
Những phát biểu mới của ông Kim mang ý nghĩa là "Triều Tiên sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, chấp nhận tình trạng trì hoãn lâu dài và các lệnh trừng phạt như một thực tế, và sẽ củng cố sức mạnh tự có, bao gồm năng lực hạt nhân và tên lửa" ông Cheong Seong-hang, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc nhận định.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng chấp nhận để trường phái quân sự cứng rắn đóng một vai trò lớn hơn trong chính phủ, ngay cả khi chưa rõ Bình Nhưỡng có phóng thử ICBM hay không.
Theo truyền thông Triều Tiên, ông Kim đang chờ đợi sự phát triển của công nghệ vũ khí mới, bao gồm tên lửa nhiên liệu rắn có khả năng chống đánh chặn lớn hơn và một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Ông Adam Mount, một học giả cấp cao của Liên hiệp các nhà Khoa học Mỹ tại Washington dự báo, sẽ có những thành phần trong chính quyền Triều Tiên mong muốn thử nghiệm các hệ thống mới, như tên lửa xuyên lục địa và nhiên liệu rắn, cũng như thiết kế đầu đạn mới".
"Do đàm phán bị ngưng trệ các thành phần này sẽ dần có thêm nhiều ảnh hưởng hơn trước", ông Mount nói.