• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CIA và MI-6 là tác giả vụ tấn công hóa học tại Syria?

Thế giới 18/04/2018 17:14

(Tổ Quốc) - Syria một lần nữa được sử dụng cho các mưu toan quân sự và chính trị.

Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 7/4 tại thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta (Syria) là một nghi vấn có thể không bao giờ có kết luận rõ ràng. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy vụ việc này là có thực. Chính một nhân vật có thẩm quyền tại khu vực Trung Đông là Ngoại trưởng Iran đã cho rằng có khả năng chất độc hóa học được phiến quân đối lập sử dụng.  Tuy nhiên, một số câu hỏi chưa sáng tỏ: Ai là tác giả vụ tấn công này? Mỹ, Anh và Pháp đã sử dụng tên lửa để tấn công Syria mà không cần đợi kết luận của các chuyên gia được Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cử đến Douma để điều tra hiện trường. Đại sứ Nga tại OPCW Alexander Shulgin nhận xét, Mỹ, Anh và Pháp “dường như đã tự quyết định mọi thứ mà không cần bất cứ kết quả điều tra nào”.

Trong khi khó mà tiến hành một cuộc điều tra khách quan và càng khó để đưa ra các kết luận khách quan, có thể nhận diện một số nghi can khác nhau.

 Các thanh tra viên của OPCW đến thị trấn Douma 10 ngày sau vụ tấn công chất độc hóa học - liệu còn gì để điều tra?

Nghi can đầu tiên là chính quyền Assad, được Nga hỗ trợ. OPCW đã có mặt ở Syria vào cuối năm 2013 khi quân đội Syria đồng ý chuyển giao kho vũ khí hóa học cho tổ chức quốc tế; đến tháng 6/2014, phía Syria tuyên bố toàn bộ kho vũ khí hóa học của quân đội Syria đã được bàn giao cho OPCW. Nhưng chưa có các nguồn tin độc lập kiểm chứng điều này.

Thị trấn Douma là cứ điểm cuối cùng trong chiến dịch mà chính quyền Damas tiến hành nhằm giải phóng Đông Ghouta. Tại đây hơn 5.000 tay súng của phiến quân đối lập cố thủ, gây cản trở việc dứt điểm chiến dịch quân sự. Mặc dù cuộc tấn công của quân đội Syria ở trong thế mạnh, chính quyền Assad có thể vẫn dùng vũ khí hóa học để đánh dứt điểm phiến quân. Sau vụ tấn công, phiến quân đối lập đã chấp nhận giải giáp vũ khí.

Nhìn từ một khía cạnh khác có thể thấy phía Syria tìm cách trì hoãn cuộc điều tra. Theo giới chức phương Tây, nhiều khả năng bằng chứng vụ 7/4 đã biến mất khỏi hiện trường tại thị trấn Douma trước khi các thanh sát viên quốc tế tiếp cận khu vực này.  Một trong lập luận của Bộ Ngoại giao Pháp, đó là Nga và Syria đã tìm cách trì hoãn việc thanh sát viên tiếp cận hiện trường với lý do “còn nhiều vấn đề an ninh”, sau khi đoàn thanh sát viên của OPCW đã có mặt tại Damas một số ngày.

Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, một nhân vật cứng rắn khét tiếng, cho biết, Nga đã ngăn chặn 6 nỗ lực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm giúp quá trình điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. 

Nhóm thứ hai là một số nhân vật thuộc quân đội Syria, có quan hệ ngầm với phương Tây. Sau hàng chụp năm khủng hoảng sâu sắc, nội bộ Syria không phải là một khối thống nhất mà bị chia rẽ thành nhiều bè phái. Một vài nhân vật có quyền lực không phải thực hiện chủ trương của  chính quyền Assad và Nga, mà đàng sau họ có bàn tay đạo diễn của CIA và Cục tình báo Anh (MI-6), đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm tạo cớ cho phương Tây thực hiện biện pháp quân sự chống Syria.

Nhóm thứ ba là phiến quân đối lập Syria và có thể là nghi can chính. Các chiến binh đối lập, được CIA và MI-6 đạo diễn, đã sử dụng vũ khí chất độc hóa học, tạo ra hiện trường, phục vụ ý đồ của Mỹ muốn gây phức tạp cho Nga, cản trở quá trình chính quyền Trump cải thiện quan hệ với Putin Kremlin, bôi nhọ hình ảnh của Nga. Theo hãng thông tấn Fars của Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif của nước này nói rằng Iran đã cảnh báo về khả năng “các nhóm khủng bố” đứng sau vụ tấn công hôm 7/4. Ông Zarif đã bày tỏ quan ngại này trong cuộc điện đàm ngày 15/4 với người đồng cấp Anh Boris Johnson. 

 Một em bé Syria - nạn nhân của vụ tấn công hôm 7/4 đầy nghi vấn

Nga đổ lỗi cho phía Anh dàn dựng vụ này.

Igor Kirilov, chỉ huy lực lượng phòng vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, nhận xét, các đoạn ghi hình ở Đông Ghouta có dấu hiệu dàn dựng, cụ thể là có thể thấy thi thể của một đứa trẻ được di chuyển qua nhiều căn hộ khác nhau để quay được nhiều hình ảnh và “thậm chí được thay đổi chỗ ngay chỉ trong một cơ sở y tế”. Ông này cho rằng vụ việc ở thị trấn Khan Sheikhoun của Syria năm 2017 cũng sử dụng thủ đoạn tương tự. 

Cuối cùng thì đội điều tra của OPCW đến Douma và có thể sẽ đưa ra đánh giá của mình. Nhưng kết luận của họ sẽ bị bên này hoặc bên kia bác bỏ. Vụ 7/4, cũng như nhiều sự kiện khác sẽ bị chìm trong sự hỗn loạn. Các nước lớn đang tiếp tục dùng mảnh đất này để thử nghiệm các loại vũ khí, cũng như thực hiện các mưu toan quân sự và chính trị của họ.

Vụ 7/4 phơi bày cuộc xung đột trở nên sâu sắc giữa phương Tây và Nga. Đây không phải là một "cuộc vật tay" như có nhà quan sát ví von, mà như  Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, “Chiến tranh lạnh đã trở lại”./.

Người bình luận

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ