(Tổ Quốc) - Dù không có nhiều tác động nhưng Hạ viện Mỹ đã cho thấy sự cứng rắn đối với cách tiếp cận của Washington đối với vấn đề Nga.
Hạ viện đã thể hiện sự phản đối mang tính biểu tượng trong ngày 17/1 tới chính quyền Trump về Nga, bỏ phiếu áp đảo thông qua một nghị quyết phản đối việc dỡ bỏ trừng phạt đối với các công ty có liên quan tới tỉ phú Nga Oleg Deripaska - một đồng minh của điện Kremlin.
Gay gắt về đòn giáng vào Oleg Deripaska
Cuộc bỏ phiếu, đòi hỏi hai phần ba số phiếu, đã được thông qua tại Hạ viện với 362 phiếu thuận và chỉ có 53 phiếu chống. Thế đa số này có sự tham dự của nhiều đảng viên Cộng hòa.
Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện diễn ra sau khi một động thái tương đương đã thất bại tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Đảng Dân chủ ở cả hai viện Quốc hội Mỹ đều chỉ trích Bộ Tài chính nước này vì kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ba công ty có liên hệ với Deripaska: Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, công ty mẹ EN + Group và công ty JSC EuroSibEnergo con của Tập đoàn EN +.
Chính trường Mỹ gay gắt về đòn giáng trừng phạt vào Deripaska. (Nguồn: Reuters)
Theo thỏa thuận được ký kết với Bộ Tài chính Mỹ, cổ phần của Deripaska tại EN + Group đã giảm từ 70% xuống 45% và ông chỉ có thể có quyền bỏ phiếu đối với 35% cổ phần của mình. Nhưng những người chỉ trích thỏa thuận này cho rằng cổ phiếu của Deripaska được phân phối theo cách ông vẫn duy trì quyền kiểm soát các công ty.
"Bộ Tài chính đã không cung cấp cho Quốc hội bằng chứng thuyết phục rằng thỏa thuận đạt được với ông Deripaska thực sự chấm dứt sự kiểm soát của ông ấy", Chủ tịch Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói. "Không có gì thay đổi trong hành vi của Kremlin để đảm bảo việc nới lỏng các lệnh trừng phạt này."
Theo một đạo luật trừng phạt năm 2017, Quốc hội có 30 ngày để xem xét việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trên. Đảng Dân chủ không hài lòng rằng Bộ Tài chính công bố quyết định của mình vào ngày 19/12 và họ không có đủ thời gian để xem xét thỏa thuận trong thời điểm có các kì nghỉ lễ và việc cơ cấu một Quốc hội mới.
Hạn chót để Quốc hội không chấp thuận động thái nới lỏng trừng phạt của chính phủ là ngày 17/1. Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny Hoyer cho biết, ông đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cho Quốc hội thêm thời gian đến ngày 28/2 để xem xét thỏa thuận, nhưng sau cuộc bỏ phiếu thất bại ở Thượng viện hôm thứ Tư, "Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục" con đường của mình.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, Hoyer đã viết một lá thư tiếp theo cho ông Mnuchin, lập luận rằng phiếu bầu của Hạ viện là một dấu hiệu cho thấy Bộ Tài chính nên cho Quốc hội thêm thời gian để xem xét đầy đủ thỏa thuận.
"Trong bối cảnh có cuộc bỏ phiếu đó, tôi kêu gọi ông xem xét lại quyết định của mình và trì hoãn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này", Hoyer viết.
Thượng viện "mở cửa"
Các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ Bộ Tài chính, với quan điểm rằng, các công ty liên kết với Deripaska đã tuân theo luật mà Quốc hội đưa ra năm 2017.
"Tôi ủng hộ chính quyền về vấn đề này bởi vì luật pháp chính là luật pháp và chúng tôi phải tuân thủ luật pháp", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Utah Rom Romney nói.
Quyết định của Bộ Tài chính nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được đưa ra sau nỗ lực vận động hành lang kéo dài nhiều tháng từ các công ty và Chủ tịch Tập đoàn EN + Lord Barker of Batle, một thành viên của Thượng viện Anh. Con đường này được hỗ trợ bởi cựu Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Louisiana David Vitter và công ty của ông, Mercury LLC.
Ông Mnuchin đã có hai chuyến đi tới Đồi Capitol để cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp rằng việc dừng trừng phạt nên có hiệu lực, cho rằng việc tiếp tục các biện pháp hạn chế sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và Bộ Tài chính đã đưa ra các quy định rằng một bên thứ ba độc lập sẽ kiểm soát cổ phần mà Deripaska từ bỏ.
Thông điệp của Mnuchin đã không gây được tiếng vang cho nhiều nghị sĩ. Và nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn cùng chung tay với đảng Dân chủ trong việc thông qua nghị quyết phản đối dừng trừng phạt hôm thứ Năm.
Nghị sĩ từ Texas Mike McCaul, Đảng viên Cộng hòa hàng đầu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết kế hoạch của Bộ Tài chính "không hấp dẫn lắm".
"Bởi vì chúng tôi không thể chắc chắn rằng chúng tôi đã loại bỏ được bàn tay mạnh mẽ của ông lớn từ Nga này, tôi không thể ủng hộ việc hủy bỏ trừng phạt các thực thể vào thời điểm này", McCaul nói.
Trong khi các biện pháp dỡ bỏ trừng phạt đã sẵn sàng cho việc đưa lên các nấc thang mới thì người điều hành Ủy ban Phương tiện và chính sách Hạ viện Richard Neal cho biết ông vẫn sẽ nghiên cứu vấn đề này.