(Tổ Quốc) - Sau 2 năm vận hành cổ phần hóa, Công ty CP phim Giải Phóng vẫn duy trì được lượng cán bộ, công nhân viên và “nuôi” được nhau. Ông Nguyễn Tiến Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng) chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm vận hành một đơn vị nghệ thuật hậu cổ phần hóa.
- 13.09.2017 Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN: Lãnh đạo Công ty “rối trí”
- 13.09.2017 Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN: Lãnh đạo Công ty “rối trí”
- 14.09.2017 Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam: Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp
- 19.09.2017 Các nghệ sỹ khẳng định cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là chủ trương đúng đắn
- 20.09.2017 Chủ đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam: Sẽ không cho thuê dãy phòng này để bán phở, chân gà nướng… như các nghệ sĩ phản ánh với báo chí
- 20.09.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Yêu cầu nhà đầu tư Hãng phim truyện VN thực hiện đúng cam kết
- 21.09.2017 Nhà đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam trả 100% lương cho nghệ sĩ
- 21.09.2017 Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Minh bạch để đồng tâm và vì nền điện ảnh phát triển
Sau 2 năm vận hành cổ phần hóa, Công ty CP phim Giải Phóng vẫn duy trì được lượng cán bộ, công nhân viên và “nuôi” nhau. Ông Nguyễn Tiến Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng) chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm vận hành một đơn vị nghệ thuật hậu cổ phần hóa.
+ Thưa ông, sau gần 2 năm Hãng phim Giải Phóng chuyển sang cơ chế mới, ông có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của Hãng?
- Phải khẳng định, cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Khi thực hiện cổ phần hóa, Hãng phim Giải Phóng được Nhà nước tạo điều kiện, cơ chế. Chúng tôi không gặp khó khăn, trở ngại gì. Tôi nghĩ, ở đâu đó còn vướng mắc là do quá trình thực hiện. Do cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật là vấn đề mới, chưa đủ điều kiện cho các đơn vị tham khảo và thực hiện cho tốt. Nên đây đó có những vướng mắc là không tránh được.
Hãng phim Giải phóng tự "vật lộn" sau 2 năm cổ phần hóa (ảnh minh họa internet) |
Tuy nhiên, theo tôi, đó không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề là thương lượng, giải quyết như thế nào thôi. Chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, Nhà nước, đặc biệt là với các doanh nghiệp điện ảnh hiện nay là điều tất yếu. Các doanh nghiệp tự vận động thì điện ảnh cũng phải nằm trong guồng đó. Chúng ta không thể giữ mãi hãng phim rồi chờ Nhà nước tài trợ, đó là điều vô lý.
+ Ông có kinh nghiệm gì trong việc thực hiện vận hành một đơn vị nghệ thuật theo xu hướng thị trường như hiện nay?
- Tùy theo điều kiện thực tiễn mà mỗi đơn vị có những cách làm khác nhau. Tôi nghĩ vận dụng như thế nào thì tùy các doanh nghiệp. Với công ty CP phim Giải Phóng, do trước đây Hãng Giải Phóng có cơ sở vật chất nên khi cổ phần hóa không khó khăn lắm. So với các đơn vị cùng ngành như Hãng phim truyện I thì họ cổ phần vất vả hơn vì họ không có cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư. Còn Hãng phim truyện Việt Nam và hãng Giải Phóng thì có thuận lợi hơn, có đầu tư của nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Hãng phim truyện Việt Nam được đầu tư, quan tâm như vậy mà sau cổ phần hóa lại còn vướng mắc, đấy là do lãnh đạo đơn vị chưa nắm bắt hết những vấn đề trong quá trình thực hiện thôi!
+ Theo ông, khi một đơn vị nghệ thuật vận hành theo xu hướng thị trường thì cần làm gì để hài hòa hai yếu tố này?
- Trước hết cần xác định, doanh nghiệp khi thoát ra khỏi vòng tay của Nhà nước thì khó khăn là tất yếu. Điện ảnh cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Hiện nay, không chỉ với các hãng nhà nước (mới cổ phần hóa-pv) gặp khó khăn đâu mà các hãng tư nhân cũng đang khó khăn. Họ đối mặt với doanh thu bấp bênh, các hãng cũng giải thể um xùm. Vì vậy, các đơn vị đều kêu khó khăn thì chẳng có gì lạ.
Quan trọng là cách thực hiện thôi. Hãng phim Giải Phóng cổ phần hóa cùng thời điểm với các hãng phim Nhà nước quản lý. Chúng tôi thực hiện nghiêm và chính xác các quy định của Nhà nước, kỹ càng trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, tránh những dư luận không hay, nên việc thực hiện êm hơn.
Mỹ nhân- một trong số những bộ phim cuối cùng được Hãng phim Giải phóng thực hiện từ ngân sách Nhà nước (ảnh internet) |
+ Vậy, việc sản xuất phim của Công ty cổ phần phim Giải Phóng như thế nào trong 2 năm cổ phần hóa vừa qua?
- Trong khó khăn chung của Điện ảnh mấy năm nay do thiếu ngân sách, nên tất cả các đơn vị sản xuất phim Nhà nước không sản xuất phim. Chúng tôi cũng không có kinh phí làm phim. Tuy nhiên, chúng tôi chủ động kết nối với các Hãng phim tư nhân, các đài truyền hình để gia công, thực hiện các công đoạn làm phim. Chúng tôi vừa làm phim quảng cáo, vừa làm phim truyền hình… Như vậy, vừa tận dụng nguồn nhân lực vừa tận dụng được trang thiết bị mà chúng tôi đã được Nhà nước cấp cho trước đây.
Chúng tôi tự lo lương cho 60 anh em cán bộ công nhân viên trong 2 năm nay, đảm bảo đủ sống dù không có ngân sách như trước nữa. Tuy chưa nâng được lương cao lên so với trước đây nhưng ổn định cuộc sống, đảm bảo công việc cho anh em đi làm. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là Công ty cổ phần Hãng phim Giải phóng được ở trong một môi trường thuận lợi hơn, TP HCM là môi trường sôi động, dễ dàng hơn.
+ Các nghệ sĩ tên tuổi, sau khi cổ phần hóa phải đi làm những phim quảng cáo để kiếm sống, tại Hãng phim Giải Phóng, họ có tâm tư không?
- Anh em nghệ sĩ chúng tôi hiểu rằng, khi đã là công ty cổ phần thì phải hoạt động theo phương thức của tư nhân. Nhưng tôi nghĩ, là nghệ sĩ cũng phải ý thức là chúng ta vẫn phục vụ nhân dân. Nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú, bất kỳ ở vai trò nào ta cũng đang phục vụ nhân dân. Trách nhiệm của người làm quản lý là họ phải hiểu và chia sẻ để các nghệ sĩ hiểu, chúng ta không phải là làm thuê cho tư nhân hay ai đó mà chúng ta phục vụ nhân dân. Còn giữ như xưa thì không được, phải thay đổi theo quy luật thôi.
+ Như ông nói, việc hợp tác với bên ngoài trong làm phim quảng cáo, phim truyền hình đã tạm đủ nuôi sống cán bộ, công nhân viên của Công ty. Nhưng là một Hãng phim có thương hiệu, ông có mong muốn sản xuất phim điện ảnh?
- Tất nhiên các hãng đều muốn sản xuất phim đúng chức năng, nhưng có tiếp cận được hay không thì còn tùy theo mức độ quan hệ của các đơn vị. Khi đã cổ phần hóa, cổ đông lớn nhất sẽ chi phối, vì vậy, đại diện phía đơn vị Nhà nước sẽ hỗ trợ đơn vị tư nhân đó hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, với chúng tôi, cũng có cái khó là thiếu vốn để hợp tác làm phim điện ảnh.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Nguyên (thực hiện)