• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia Trung Quốc hé lộ lí do nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-Trung đang cao hơn bao giờ hết

Thế giới 24/06/2020 11:07

(Tổ Quốc) - SCMP dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cảnh báo, nguy cơ về một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang tăng cao hơn bao giờ hết.

Ông Wu Shicung, người đứng đầu một viện nghiên cứu về Biển Đông tại Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh và Washington đang là đối thủ của nhau trên nhiều mặt trận. Sự thiếu niềm tin chính trị giữa hai bên đã được dẫn tới việc hàng trăm kênh liên lạc liên chính phủ hầu như dừng hoạt động.

Chuyên gia Trung Quốc hé lộ lí do nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-Trung đang gia tăng hơn bao giờ hết - Ảnh 1.

Căng thẳng Trung Quốc - Mỹ đang gia tăng nhưng hàng trăm kênh liên lạc giữa hai bên đang bị gián đoạn (ảnh: Handout)

Theo một báo cáo mới công bố về hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, mức độ liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2018.

Sau khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn vào hai năm trước, quan hệ giữa hai bên bắt đầu xói mòn.

"Tôi nghĩ các nguy cơ xung đột đang gia tăng, đặc biệt gần tới mức đụng độ giữa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur và tàu khu trục Lanzhou của Trung Quốc vào tháng 9 tại Biển Đông", ông Wu nói.

Trong một cuộc giáp mặt vào tháng 9/2018, tàu USS Decatur đang hoạt động "hàng hải tự do" đã tới gần tàu Lanzhou tới 41m. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ có động thái "khiêu khích".

"Nếu tình huống trở nên ngoài tầm kiểm soát và một cuộc khủng hoảng diễn ra, ảnh hưởng tới quan hệ song phương sẽ rất lớn. Và đó là lí do cần phải có đối thoại", ông Wu cảnh báo.

Chuyên gia Trung Quốc hé lộ lí do nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-Trung đang gia tăng hơn bao giờ hết - Ảnh 2.

Theo báo cáo có tựa đề "Hiện diện quân sự của Mxy tại châu Á - Thái Bình Dương 2020", Mỹ hiện triển khai 375.000 lính và khoảng 60% lực lượng tàu chiến tại Ấn Độ Dương (ảnh: AFP)

Trong số những lần xung đột giữa quân đội hai nước trong khu vực đáng chú ý có cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan vào những năm 1990 khi Bắc Kinh tiến hành loạt thử nghiệm tên lửa tại vùng lãnh hải bao quanh hòn đảo; hay cuộc đụng độ trên không vào năm 2001 giữa các máy bay trinh thám EP-3của Mỹ và một phi cơ chiến đấu của Trung Quốc gần đảo Hải Nam – dẫn tới một phi công Trung Quốc bị thiệt mạng.

Mặc dù đôi khi nguy cơ đụng độ quân sự xuất hiện, hai bên đều đã thành công ngăn chặn khả năng leo thang; và các kênh liên lạc luôn đóng một vài trò ý nghĩa trong đó. Trong các kênh liên lạc bao gồm cả một đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng và một cơ chế đối thoại giữa hai quân đội.

Giới chức quốc phòng hai nước cũng thường gặp gỡ không chính thức bên lề các sự kiện như Đối thoại thường niên Shangri-La ở Singapore; tuy nhiên, hội nghị năm nay đã bị hủy bỏ dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington dẫn tới những lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh thực sự, Mỹ đã cử các tàu sân bay nặng 100.000 tấn tiến hành tuần tra tại Thái Bình Dương. Tháng trước, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, tất cả các tàu triển khai nhanh của hạm đội đều đang tác chiến tại tây Thái Bình Dương.

Hồi đầu tháng, cơ quan phòng thủ Đài Loan cho hay, các máy bay quân sự Đài Loan đã ngăn chặn một nhóm các phi cơ chiến đầu Trung quốc bay qua Eo biển và gần như tiến vào không phận của hòn đảo. Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi một máy bay vận tải của Mỹ bay qua cùng khu vực.

Theo giáo sư về quan hệ quốc tế Zhu Feng của Đại học Nam Kinh, cơ chế hiện tại có thể là không đủ để giữ cho mọi lần chạm trán đều được kiểm soát. Hai nước nên tìm ra một cách hiệu quả hơn nhằm giải quyết các khủng hoảng tiềm năng.

"Tôi khá lo ngại vì những lần chạm trán giữa quân đội hai nước tại Biển Đông và Eo biển Đài Loan không phải là tình cờ mà là cố tình, kể cả trên biển và trên không", ông Zhu nói. "Xử lý với những lần đụng độ có chủ ý như vậy đòi hỏi không chỉ những kế hoạch an toàn mà còn cả niềm tin chính trị và chiến lược để các đụng độ có chủ đích không leo thang thành các chiến dịch thù địch".

Kể từ năm 2017, các quan chức quân đội Trung Quốc chưa từng gặp gỡ các đồng cấp người Mỹ tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương.

"Tôi nghĩ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương nên tham gia vào các liên lạc với đồng cấp Trung Quốc", ông Zhu nói. "Đây là những nỗ lực xây dựng quan hệ giữa hai quân đội. Chúng tôi không thể chỉ dựa trên suy đoán để biết rõ về nhau".

Cũng theo bản báo cáo mới công bố hôm thứ 3 (23/6), Mỹ hiện triển khai 375.000 lính và khoảng 60% lực lượng tàu chiến tại Ấn Độ Dương. 3 tàu sân bay của Mỹ đang có mặt tại khu vực này. Trong hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ từng 4 lần thực hiện các chiến dịch "di chuyển tự do"; tuy nhiên, con số này dưới thời Tổng thống Donald Trump lên tới 22 lần.

Bản báo cáo đề xuất, quân đội Mỹ và Trung Quốc nên "gia tăng liên lạc" nhằm "tránh những trường hợp hiểu lầm chiến lược và tính toán sai". Hai bên cần khôi phục các cuộc gặp gỡ cấp cao, mở lại đường dây nóng và nên tiến hành tập trận hải quân chung.

Trung Quốc không coi Mỹ là một đối thủ tiềm năng hoặc "muốn phát động một cuộc chiến tranh lạnh hay nóng mới với Mỹ", báo cáo nhấn mạnh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ