(Tổ Quốc) - Không trực tiếp đề cập tới, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn là một chủ đề nóng trong kỳ họp Chính Hiệp vừa khai mạc tại Bắc Kinh.
Chiều 3/3, Kỳ họp lần thứ hai, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp) đã chính thức khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Phát biểu lễ khai mạc, Chủ tịch Chính Hiệp Uông Dương đã nhấn mạnh những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng từ đối thủ Mỹ.
Kỳ họp lần thứ hai, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp) chính thức khai mạc vào ngày 3/3 (ảnh: SCMP)
"Chúng ta thích ứng bản thân với những thay đổi tình huống và thời đại, nâng cao cảnh giác về những nguy cơ tiềm tàng và quan ngại có thể xảy ra, hiểu rõ tất cả các khía cạnh của sự ổn định, đồng thời tăng cường các biện pháp để đạt được tiến bộ", ông Uông nói trước hơn 2.000 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, mặc dù bản báo cáo hàng năm của Chủ tịch Chính Hiệp không đặc biệt đề cập tới cuộc chiến thương mại, nhưng có thể thấy, những căng thẳng giữa hai nền kinh tế hiện hữu trong bài phát biểu, cũng như giữa các cuộc nói chuyện của các đại biểu bên lề sự kiện.
Ông Uông cũng liệt kê việc "dứt khoát phản đối sự độc lập của Hong Kong" trong báo cáo, cam kết hoàn toàn thực thi nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Ông còn kêu gọi thống nhất và đoàn kết nhiều hơn trong năm 2019 – một năm được coi là khá "nhạy cảm" về mặt chính trị khi đánh dấu 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và 30 năm sự kiện Thiên An Môn.
Chính Hiệp đồng thời tìm cách đóng góp vào chính sách đối ngoại Trung Quốc thông qua việc hỗ trợ các chuyến thăm cấp cao, trao đổi văn hóa và tổ chức các sự kiện, bao gồm bàn đàm phán Trung Quốc – EU, hội nghị "Một vành đai, một con đường" và hội nghị quốc tế về Đối thoại Hòa bình giữa các tôn giáo…
Những điều trên được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hợp tác sáng tạo với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" – tham vọng gây tranh cãi của Trung Quốc về thương mại toàn cầu và chiến lược hạ tầng cơ sở. Ông Uông khẳng định, với nhiều đại biểu sở hữu kinh nghiệm quốc tế, Chính Hiệp sẽ giúp thu hút các tài năng người Hoa ở nước ngoài và kể những câu chuyện về Trung Quốc tới phần còn lại của thế giới.
Hơn 2.000 đại biểu tham gia Chính Hiệp 2019 (ảnh: SCMP)
Chia sẻ bên lề phiên họp, đai biểu Yu Minhong có đề cập tới cuộc chiến thương mại, và cho rằng, nó sẽ chỉ "đem lại điều tốt cho Trung Quốc" trong dài hạn, bất kể tiến triển ra sao.
Nhà sáng lập của Quỹ giáo dục Phương Đông mới nhận định, các căng thẳng thương mại sẽ buộc Trung Quốc phải cải cách trong khi Washington không ngừng thúc đẩy Bắc Kinh cam kết có các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn và cải thiện cơ chế thị trường.
"Rõ ràng, cuộc chiến thương mại sẽ đem lại khó khăn và không chắc chắn cho Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, đó không phải là một điều xấu", ông Yu đánh giá.
Zhu Dingzhen, đại diện của Hiệp hội Khí tượng học Trung Quốc cho hay, bất đồng thương mại sẽ khiến Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào phát triển khoa học kỹ thuật của riêng mình. Điều này phù hợp với nhận định chung của giới khoa học nước này rằng, "công nghệ quan trọng như bát cơm cho sự tồn vong của Trung Quốc".
Rõ ràng, cuộc chiến thương mại sẽ đem lại khó khăn và không chắc chắn cho Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, đó không phải là một điều xấu.
Yu Minhong
Một đại biểu khác, Shi Ke, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Giang Tây chỉ ra, sự cạnh tranh công nghệ là trung tâm của tranh chấp.
"Điểm chính của cuộc chiến công nghệ chính là Mỹ không hài lòng với Trung Quốc trong vai trò của một siêu cường đang trỗi dậy, đặc biệt là công nghệ Trung Quốc và chiến dịch 'Made in China 2025'", ông Shi cho biết. "Trung Quốc từ trước tới nay là một quốc gia sản xuất lớn. Chúng ta phải tập trung hơn vào các nghiên cứu khoa học tiến tới giai đoạn sau, và không gì có thể ngăn cản Trung Quốc với chương trình 'Made in China 2025'".
Quan hệ Trung Quốc và Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi hai nước bị xoáy vào cuộc chiến thương mại từ tháng 7 năm ngoái. Mặc dù tuần trước Washington đã đề xuất hoãn thực thi kế hoạch tăng thuế vào hạn chót 1/3; và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng này tại Florida nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại, cuộc tranh chấp vẫn để lại những ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế Trung Quốc. Tờ SCMP trích dẫn một số dữ liệu cho thấy, trong tháng Hai, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017, và số lượng đơn hàng xuất khẩu cũng thấp đi đáng kể.
Đáng chú ý, cũng theo tờ báo Hong Kong, một số đại biểu của Chính Hiệp tỏ ra né tránh khi được hỏi về tác động của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế Trung Quốc và chính sách tỷ giá đồng NDT.
Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc là cơ quan hiệp thương và tham vấn cao nhất của Trung Quốc. Thành phần gồm đại biểu của Đảng cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, nhân sĩ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc thiểu số và các tầng lớp xã hội, đại biểu đặc khu hành chính Hong Kong, Macao, đại diện đến từ Đài Loan, đại biểu Hoa kiều và các nhân sĩ đặc biệt được mời, đại diện cho các tầng lớp trong xã hội.
Dự kiến, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc 2019 sẽ kéo dài 11 ngày và bế mạc vào sáng ngày 13/3 sắp tới.