• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến trường Syria: Loạt siêu cường rầm rộ đọ sức

Thế giới 21/02/2018 09:48

(Tổ Quốc) - Mỹ, Nga, Ảrập Xêút, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đang biến Syria thành sân khấu của cuộc chiến ủy nhiệm mới. 

Cuộc khủng hoảng Syria xuất hiện bước ngoặt lớn với sự biến động trên chiến trường hồi cuối năm 2017 đánh bật lực lượng của Nhà nước Hồi giáo IS. Nhưng việc phân chia “chiếc bánh” Syria đang được triển khai một cách rầm rộ thành cuộc đọ sức giữa các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nga, và các nước lớn trong khu vực như Ảrập Xêút, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel... 

Chiến sự ở Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 21/1 - ngày thứ hai của chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tấn công Các Đơn vị vũ trang Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Các binh lính Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự yểm hộ của chiến đấu cơ và xe tăng hạng nặng đã vượt biên giới miền Bắc Syria, tiến vào khu vực Afrin do YPG kiểm soát và đe dọa sẽ đánh tiếp xuống Manbij, nơi YPG được một lực lượng Mỹ chống lưng. Thổ Nhĩ Kỳ có ý định thiết lập một khu vực an toàn sâu khoảng 30km bên trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng bộ binh nước này tham gia chiến dịch tấn công bên trong lãnh thổ Syria. 

 Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Quân đội  Syria Tự do (FSA) tiến công Afrin và đánh bật lực lượng người Kurd PYD tại một khu vực giáp biên giới Thổ giáp Manbij do PYD kiểm soát có lực lượng Mỹ hỗ trợ.

Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, YPG lại được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, có vai trò tham gia đánh bật tổ chức IS ra khỏi các căn cứ địa tại Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng YPG đang tận dụng chiếc ô an ninh của Mỹ để thiết lập một khu vực tự trị hoặc một nhà nước độc lập dọc tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đóng vai trò đắc lực cho chiến lược của Mỹ thời kỳ “hậu IS” tại Syria.

Điệu kèn hòa bình của Nga ngập ngừng

Nga có thể đã đánh giá quá cao sức hấp dẫn của sáng kiến hòa bình khi mời 1.500 đại biểu từ các nơi đổ về thành phố Sochi của Nga, được nước này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, để dự hội nghị đối thoại dân tộc Syria trong hai ngày 29 và 30/1. Nga hy vọng hội nghị này là một trong những bước đi đầu tiên để tạo nền tảng cho các cuộc hòa đàm thực sự cho Syria, nhưng đã thiếu vắng một nhân tố chủ chốt là Mỹ. Phe đối lập Syria thân phương Tây cũng không tham dự hội nghị.

 Quân đội Syria tham chiến để chặn bước tiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Các nước phương Tây và một số nước Ảrập tin rằng, Hội nghị Sochi là nỗ lực nằm tạo ra một tiến trình hòa bình riêng rẽ, hòng làm suy yếu các nỗ lực của Liên Hợp Quốc và đặt nền tảng cho một giải pháp có lợi hơn cho chính quyền của al-Assad, được Nga, Iran chống lưng, kiểm soát miền Trung và miền Nam Syria.

Ngày 19/2, tại Moskva, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để thảo luận tình hình khu vực Trung Đông, trong đó có hợp tác giữa hai bên tại Syria. Nga dường như đã rút các lực lượng của mình tại các khu vực chiến sự ở miền Bắc Syria.

Mỹ dường như đang lao vào một cuộc phiêu lưu mới

Kế hoạch ngân sách năm 2019 vừa được Mỹ công bố có khoản chi tiêu triển khai một lực lượng khoảng 6.000 binh sĩ nằm trong liên minh chống IS tại Iraq và Syria.

Mỹ vẫn đang âm thầm củng cố lực lượng quân sự tại Đông và Bắc Syria lấy nòng cốt là các tay súng người Kurd và Arập, đóng trên một khu vực rộng lớn giành được từ tay IS. Lực lượng ủy nhiệm này của Mỹ xuất hiện trên dải đất kéo dài từ phía Đông sông Euphrates xuống phía Nam hướng sang biên giới Iraq.


Ngày 19/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu rằng quân đội Mỹ cần rút khỏi khu vực Al-Tanf thuộc lãnh thổ Syria, nơi Mỹ đơn phương tuyên bố nằm dưới sự bảo hộ của họ. Khu vực này nằm ở phía nam Syria, giáp giới với Jordan và Iraq, có trại tị nạn Rukban.

Sự hiện diện của Mỹ đã trấn an các đồng minh Saudi Arabia và Israel, vốn ủng hộ lực lượng Mỹ đồn trú lâu dài trong khu vực, nhưng sẽ làm gia tăng khả năng chia cắt Syria. 

Chính quyền Ankara lo ngại Mỹ sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với người Kurd. Còn với giới chức Mỹ và một số quốc gia vùng Vịnh, vấn đề chính tại Trung Đông là ngăn chặn Iran bằng mọi giá.

Israel cùng với Mỹ đang tạo ra cục diện 3.0 tại Trung Đông

Cục diện 2.0 kết thúc với việc IS cơ bản bị đánh bại trên chiến trường Syria và Iraq. Máy bay chiến đấu của Irasel hiện nay hoạt động trong lãnh thổ Syria đánh phá các lực lượng thân Iran áp sát biên giới Israel và thâm nhập vào Liban tiếp tế cho lực lượng vũ trang Hezbollah – tử thù của Israel. Israel tuyên bố quyết tâm thực quyền tự do hành động để tự vệ.

Hiện nay, Israel cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đều tranh thủ Nga. Moscow có thể kiềm chế cho đến trước cuộc bầu cử tổng thống tại Nga vào tháng 3 sắp tới.

Chiến trường Syria đang chứng kiến cuộc đấu giữa các cường quốc và cuộc chiến này sẽ không thể chấm dứt trong một vài năm tới./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ