(Tổ Quốc) - Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trên cương vị mới, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu ra một loạt vấn đề nóng trong quan hệ hai nước.
Nhà Trắng cho biết, hôm thứ Ba (26/1), Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp nước Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới một loạt các vấn đề, từ vụ tấn công mạng gần đây cho tới việc nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc…
Cuộc điện đàm được coi là sự khởi đầu cho chính sách ngoại giao của ông Biden với một trong những đối thủ truyền thống chủ chốt. Ông từng gặp gỡ Tổng thống Nga khi còn là phó cho cựu Tổng thống Barack Obama và có chuyến công du tới Moscow.
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, dự định của ông Biden khi bắt đầu cuộc gọi là thảo luận về gia hạn hiệp ước hạt nhân START Mới; hiện diện của Nga tại Ukraine; tấn công mạng; các cáo buộc Nga treo thưởng cho Taliban giết lính Mỹ tại Afghanistan, Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ và Alexei Navalny bị đầu độc theo lệnh của Điện Kremlin.
"Tổng thống Biden muốn làm rõ rằng, Mỹ sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ cho các lợi ích quốc gia bằng cách đáp trả lại các động thái thâm hiểm của Nga", bà Psaki nói.
Danh sách dài các chủ đề xuất hiện trong cuộc điện đàm đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ với Tổng thống Putin cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Washington và Moscow mà ông Biden được thừa hưởng từ chính quyền trước. Ông Biden từng cáo buộc người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump là quá yếu ớt trước Nga. Thậm chí trong một cuộc tranh luận bầu cử, ông còn gọi Trump là "con rối cho Putin".
Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Biden kỳ vọng sẽ thể hiện được lập trường cứng rắn trước người đồng cấp Putin. Ông đã yêu cầu các cơ quan liên quan đưa ra một bản tổng hợp các vấn đề liên quan tới Nga và có thể sẽ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt lên Moscow.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã từ chối đổ lỗi cho Nga trong nhiều trường hợp bất chấp kết luận của các cơ quan trong chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh sự trở lại của chủ nghĩa hoài nghi trong tầng lớp cấp cao chính quyền Mỹ trước các hành động và động cơ của Nga, quyết định đề cập tới việc gia hạn hiệp ước hạt nhân trước tiên chứng tỏ, ông Biden vẫn để ngỏ khả năng thúc đẩy mối quan hệ tích cực hơn với Điện Kremlin.
"Tôi nhận thấy chúng tôi có thể hợp tác vì lợi ích chung của hai nước – như một hiệp định START mới, đồng thời làm rõ với Nga là chúng tôi rất quan ngại trước cách hành xử của họ", ông Biden phát biểu trước báo giới hôm thứ Hai (25/1). "Tôi đã yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ thông tin cho tôi về từng vấn đề, cập nhật diễn biến mới nhất và tôi sẽ không ngại ngần nêu ra các vấn đề đó với người Nga".
START mới là hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai cựu đối thủ trong Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào tuần tới nếu hai quốc gia không đạt được thống nhất về gia hạn – điều chính phủ Mỹ có thể thực hiện mà không cần tới sự thông qua của Quốc hội.
Điện Kremlin cũng ra thông cáo về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Mặc dù không nhắc tới các vấn đề được bà Psaki liệt kê, nhưng Moscow thể hiện một giọng điệu lạc quan về viễn cảnh hợp tác song phương dưới thời Biden.
"Hai Tổng thống bày tỏ sự hài lòng với việc trao đổi các ghi chép ngoại giao liên quan tới gia hạn START Mới", thông cáo viết. "Trong những ngày tới, hai bên sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để vận hành cơ chế luật pháp quốc tế quan trọng này".
Theo Điện Kremlin, cựu Tổng thống Donald Trump từng có 18 cuộc điện đàm với ông Putin trong 4 năm tại chức. Trong một số trường hợp, Nhà Trắng thậm chí còn không thừa nhận các cuộc gọi cho đến khi Moscow ra thông báo. Một số cuộc gọi được Moscow công bố nhưng lại không nằm trong hồ sơ công khai của Nhà Trắng.
Tháng 3/2018, hồ sơ Nhà Trắng ghi lại, ông Trump đã điện thoại chúc mừng ông Putin tái trúng cử Tổng thống. Các tin tức về cuộc gọi công bố sau đó tiết lộ, trước cuộc điện đàm, ông Trump từng được khuyến nghị "Không nói lời chúc mừng". Mặc dù vậy, không chỉ chúc mừng mà ông Trump còn mời người đồng cấp tới Nhà Trắng. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Trump, ông Putin không có chuyến thăm nào tới Mỹ.
Cuộc gọi cuối cùng giữa hai ông Trump và Putin được ghi nhận là vào ngày 23/7 sau khi có thông tin tình báo Nga treo thưởng cho Taliban giết quân lính My tại Afghanistan. Khi được hỏi có nêu ra vấn đề này với Putin hay không, ông Trump trả lời, đó là một cuộc điện đàm "để thảo luận về các thứ khác. Và, đây là một vấn đề vốn được nhiều người cho là thông tin giả".
"Không ai chịu nhắc tới Trung Quốc. Họ luôn nói về Nga, Nga và Nga", ông Trump sau đó phàn nàn.
Cũng trong ngày 25/1, Tổng thống Biden cũng điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và "truyền tải dự định tư vấn và làm việc với các đồng minh trong nhiều vấn đề an ninh chung". Ông Biden cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ là "tăng cường an ninh xuyên đại tây dương".