(Tổ Quốc) - Một báo cáo mới đây của Tổ chức tư vấn chính sách - Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) nhận định, Trung Quốc có thể đã "vũ khí hoá" một số dự án trong chiến lược hạ tầng cơ sở xuyên lục địa Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.
Theo báo cáo công bố ngày 8/9, Trung Quốc đã triển khai một mô hình hạ tầng cơ sở đa mục đích được gọi là "các điểm mạnh chiến lược" tại nhiều nước như Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và Campuchia.
Cụ thể, Bắc Kinh được cho là nhắm tới mục tiêu thiết lập "một hệ sinh thái thương mại, công nghệ, tài chính và các điểm mạnh chiến lược mang tính chất Trung Quốc", từ đó mở đường cho khả năng sử dụng quân sự để phá hủy "ảnh hưởng và vai trò của nước Mỹ như một nhà bảo hộ an ninh" tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ví như việc Trung Quốc xây dựng các cảng thương mại có thể đáp ứng được các yêu cầu phòng thủ, xuất khẩu mạng lưới vệ tinh sản xuất trong nước BeiDou và tăng cường tập trận chung cũng như bán vũ khí cho các nước tham gia Vành đai và Con đường.
ASPI kết luận, mạng lưới hạ tầng cơ sở của Trung Quốc vẫn chưa đạt tới mức là hệ thống căn cứ quân sự hoàn chỉnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, nó vẫn kêu gọi nước Mỹ phải có biện pháp đối phó thông qua bắt tay với các đối tác trong khu vực và cung cấp các chương trình hạ tầng cơ sở thay thế cho sáng kiến của Trung Quốc.
"Trung Quốc có 'vũ khí hoá' thành công Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không… sẽ là một sự lựa chọn của Bắc Kinh và cả những người ra quyết định tại Washington", báo cáo viết.
Đồng tác giả của tài liệu trên chính là cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Hiện là phó Chủ tịch của ASPI, ông Russel và các đồng nghiệp đề cập tới một mạng lưới các cảng – Gwadar của Pakistan, Koh Kong của Campuchia, Hambantota của Sri Lanka và Kyaukphyu của Myanmar, là những địa điểm chủ chốt nhận được đầu tư trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, và có thể phục vụ cho các mục đích của quân đội Trung Quốc.
"Các cảng được thiết kế giống như là lai ghép giữa các cơ sở thương mại và hỗ trợ hậu cần quân sự, hơn là các căn cứ quân đội truyền thống", báo cáo chỉ ra, đồng thời nhấn mạnh: "Tuy nhiên, thay vì trở thành các căn cứ quân sự để triển khai binh lính và tiến hành các chiến dịch chiến đấu thực sự, những cơ sở này sẽ thích hợp để đảm nhận vai trò các điểm tái cung cấp và lưu chứa cho quân lính Trung Quốc triển khai trên biển. Chúng cũng giúp triển khai khả năng can thiệp của quân đội Trung Quốc vào Ấn Độ Dương và hỗ trợ cho các chiến dịch không giao tranh".
Những dự án như vậy không chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của các nước chủ nhà vào Trung Quốc trong cả lĩnh vực kinh tế và công nghệ, mà nó còn làm giảm mối liên hệ giữa các nước với các mạng lưới và công nghệ có liên quan tới phương Tây.
Pakistan là quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng chức năng quân sự của hệ thống vệ tinh BeiDou do Trung Quốc sản xuất. Hơn 30 quốc gia tham gia Vành đai và Con đường đã kết nối với ứng dụng dân sự của hệ thống định vị này.
"Và trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phát triển mạng lưới 5G tại các nước trên và liên kết họ thông qua mạng lưới Beudou, Bắc Kinh sẽ càng mở rộng hơn nữa ảnh hưởng và làm suy thoái các lợi ích thương mại, ngoại giao và chiến lược của Mỹ", báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt trên con đường hiện thực hóa tham vọng của mình, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do đại dịch COVID-19 đã khiến việc huy động các nguồn lực gặp nhiều khó khăn.
"Vẫn còn rất nhiều cơ hội để Mỹ cạnh tranh lại với Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương", báo cáo chỉ ra.
Báo cáo cũng kêu gọi Washington hợp tác với các nước như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản cũng như các yếu tố khu vực khác như khối ASEAN, để đem tới các lựa chọn thương mại và quân sự thay thế.
Giám đốc Ni Feng của Học viên Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá, nhận thức về các dự án Vành đai và Con đường đã thay đổi cùng với mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ.
"Chúng ta đang chứng kiến các thay đổi cơ bản", ông Ni nói và cho biết thêm "Mỹ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược, và đây chính là nền tảng cho chính sách Trung Quốc của Mỹ".
"Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích nước ngoài của mình khi mà nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và mở rộng ra toàn cầu. Việc cử các tàu hải quân tháp tùng tàu dân sự, gây dựng các cảng cung cấp – đều rất bình thường. Nếu phương Tây có thể làm, tại sao chúng tôi lại không được phép?", học giả người Trung Quốc đặt câu hỏi.