(Tổ Quốc) - Hàn Quốc đang nhanh chóng leo lên vị trí cao trong số các nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới nhờ khả năng tập trung giải quyết thách thức an ninh đặc thù mà các bên mua hàng tiềm năng đang phải đối mặt, theo đánh giá của Nikkei Asia.
Theo báo cáo của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của nước này đã tăng gấp đôi vào năm 2021 lên 7 tỷ USD. Họ dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD trong 2022, gần gấp ba con số so với năm 2020.
Liên tiếp các đơn hàng trong 2 năm qua
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Ba Lan, quốc gia giáp biên giới với Ukraine, cho biết họ sẽ mua khoảng 1.000 xe tăng K2, hơn 600 pháo K9 và các thiết bị quân sự khác từ Hàn Quốc. Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc ước tính thương vụ này trị giá ít nhất 10 nghìn tỷ won (7 tỷ USD). Nước này cũng đã ký hợp đồng cho số hàng đầu tiên vào tháng 8.
Các khẩu pháo K9 của tập đoàn Hanwha, được biết đến với tầm bắn, tốc độ bắn và khả năng cơ động, đã được những người mua ở nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Australia quyết định mua hệ thống này vào năm 2021, tiếp theo là Ai Cập vào năm 2022. Phần Lan và Estonia cũng đã tiếp cận hệ thống này.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, các lô hàng vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 180% so với 5 năm trước đó, đưa quốc gia này lên vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới, tăng bật lên từ vị trí thứ 14.
Xuất khẩu vũ khí của Seoul không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn về chủng loại. Hàn Quốc đã giành được hợp đồng bán tên lửa đất đối không cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và đang tự phát triển mẫu máy bay chiến đấu đầu tiên, được sản xuất chung với Indonesia. Những thỏa thuận như vậy có thể nâng cao khả năng phát triển và sản xuất thiết bị quốc phòng của Hàn Quốc và góp phần đảm bảo an ninh của chính nước này.
Thành công của Hàn Quốc bắt nguồn từ việc phân tích kỹ lưỡng các thách thức về an ninh, tài chính và cấu trúc công nghiệp vũ khí của bên mua hàng, từ đó điều chỉnh cách giới thiệu sản phẩm khi cần thiết. Hàn Quốc có thể đề nghị hợp tác sản xuất vũ khí với một công ty địa phương hoặc đề nghị bán thiết bị cũ rẻ hơn. Họ cũng hướng tới đạt được các thỏa thuận đi kèm với hỗ trợ kinh tế.
Một báo cáo về xuất khẩu vũ khí do Ngân hàng Korea Eximbank công bố vào tháng 6 cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách tiếp cận đặc biệt này. Ví dụ, Hàn Quốc sẽ tìm hiểu rõ việc Ấn Độ muốn giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga trong khi Philippines muốn có thêm tàu để gia tăng an ninh trên Biển Đông.
Xuất phát từ nhu cầu trong thế kỷ 20
Kotaro Ito, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, cho biết lịch sử phát triển vũ khí của Hàn Quốc bắt nguồn từ hậu Thế chiến thứ hai.
Ông nói: "Mỹ đã không cung cấp vũ khí mạnh mẽ cho Hàn Quốc và điều đó giải thích cho việc Triều Tiên đã giành được phần nào lợi thế trong cuộc chiến liên Triều. Ngay cả sau chiến tranh, Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp vũ khí cho Seoul vì lo ngại có thể leo thang căng thẳng trên bán đảo này".
Lo ngại về sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào lực lượng Mỹ, Tổng thống khi đó là Park Chung-hee vào những năm 1970 đã thúc đẩy nước này bắt đầu phát triển tên lửa và súng trường của riêng mình. Seoul đã có khả năng sản xuất xe tăng và tàu hải quân vào những năm 1980. Hàn Quốc sau đó đã chuyển hướng sang thị trường nước ngoài trong những năm 2000 nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình ngay cả khi nhu cầu trong nước giảm.
Washington đang theo dõi sát sao những tiến bộ của Seoul. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hồi tháng 5 đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác song phương trong chuỗi cung ứng quốc phòng. Hai bên dự kiến sẽ hợp tác với nhau về xe tăng và các loại vũ khí thông thường khác, thay vì vũ khí tối tân như loại tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ phát triển cùng các đối tác trong liên minh AUKUS với Australia và Anh.
Hiện tại, việc củng cố chuỗi cung ứng quốc phòng của phương Tây là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc và Nga. Washington trông đợi vào Hàn Quốc để giúp bù đắp cho những hạn chế của họ.
"Chúng ta có thể thấy rằng lực lượng thiết giáp và pháo binh có tầm quan trọng lớn trên chiến trường", Phó Thủ tướng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói. Ba Lan và các quốc gia khác gần Ukraine đang quan sát mức độ hiệu quả của các loại vũ khí thông thường khi sử dụng trên bộ và hiện nhu cầu về vũ khí của Hàn Quốc đang tăng lên.