• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký hàng loạt thương vụ lớn, vũ khí Hàn Quốc hút khách châu Âu

Thế giới 09/09/2022 20:02

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, các tập đoàn Hyundai, Hanwha, KAI đã giành được đơn đặt hàng vũ khí Ba Lan và cũng đang dành được sự quan tâm của nhiều nước lớn khác.

Thị trường vũ khí châu Âu đã bị rung chuyển bởi một kẻ mới gia nhập vào tháng Bảy năm nay. Trong khi hãng Krauss-Maffei Wegmann của Đức đang quảng bá bản xe tăng nâng cấp cho các đồng minh châu Âu thì Ba Lan tuyên bố đã ký một thỏa thuận với Hyundai Rotem của Hàn Quốc.

Nhanh chóng vươn lên trong ngành công nghiệp vũ khí

Động thái này gây ngạc nhiên vì đây là thương vụ mua sắm vũ khí lớn thứ hai của một thành viên NATO với một nhà cung cấp bên ngoài khối. Vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua một hệ thống phòng không từ Nga và dấy lên sự phản đối lớn từ khối này.

Còn hiện tại Ba Lan thông báo họ mua 1.000 xe tăng K2 Black Panther từ Hyundai Rotem, một công ty con về quốc phòng của Hyundai Motor Group. Hyundai Rotem sẽ cung cấp sớm 180 xe bọc thép, được biết đến với khẩu pháo nòng trơn 120 mm mạnh mẽ, hệ thống tự động nạp đạn và tốc độ pháo bắn ra lên tới 70 km/h. Và phần còn lại sẽ được đóng tại Ba Lan từ năm 2026.

Thỏa thuận này cho thấy cách các công ty quốc phòng Hàn Quốc đang mở rộng thị trường ở châu Âu, nơi chi tiêu quân sự đang tăng lên sau khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra. Giờ đây Hàn Quốc không chỉ là quê hương của nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới Samsung Electronics mà còn đang đánh dấu sự hiện diện dần dần trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu khi nhiều công ty của họ đã đạt được các hợp đồng cao cấp với Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hay Australia.

Có thể nói việc luôn chịu đe dọa từ Triều Tiên và quá trình hợp tác quốc phòng với đồng minh Mỹ đã thúc đẩy Hàn Quốc phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến. Hiện tại thương vụ vũ khí với Ba Lan của Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm thuận lợi: Warsaw đang tìm kiếm các mẫu xe tăng mới. Người Ba Lan đã xem xét xe tăng Leopard 2 của hãng Krauss-Maffei Wegmann, một trụ cột trong lực lượng xe tăng NATO châu Âu nhưng quá trình này đã bị trì hoãn trong một thời gian dài. Và giờ đây số lượng xe tăng trong thỏa thuận với Hàn Quốc vượt xa con số trong hợp đồng mà Warsaw đã ký hồi tháng 4 với Mỹ để mua 250 xe tăng M1A2 Abrams.

Ký hàng loạt thương vụ lớn, vũ khí Hàn Quốc hút khách châu Âu - Ảnh 1.

Mẫu xe tăng K2 của Huyndai Rotem đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước châu Âu. Ảnh: Hyundai Rotem.

Các nhà phân tích cho rằng điểm thu hút chính của thỏa thuận với Hàn Quốc, bao gồm các loại vũ khí khác, là triển vọng chuyển giao công nghệ có thể cho phép Ba Lan trở thành một trung tâm sản xuất vũ khí của châu Âu.

"Hệ thống vũ khí của Hàn Quốc hấp dẫn nhất về công nghệ, giá cả và thời gian", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết vào tháng 7 khi ông ký hợp đồng mua cả 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do KAI và Lockheed Martin phát triển, 672 xe pháo tự hành K9 Thunder của công ty Hanwha Defense.

Về phần mình, Hyundai Rotem cho rằng thành công của họ là nhờ vào sự kiên nhẫn và chất lượng của các sản phẩm.

"Chúng tôi đã trao đổi với Ba Lan trong một thời gian dài về dự án xe tăng mới", Hyundai thông tin với Nikkei Asia trong một email. "Vào năm 2020, chúng tôi đã đề xuất mẫu xe K2PL được điều chỉnh cho Ba Lan. Chúng tôi luôn tin rằng chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận này bằng cách xây dựng lòng tin cũng như công nghệ và chất lượng của xe tăng K2".

Đơn giá mà Ba Lan trả cho K2 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng truyền thông Đức trích dẫn các nguồn giấu tên đưa ra mức 13 triệu euro (13 triệu USD) so với 19 triệu euro cho đơn hàng mua mẫu Leopard 2 mới nhất của Krauss-Maffei Wegmann.

K2 có hệ thống tự bảo vệ chống lại tên lửa và động cơ 1.500 mã lực mạnh mẽ và phù hợp với trọng lượng 55 tấn của nó. Hyundai Rotem cũng cho phép khách hàng thực hiện các nâng cấp cụ thể. Trong khi đó, những chiếc FA-50 sẽ được chuyển giao từ năm sau để thay thế dần các máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan từng được Liên Xô chế tạo.

Hàng loạt thị trường tiềm năng

Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết: "K2 đang nổi lên như một lựa chọn đáng để xem xét và có khả năng là bất kỳ hoạt động mua sắm xe tăng nào trong tương lai cũng sẽ dùng tới những chiếc K2 được sản xuất tại Ba Lan."

Wezeman cho biết, nằm trong danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận K2 là Hy Lạp, quốc gia cảm thấy hạm đội xe tăng cũ của mình không còn phù hợp. Italy cũng là một thị trường lớn cho K2. Theo Wezeman, Romania, Bulgaria và Slovakia cũng có thể mua với số lượng nhỏ hơn.

Na Uy có thể là thị trường tiếp theo đưa ra quyết định quan trọng vì nước này hiện có một hạm đội xe tăng bao gồm 52 chiếc Leopard 2 bản cũ. Giống như người Ba Lan, người Na Uy phải quyết định xem có nên mở rộng và nâng cấp hạm đội hiện có hay lựa chọn mẫu mới là K2, vì đây là hai lựa chọn duy nhất. Vào tháng 1, những chiếc Leopard 2 và K2 mới được cho là đã đến Na Uy để tiến hành các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thời tiết mùa đông.

Wezeman cho biết: "Trong số tất cả các quốc gia này, chỉ Ba Lan có một khu liên hợp công nghiệp quân sự lớn và người Ba Lan đang có tham vọng chuyển từ sản xuất theo giấy phép chỉ để phục vụ cho lực lượng của họ sang sản xuất K2 để xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu khác. Xa hơn trong tương lai, Ba Lan cũng có khả năng sử dụng kinh nghiệm phát triển K2 để phát triển xe bọc thép mới cho thị trường nội địa và xuất khẩu."

Hyundai Rotem từ chối bình luận về việc chuyển giao công nghệ và không bình luận gì về bất kỳ cuộc đàm phán đang diễn ra nào liên quan tới K2 với lý do bảo mật. Tuy nhiên, họ thừa nhận có nhiều người mua tiềm năng. "Chúng tôi chỉ có thể nói rằng nhiều quốc gia có kế hoạch mua xe tăng mới và chúng tôi đang tích cực nỗ lực để xuất khẩu chúng", Huyndai cho hay.

Các công ty Hàn Quốc cũng không đưa tất cả trứng vào giỏ châu Âu. Vào tháng 1, công ty LIG Nex1 thông báo họ đã ký một thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD với UAE để bán hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm trung M-SAM II. Trong khi đó, Hanwha Defense cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 930 triệu USD vào tháng 12 với Australia để xây dựng một nhà máy sản xuất lựu pháo ở Geelong thuộc bang Victoria.

Hàn Quốc cho biết việc trở thành một nhà cung cấp vũ khí toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước này. "Thành công trong ngành công nghiệp quốc phòng chính là thành công cho các tập đoàn tư nhân và ngược lại", Jang Young-jin, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, cho biết trong chuyến thăm tháng trước đến nhà máy Asan của Hanwha Aerospace- công ty mẹ của Hanwha Defense.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ