(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hiện nay, những quy định về kinh doanh vận tải đường bộ đang tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng...khiến nhiều doanh nghiệp không thể cạnh tranh, dẫn tới nguy cơ phá sản.
Trong những năm qua Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Tổng cục Đường bộ…đã xây dựng rất nhiều các văn bản pháp luật về kinh doanh vận tải đường bộ nhưng trong quá trình thực hiện lại liên tục phải sửa đổi, điều chỉnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đang đứng ở thế “lưỡng nan” không biết phải đầu tư tiếp hay chờ “quy định”, đầu tư hay phá sản…Sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp làm ăn “chộp giật” đang đẩy các doanh nghiệp vận tải đường bộ bước vào nguy cơ phá sản hàng loạt….
Chính quy định buộc doanh nghiệp phải lách luật
Tại hội thảo về Cơ chế quản lý vận tải đường bộ từ góc độ doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30/8, ông Đặng Thế Phương – phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, hiện nay các doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng đang gặp phải tình trạng thu không đủ bù cho chi phí.
“Thời kỳ 2013, 2014 các doanh nghiệp vận tải của chúng tôi đầu tư các phương tiện để chở hàng theo đúng quy định trọng tải của Bộ Giao thông - Vận tải nhưng hiện nay lại rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, tức là phải 6 -7 năm nữa doanh nghiệp không đầu tư mới phương tiện thì mới có thể hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường được”, ông Phương cho biết.
Ông Đặng Thế Phương – phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng |
Cũng theo ông Đặng Thế Phương, sở dĩ có tình trạng này là do các doanh nghiệp vận tải chân chính, hoạt động theo đúng trọng tải quy định của Bộ thì không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp “cố tình” chở quá trọng tải...
“Một phương tiện của chúng tôi hiện nay theo quy định chỉ chở được ba mươi tấn, trong khi đó các đơn vị chở quá tải chở tới sáu - bảy mươi tấn, thậm chí một trăm tấn…Chúng tôi mong rằng các Bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, có ra các chính sách về vận tải thì phải phù hợp với thực tiễn và được cộng đồng doanh nghiệp vận tải đón nhận, tránh ra các văn bản, chính sách kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, ví dụ như Nghị định 86 hiên nay", ông Đặng Thế Phương nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng kiến nghị cần kiểm soát vấn đề tải trọng nghiêm túc và thường xuyên, bởi hiện nay ở nhiều địa phương việc quản lý tải trọng này gần như không được thực hiện.
Ông Đặng Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty Phú Đông – Hãng taxi Thành Lợi cho rằng, chính các quy định hiện nay về vận tải đã khiến các doanh nghiệp buộc phải lách luật, nếu không thì không thể tồn tại được.
Cụ thể, ông Đặng Tuấn Anh cho hay, theo quy hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải thì từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội không được phép phát triển số lượng xe nhằm đảm bảo giao thông, chống ùn tắc. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhu cầu đi lại của người dân thủ đô bằng taxi không ngừng gia tăng khi mà các chung cư, khu đô thi mọc lên ngày càng nhiều.Thêm nữa, loại hình xe hợp đồng (Uber, Grab) phát triển ồ ạt mà gần như không phải chịu sự quản lý…Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm cách lách luật như liên hệ với các địa phương để xin cấp phù hiệu, có được giấy phép kinh doanh vận tải sau đó vòng trở lại Hà Nội để hoạt động.
“Đây là sự cạnh tranh không công bằng, khi mà các doanh nghiệp taxi truyền thống chịu sự quản lý, giằng buộc của các yếu tố rất chặt, cả về phương tiện cũng như nghĩa vụ thuế, bảo hiểm cho người lao động... Còn Uber, Grab lại đang được buông lỏng quản lý…”, ông Đặng Tuấn Anh bức xúc nói.
Đừng nói các doanh nghiệp không thay đổi
(Nguồn: GTVT) |
Trong những năm qua, báo cáo, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải Việt Nam và các hiệp hội đã đề cập rất nhiều về những nỗ lực thay đổi, cố gắng của họ. Việc ứng dụng công nghệ tương tự như Grab (gọi xe, đặt xe, quản lý hành trình, quản lý di chuyển, giá cước…) đồng thời đáp ứng với cơ chế, chính sách của nhà nước như: tích hợp với hộp đen, đồng hồ tính tiền, vé in biên lai… đã và đang được các doanh nghiệp triển khai tích cực.
“Không có doanh nghiệp Việt Nam nào không ý thức được điều đó. Các doanh nghiệp đã và đang tích cực đổi mới”, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) nói.
Theo ông Trương Đình Quý, mọi chính sách hay văn bản, khi ban ra cần phải phù hợp với thực tế. Hiện tại, Grab đang hoạt động như taxi truyền thống nhưng lại không định danh là taxi mà là đơn vị cung cấp phần mềm, là hợp đồng điện tử…Vì vậy Grab đang phát triển một cách “vô tội vạ” nhưng lại được hưởng một cơ chế chính sách thuế, quản lý khác với taxi truyền thống.
"Tôi ngạc nhiên là tại sao tất cả các hội thảo, cũng như các ý kiến đều xuất phát từ quan niệm chứ không xuất phát từ báo cáo thực tiễn, không ai chịu đi sâu vào tìm hiểu thực tiễn cơ sở nó như thế nào…Khuyến khích khởi nghiệp, nhưng đừng để các doanh nghiệp Việt Nam không bao giờ lớn…”, ông Trương Đình Quý nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn trong vận tải và giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu đồng bộ và chưa sát thực tiễn của những quy định, cơ chế quản lý. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nếu muốn các doanh nghiệp tư nhân quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào phát triển giao thông vận tải thì phải chấm dứt tình trạng như hiện nay./.
Vi Phong