(Tổ Quốc) - Những tuần vừa qua xuất hiện một loạt đồn đoán về khả năng Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ buộc phải thực hiện một trong những bước lùi lớn nhất của sự nghiệp là dừng ủng hộ cho dự án hợp tác với Nga xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Theo Financial Times, tin đồn xuất hiện ngay sau khi các bác sỹ tại Đức xác nhận nhà lãnh đạo phe đối lập người Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok. Tuy nhiên, dường như bà Merkel không hề sẵn sàng rời bỏ Nord Stream 2. Lập trường của nhà lãnh đạo Đức về đường ống tỏ ra khá kiên định và cho tới hiện tại, vụ việc Navalny vẫn chưa có ảnh hưởng rõ rệt nào lên kế hoạch. Đáng lưu ý, quyết định của bà Merkel nhận được sự đồng thuận của phần lớn chính giới Đức.
Tuần trước, phe đối lập Đảng Xanh đã kêu gọi chính phủ dừng dự án vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Lãnh đạo Đảng Xanh Annalena Baerbock nói, Nords Stream 2 "đang chia rẽ châu Âu".
Tuy nhiên, hiện bà Baerbock và Đảng Xanh gần như bị cô lập trong vấn đề này. Đây cũng là một trong những dịp hiếm hoi mà Đảng CDU của Thủ tướng Merkel, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng cánh tả Die Linke và đảng cánh hữu AfD cùng nhìn về một hướng.
Chính trị gia đảng SPD, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern, Manuela Schwesig so sánh tầm quan trọng của khí đốt tự nhiên như một "cây cầu nhiên liệu" cho nước Đức khi quốc gia châu Âu từ bỏ các nguồn năng lượng truyền thống. "Chúng ta dự định dừng sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2022 và than vào năm 2038, trong khi vẫn chưa rõ công nghệ năng lượng gió và hydrogen có thay thế được tất cả hay không", bà Schwesig cảnh báo.
Nghị sỹ Jens Koeppen của đảng CDU cho rằng, Nord Stream 2 đã tiêu tốn khoản tiền 10 tỷ euro và hoàn thành tới 97%. "Làm sao có thể để tất cả những thứ đó chôn vùi dưới Biển Baltic?", ông đặt câu hỏi. Còn thành viên Die Linke là Dietmar Bartsch chất vấn Đảng Xanh, tại sao họ không yêu cầu dừng nhập khẩu tất cả dầu mỏ từ Arab Saudi "sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi" hồi năm 2018.
Chính giới Đức đang rơi thế khó. Họ muốn trừng phạt Điện Kremlin về vụ việc Navalny, nhưng cùng lúc họ hiểu rằng, dừng Nord Stream 2 sẽ làm phát sinh những thiệt hại nặng nề cho châu Âu. Nhu cầu sử dụng khí đốt của EU đang gia tăng do các nguồn nhiên liệu nội địa dần kiệt quệ.
Việc rút lại ủng hộ dự án cũng sẽ tác động mạnh tới các nhà đầu tư châu Âu. Tập đoàn Nga Gazprom có thể là bên xây dựng đường ống nhưng một nửa trong chi phí 9,5 tỷ euro là vốn vay từ các nhà đầu tư châu Âu như Royal Dutch Shell, Engie và OMV. Nếu ngừng Nord Stream 2, chính phủ Đức có lẽ sẽ phải bỏ ra hàng tỷ euro tiền bồi thường.
Berlin đang cố gắng tránh bất kỳ động thái nào có thể làm hỏng khuôn khổ pháp lý cho những khoản đầu tư năng lượng lớn. "Không giống như các nước khác, Đức không có công ty năng lượng quốc gia và phải dựa hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty tư nhân", nhà phân tích Kirsten Westphal của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức chỉ ra. "Những công ty này cần có một khuôn khổ pháp lý đáng tin cậy và Berlin biết điều đó".
Cùng lúc, Berlin tiếp tục khẳng định, các vấn đề chính trị - cụ thể là vụ việc Navalny và sự cần thiết phải có được một phản ứng mạnh mẽ từ phía châu Âu – phải được đặt riêng rẽ với các vấn đề kinh tế, trong đó bao gồm cả các dự án hạ tầng cơ sở được đánh giá là trọng yếu cho năng lượng an ninh của châu Âu.
Hồi cuối tháng Tám, không lâu sau khi ông Navalny được đưa tới Berlin để chữa trị, có người đã hỏi Thủ tướng Merkel, liệu Đức có nên từ bỏ Nord Stream 2. Câu trả lời khá rõ ràng: hai vấn đề nên được "tách riêng", bà Merkel nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu nước Đức, Nord Stream 2 nên được hoàn thiện bởi vì nó được vận hành bởi các đơn vị kinh tế tại cả Nga và châu Âu. Không có lý do gì để tin rằng, kể từ đó lập trường của bà Merkel đã thay đổi – cho dù có hay không có Novichok.
Trong khi đó, hôm thứ Tư (23/9), ông Navalny cũng đã được ra viện. "Tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện", đại diện của bệnh viện Charite tại Berlin cho hay. "Dựa trên tiến triển và tình hình hiện tại của bệnh nhân, chúng tôi tin tưởng ông ấy có khả năng phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận về những ảnh hưởng lâu dài do bị đầu độc nghiêm trọng."
Trước đó ngày 21/9, ông Navalny đã yêu cầu Nga trao lại những trang phục mình từng mặc khi bất ngờ bị hôn mê vào tháng trước tại Siberia. Nhà lãnh đạo đối lập cáo buộc Moscow cố tình giấu đi chứng cứ quan trọng liên quan tới khả năng ông này bị trúng độc.
Mặc dù phương Tây kêu gọi Nga phải cung cấp lời giải thích cho vụ việc nhưng Moscow từ chối tiến hành điều tra với lý do không có đủ bằng chứng cho thấy đây là một vụ án hình sự.