(Tổ Quốc) - Chuyên trang sức khỏe Wellandgood dẫn tin nếu bạn có cơ hội thưởng thức cà phê sữa đá của Việt Nam thì sẽ cảm nhận được ngay hương vị đậm đà, ngọt ngào và tràn đầy năng lượng.
Tình yêu đặc biệt với Việt Nam
Trang Wellandgood đã nhắc đến chuỗi cà phê mang tên Copper Cow Coffee. Copper Cow Coffee với dòng sản phẩm là gói cà phê hữu cơ Việt Nam đã tạo nên dấu ân Việt Nam tại nước Mỹ từ hương vị cà phê thuần Việt. Và bà Debbie Wei Mullin, CEO và nhà sáng lập của Copper Cow Coffee.
Bà Debbie Wei Mullin - một người Mỹ gốc Việt - đã bày tỏ chính tình yêu với cà phê Việt Nam và chính điều đó đã truyền cảm hứng cho bà thành lập công ty Copper Cow Coffee. Bà Debbie Wei Mullin cũng bày tỏ tình cảm đặc biệt, hướng về cội nguồn bất kỳ khi nào có cơ hội thưởng cà phê Việt Nam đích thực.
Bà Debbie cũng nhắc đến dụng cụ pha cà phê đặc trưng của Việt Nam là một chiếc phin.
"Theo truyền thống, cà phê Việt Nam được pha bằng phin - một loại máy pha chậm, nhỏ nhưng sẽ tạo ra một ly cà phê cực kỳ hấp dẫn trong chu kỳ pha từ 5 đến 10 phút. Về bản chất, cà phê Việt Nam có độ đậm vừa phải với hương vị thơm ngon. Việt Nam nổi tiếng nhất với cà phê Robusta, loại cà phê có vị béo ngậy và thơm. Vị thơm đặc biệt đậm đà khi rang sẫm màu và kết hợp với sữa càng ngon hơn," bà Debbie nói.
Nói kỹ hơn về hương vị, bà Debbie cho rằng cà phê Việt Nam có vị sô cô la đậm và vị hạt dẻ bởi thường được rang sẫm màu. Ngược lại, cà phê từ Nam Mỹ và châu Phi có xu hướng có màu thảo dược tươi sáng hơn.
"Cà phê ở Nam Mỹ và Châu Phi thường rang nhẹ hơn hoặc vàng để làm nổi bật hương hoa và hạt", bà Debbie nhấn mạnh.
Tùy theo khẩu vị, cách tốt nhất là thực khách nên thử uống nhiều loại cà phê và lựa chọn theo sở thích. Điều đặc biệt là cà phê Việt Nam thường được pha với sữa đặc có đường và dùng với đá – hay còn gọi là cà phê sữa đá. Cảm giác thật ngất ngây", bà Debbie nhận định.
CEO Debbie đã tốt nghiệp Viện công nghệ Massachusetts MIT với bằng Thạc sĩ ngành Phát triển Quốc tế và Bền vững, bắt đầu sự nghiệp là quản lý các khoản vay cho Ngân hàng thế giới nhằm hỗ trợ các dự án và tăng cơ hội kinh tế và giảm nghèo ở các nước đang phát triển.
"Tôi muốn làm điều gì đó hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam và thúc đẩy tình yêu ẩm thực Việt Nam", bà Debbie nói.
Một ly cà phê đúng chất Việt Nam
Vào năm 2017, bà Debbie đã ra mắt Copper Cow Coffee để hiện thực hóa đam mê: vừa có thể tạo ra những cơ hội tốt hơn cho người dân Việt Nam, vừa có thể chia sẻ niềm đam mê sâu sắc đối với ẩm thực và văn hóa Việt Nam trên quy mô lớn hơn.
"Tôi không lớn lên cùng với nhiều người gốc Á khác, vì vậy món ăn Việt Nam mà tôi được thưởng thức đều do mẹ nấu ở nhà hoặc trong những chuyến về Việt Nam thăm họ hàng. Mặc dù đây là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi cho đến khi lớn lên nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng cộng đồng xung quanh mình chưa được tiếp cận với một số ẩm thực Việt Nam mà tôi yêu thích. Tôi luôn mơ ước tìm ra cách lan tỏa những hương vị mà tôi đã thưởng thức và đã chọn phát triển thị trường ở Mỹ để mọi người có cơ hội thưởng thức cà phê Việt Nam," bà Debbie nói.
Kể từ đó, bà Debbie đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất cà phê Việt Nam để tìm nguồn cung ứng hạt cà phê chất lượng cao bền vững, không chứa các thành phần nhân tạo.
"Cuối cùng, tôi muốn định hướng này có thể mở ra cơ hội canh tác cà phê sạch hơn và thu nhập cao hơn cho các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam. Tôi muốn đạt được điều này bằng cách đưa cà phê Việt Nam trở thành một thức uống nổi bật trên thị trường cà phê cao cấp", bà Debbie nhấn mạnh.
Công ty Copper Cow Coffee kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc ba loại chính: cà phê xay, cà phê rót và máy đánh kem.
"Cà phê xay của chúng tôi là hỗn hợp cà phê robusta và arabica cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi là công ty cà phê duy nhất pha chế hương vị bằng các nguyên liệu thực", bà Debbie chia sẻ.
Trong nhiều năm, bà Debbie đã tạo ra công thức pha cà phê với hương vị riêng đậm đà chất Việt bởi những trải nghiệm đa dạng văn hóa trong cuộc sống mà bà từng trải qua.
"Tôi nghĩ rằng cà phê Việt Nam ngon hơn khi được pha đậm đặc dưới dạng cà phê espresso, hoặc pha bằng phin truyền thống của Việt Nam kết hợp với sữa ngọt—hoặc kết hợp giữa sữa yến mạch và mật ong hoặc chỉ với sữa đặc có đường," bà Debbie chia sẻ./.