(Tổ Quốc) - Trong khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga liên tục leo thang, thì có một nơi đáng ngạc nhiên quân sự hai bên vẫn giữ liên hệ là xung đột Syria.
Trong khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga liên tục leo thang, thì có một nơi đáng ngạc nhiên hai bên vẫn giữ các mối quan hệ quân sự để ngăn chặn cơn bão: xung đột Syria.
Đã bốn tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa hành trình vào một căn cứ quân sự Syria sau khi cáo buộc chính quyền nước này thực hiện tấn công hóa học vào người dân.
Dù vậy, lực lượng quân sự Mỹ và Nga vẫn thường xuyên liên lạc, các quan chức Mỹ nói với Reuters. Các hoạt động này đã giúp vạch ranh giới trên bản đồ để các lực lượng do Mỹ và Nga hậu thuẫn tiến hành các chiến dịch song hành trên nhiều vùng chiến địa tại Syria.
Xung đột 7 năm qua tại Syria đã diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phe phái liên quan. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài ra, còn có một đường dây điện thoại nóng kết nối các trung tâm hoạt động không quân của hai bên. Các quan chức Mỹ nói với Reuters rằng có khoảng 10 đến 12 cuộc gọi mỗi ngày bằng đường dây nóng, hỗ trợ máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và Nga hoạt động suôn sẻ khi hai bên ủng hộ nhiều lực lượng khác nhau ngoài thực địa.
Đây không phải là một nhiệm vụ nhỏ, do sự phức tạp của cuộc nội chiến ở Syria. Moscow ủng hộ chính phủ Syria – cũng đang nhận được sự ủng hộ của Iran và Hezbollah của Lebanon trong khi quân đội Hoa Kỳ đang hỗ trợ liên minh lực lượng người Kurd và Ảrập.
"Thực tế là chúng tôi đã làm việc để vượt qua một số vấn đề rất khó khăn. Về tổng thể, chúng tôi đã tìm ra cách để duy trì liên lạc giảm xung đột (tách biệt các khu vực hoạt động của Hoa Kỳ và Nga) và tìm ra cách để tiếp tục nhiệm vụ của chúng tôi", Trung tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh Không lực Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Phòng tránh va chạm gia tăng
Trong khi cả hai bên đang cố khẳng định quyền kiểm soát sau khi IS dần bị đánh bại, nguy cơ xảy ra các va chạm bất ngờ đang gia tăng.
"Chúng tôi phải thương lượng, và đôi khi các cuộc điện đàm rất căng thẳng. Bởi vì đối với chúng tôi, đây là vấn đề về việc bảo vệ chính mình, đối tác liên minh của chúng tôi và tiêu diệt kẻ thù", Harrigian nói.
Những nguy cơ về tính toán sai lầm đã được đặt ra trong tháng 6, khi Mỹ bắn rơi một chiếc máy bay Su-22 của Syria khi đang chuẩn bị tấn công các lực lượng do Mỹ hỗ trợ trên chiến trường.
Các quan chức Mỹ, nói với điều kiện giấu tên, cho biết đây không phải là máy bay duy nhất trong vụ việc trên. Khi sự cố xảy ra, có hai chiếc máy bay chiến đấu của Nga bao quát tình hình từ phía trên và thêm một chiếc máy bay tàng hình F-22 của Hoa Kỳ cũng đang hiện diện từ một độ cao cao hơn, họ nói với Reuters.
Sau vụ việc, Moscow cảnh báo công khai rằng sẽ coi bất kỳ máy bay nào bay trên vùng trời phía tây sông Euphrates là mục tiêu. Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục triển khai máy bay trong khu vực, và tiếp tục giữ liên lạc với Nga.
"Người Nga rất chuyên nghiệp, tích cực và có kỷ luật", Trung úy Stephen Townsend của quân đội Mỹ - chỉ huy của liên minh Mỹ dẫn đầu tại Iraq, nói với Reuters.
Ranh giới tại Euphrates
Ở Syria, các lực lượng do Mỹ hỗ trợ hiện đang tập trung vào cuộc chiến giành lại được thành trì của IS tại Raqqa. Hơn một nửa thành phố đã bị tước khỏi tay IS.
Các quan chức cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để mở rộng một đường phân định ranh giới trải dài qua sông Euphrates và nối tới Deir al-Zor – ngăn cách hoạt động của các lực lượng do Nga và Mỹ trên chiến trường trong cuộc chiến chống IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, trong chuyến thăm Jordan tuần này, cho biết đường phân định này rất quan trọng khi các lực lượng được Mỹ và Nga hỗ trợ ngày càng hoạt động gần sát nhau hơn.
"Chúng tôi không làm điều đó (giao tiếp) với chế độ (Syria). Người Nga mới là đối tượng chúng tôi đang bắt tay giải quyết vấn đề", ông Mattis nói. "Chúng tôi tiếp tục tiến trình trên ngay tại hạ nguồn Thung Lũng sông Euphrates."
Một trong những chiến trường nóng bỏng tại Syria hiện nay là Deir al-Zor - nơi tài nguyên dầu của nó là một yếu tố quan trọng đối với nhà nước Syria.
Tỉnh này hiện phần lớn nằm trong tay IS và đã trở thành mặt trận ưu tiên cho các lực lượng thân cận chính quyền Syria. Đồng thời, lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hỗ trợ cũng đang nhắm tới khu vực này.
Người phát ngôn SDF Talal Silo nói với Reuters tuần trước rằng sẽ có một chiến dịch SDF hướng tới Deir al-Zor "trong tương lai gần", mặc dù SDF vẫn đang quyết định liệu nó có bị hoãn hay không cho đến khi Raqqa đã được lấy lại hoàn toàn khỏi tay IS.
(Theo Reuters)