• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa từng áp dụng biện pháp phong tỏa, nguyên nhân nào giúp Nhật Bản chống dịch thành công?

Thế giới 19/10/2021 19:20

(Tổ Quốc) - Sau một thời gian dài áp dụng tình trạng khẩn cấp, Nhật Bản đã đạt được thành công nhất định trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Số ca mắc giảm mạnh trong đầu tháng 10

Theo hãng AP, số ca mắc Covid-19 vào ngày 17/10 giảm mạnh còn 100 ca so với giữa tháng 8 (khoảng 6000 ca) ở Tokyo, đánh dấu mức giảm thấp nhất trong 11 tháng qua.

Chưa từng áp dụng biện pháp phong tỏa, nguyên nhân nào giúp Nhật Bản chống dịch thành công? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Giới quan sát cho rằng, thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh ở Nhật Bản thực sự là bất ngờ lớn bởi quốc gia này chưa từng áp dụng biên pháp phong tỏa trên toàn quốc mà chỉ đưa ra biện pháp "tình trạng khẩn cấp" trong nhiều giai đoạn.

Các yếu tố mang lại thành công cho Nhật Bản trong cuộc chiến chống dịch bệnh phải kể đến chiến dịch tiêm chủng nhanh, hạn chế các hoạt động về đêm và trên hết là chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang cũng như ở nhà khi không cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng, vào thời gian tới, Nhật Bản có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới giống như vừa trải qua nhưng có thể số ca mắc vẫn ít hơn so với trước khi tiêm chủng. Trong khi đó, số khác lại cho rằng chiến dịch tiêm chủng thành công, đặc biệt tập trung vào đối tượng trẻ tuổi có thể giúp giảm đi số ca mắc mới. Khoảng 70% người dân Nhật Bản đã tiêm chủng đầy đủ.

Tiến sĩ Kazuhiro Tateda, Giáo sư virus học Đại học Toho cho biết, chương trình tiêm chủng nhanh và chuyên sâu dành cho những người từ 64 tuổi trở xuống đã tạo điều kiện cho cơ hội miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các ca mắc mới ở Mỹ, Anh và những nơi khác – đã triển khai tiêm chủng sớm hơn Nhật Bản - bắt đầu tăng mạnh. Giới chuyên gia đã đánh giá nguyên nhân của điều này là do vaccine không hoàn hảo và hiệu quả đã giảm.

Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine vào giữa tháng Hai cho các nhân viên y tế và người cao tuổi. Tình trạng khan hiếm vaccine đã khiến cho chương trình tiêm chủng phải chậm lại cho đến cuối tháng 5 năm nay. Tính đến đầu tháng 10, Nhật Bản đã tiêm chủng cho khoảng 65% người dân, vượt qua Mỹ (57%).

Số ca mắc hàng ngày tăng mạnh trước thềm Thế vận hội khiến Nhật Bản phải áp dụng tình trạng khẩn cấp trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo và hạn chế số lượng tham gia. Tính đến ngày 17/10, Tokyo ghi nhận chỉ 40 ca mắc mới, giảm 100 ca sau 9 ngày liên tiếp và giữ mức thấp nhất trong năm nay.

Lý do số ca mắc giảm?

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh - Norio Ohmagari cho rằng, đây là câu hỏi "hóc búa" và chúng tôi đang xem xét khía cạnh ảnh hưởng của tiến trình tiêm chủng. Điều này được đánh giá cao. Bên cạnh đó, những người tụ tập ở những nơi có nguy cơ cao như khu dân cư đông có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng khả năng miễn dịch tự nhiên là điều có thể xảy ra.

Giới quan sát nhận định số ca mắc giảm có thể là do chương trình xét nghiệm trên diện rộng đã giảm. Chính quyền thủ đô Tokyo đã thông báo tỷ lệ số ca mắc mới đã giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10. Trong khi đó, chương trình xét nghiệm cũng giảm 1/3 so với thời điểm dịch bùng phát.

Nhắc đến tín hiệu lạc quan này, bà Masataka Inokuchi, Phó Giám đốc Hiệp hội Y khoa Tokyo cho rằng tỷ lệ dương tính giảm cho thấy tình trạng nhiễm bệnh đang chậm lại.

Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, các dịch vụ giải trí và ăn uống được yêu cầu phải đóng cửa sớm và không phục vụ rượu. Người dân đi lại trên các tuyến tàu đông đúc, tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa tại các sân vận động phải thực hiện biện pháp giãn cách.

Nhật Bản đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp và chính phủ đang dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Các sự kiện thể thao và du lịch đang đưa ra kế hoạch kích hoạt trở lại với điều kiện phải có chứng chỉ tiêm chủng cũng như xét nghiệm.

Giáo sư Đại học Kyoto - Hiroshi Nishiura cho rằng chương trình tiêm chủng đã giúp khoảng 650.000 người miễn nhiễm bệnh cũng như cứu sống hơn 7.200 người vào khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Chín.

Các chuyên gia y tế công cộng đang muốn mở một cuộc điều tra toàn diện nhằm tìm ra nguyên nhân khiến số ca mắc lại giảm. Một phân tích trên dữ liệu GPS cho thấy quá trình di chuyển của người dân ở các khu giải trí lớn trong thành phố đã giảm hẳn vào thời gian Nhật Bản áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3.

"Tôi tin rằng việc giảm số lượng người đến các khu vui chơi giải trí cũng như nghiêm chỉnh tiêm chủng đầy đủ đã góp phần giảm các ca mắc mới cho Nhật Bản và là dấu mốc thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19", Atsushi Nishida – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Khoa học Y học tại Viện Khoa học Y học Tokyo cho biết./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ