(Tổ Quốc) -Dù thoát khỏi chiến tranh thương mại, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ khi Mỹ có thêm một công cụ khác mà trong tương lai họ có thể sử dụng chống lại cả đồng minh và kẻ thù.
Mặc dù viễn cảnh của một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế khác đang lờ mờ hiện ra, nhưng một cuộc đối đầu thực sự vẫn có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản khả thi nhất, thế giới vẫn chưa được yên bình khi Mỹ đang có thêm một công cụ khác mà trong tương lai họ có thể sử dụng chống lại cả đồng minh và kẻ thù.
Vào ngày 1/6, Tổng thống Trump đã bắn tiếng súng đầu tiên khai màn căng thẳng thương mại bằng cách đơn phương áp đặt thuế đối với thép và nhôm vào nước này từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Canada đã thông báo rằng họ sẽ “có các biện pháp trả đũa vào ngày 1/7, áp dụng mức thuế tương đương với thuế mà người Mỹ đã áp dụng một cách bất công cho chúng tôi.” Còn EU và Mexico cũng đã nạp sẵn đạn vào súng của họ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang ở gần bờ vực của một cuộc chiến thương mại. Vào ngày 15/6, ông Trump công bố áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD và cảnh báo rằng bất kỳ sự trả đũa nào của Bắc Kinh sẽ kích hoạt một đợt thuế quan khác đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã đáp trả lại chỉ trong vòng vài giờ, đánh thuế nhập khẩu tương tự đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, từ nông nghiệp và thủy sản đến xe hơi và các sản phẩm năng lượng. Kết quả các cuộc đàm phán mà hai bên đã đạt được trước đây cũng không còn phù hợp.
Bờ vực chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Mặc dù hy vọng rằng điều tồi tệ nhất vẫn có thể tránh được, lịch sử của những năm 1930 và cuộc Đại khủng hoảng sau đó đã cho thấy, các cuộc chiến thương mại có thể để lại những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng không chỉ ở các nước tham chiến mà còn là toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. IMF đã cảnh báo rằng thuế nhập khẩu mới gây tranh cãi của ông Trump gây ra một mối đe dọa rõ rệt cho hệ thống thương mại toàn cầu và cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ.
Xoay chuyển chiến tranh thương mại
Khi thế giới đang nhích gần hơn tới một cuộc chiến thương mại, dù vậy, vẫn còn hi vọng dừng cương trước bờ vực. Một số nỗ lực đã được thực hiện để đưa tình hình cải thiện theo hướng tích cực hơn. Ví dụ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thông báo sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 và các thống đốc ngân hàng trung ương tại Canada rằng: “Chúng tôi vẫn còn vài ngày để thực hiện các bước đi cần thiết nhằm tránh một cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ, và để tránh một cuộc chiến thương mại giữa các thành viên G7. ”
Các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại không lãng phí thời gian trong việc đưa ra phản đối mạnh mẽ nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại và chỉ ra bằng chứng rằng không ai giành chiến thắng từ một diễn biến như vậy. Mark Zandi, một nhà kinh tế trưởng tại đơn vị nghiên cứu Analytics của Moody, cho rằng, chỉ tính riêng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nó sẽ làm mất đi 190.000 việc làm của người Mỹ. Hơn nữa, thuế quan của ông Trump gây ra sự lo lắng trong số các khu vực bầu cử của Mỹ, cụ thể là những người trồng lúa mì.
Hàng năm, Mỹ sản xuất khoảng 60 triệu tấn lúa mì với gần một nửa trong số đó được dành cho xuất khẩu. Thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ chắc chắn sẽ không tốt cho những nông dân này, đặc biệt là khi mùa thu hoạch bắt đầu.
Trước những tình hình này, có lẽ Washington và các quốc gia khác có thể xoay xở để tránh chiến tranh thương mại bằng ngoại giao chuyên nghiệp.
Hoa Kỳ có thể cần nhận ra những hậu quả phi thương mại từ chính sách thuế quan gần đây của mình như khiến các đồng minh- những bên Washington cần tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng - xa lánh. Và có lẽ áp lực và sự phản đối kịch liệt từ nông dân Mỹ hoặc cử tri cuối cùng có thể đến được với Tổng thống Trump và thay đổi suy nghĩ của ông. Nếu điều này diễn ra, thế giới một lần nữa có thể thở một hơi thở nhẹ nhõm.
Từ thuế quan sang hạn chế đầu tư
Trong trường hợp một cuộc chiến tranh thương mại không xảy ra, nền kinh tế thế giới vẫn thực sự yên ổn. Các nguy cơ trong tương lai vẫn có thể đến từ các hạn chế của Mỹ đối với đầu tư quốc tế giữa họ và các nền kinh tế khác. “Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro đầu tư” (FIRRMA) đã lần lượt được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua ngày 22 và 24/5 vừa qua. Đạo luật có thể sẽ mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) - một ủy ban liên ngành có nhiệm vụ xem xét các giao dịch có thể dẫn đến việc đối tác nước ngoài mua lại các doanh nghiệp Mỹ và xác định ảnh hưởng của chúng đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Đạo luật này được đưa ra chủ yếu là do Washington muốn ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp quản các công ty Mỹ và tiếp cận với công nghệ của Mỹ, điển hình như việc CFIUS ngăn cản tập đoàn Broadcom đặt tại Singapore thâu tóm hãng sản xuất chip Qualcomm của Mỹ hồi vào tháng 3 vì lí do an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các trường hợp mua lại trong các ngành khác sẽ không nằm trong sự giám sát của cơ chế này trong tương lai. Trong ngắn hạn, CFIUS có thể đánh giá hoặc thậm chí chặn đầu tư nước ngoài đến từ các nước khác vào Mỹ.
Chiến tranh đầu tư?
Nếu Washington bắt đầu gia tăng chặn đầu tư nước ngoài vào Mỹ, các quốc gia khác có thể trả đũa và thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chiến đầu tư có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ở mức độ lớn. Do nguồn vốn là một yếu tố cần thiết cho việc mở rộng và tăng cường thêm mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia, cuộc chiến đầu tư này cuối cùng sẽ làm suy yếu và gián đoạn hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Nói cách khác, đầu tư trước tiên phải được diễn ra để thiết lập các cơ sở sản xuất ở một số địa điểm và sau đó cho phép các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia hoạt động. Nếu dòng vốn không được lưu thông do các quy tắc và quy định chặt chẽ hơn, nó sẽ làm suy yếu mạng lưới sản xuất và thương mại giữa Washington và các nước khác trên thế giới.
Đặt sóng gió về thuế sang một bên, Mỹ đang có một công cụ khác mà trong tương lai có thể được sử dụng chống lại cả đồng minh và kẻ thù của họ. Thế giới có thể phải tự chống chọi một lần nữa trước một nguy cơ leo thang thương mại khác.