• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CNN: Chưa chắc chắn về tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ

Thế giới 16/08/2022 20:06

(Tổ Quốc) - Mỹ đang chứng kiến một giai đoạn kinh tế bất thường khi việc làm nhiều, nhu cầu chi tiêu cao, nhưng GDP lại giảm hai quý liên tiếp.

Theo CNN, báo cáo tăng trưởng GDP công bố vào ngày 28/7 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy giảm ở quý thứ hai liên tiếp khiến các phỏng đoán cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế đáng lo ngại đang đến ở Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chưa chắc chắn để đánh giá kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ở thời điểm hiện tại.

CNN: Chưa chắc chắn về tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Kể từ năm 1948, một số khái niệm cho rằng tình trạng tăng trưởng GDP âm ở các quý liên tiếp là tín hiệu của suy thoái. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở bối cảnh hiện tại, có thể đánh giá suy thoái từ báo cáo về tăng trưởng GDP tháng 7. Một loạt các sự kiện xảy ra trong 10 ngày qua đã cho thấy cuộc suy thoái có vẻ đang đến sớm hơn.

Tháng trước, báo cáo thị trường lao động của Mỹ cho thấy nước này đã có hơn nửa triệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất trong nửa thế kỷ. Các nhà kinh tế và chính trị gia đã dành nhiều tuần để bàn luận về liệu Mỹ đã rơi suy thoái hay chưa. Nếu đúng như vậy, lần này không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đó.

Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho rằng đà phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn giữ nguyên.

"Đây không phải là cuộc suy thoái và Mỹ cũng chưa nằm trong trạng thái suy thoái", ông Zandi nói trên CNN.

Ông Mark cũng dự đoán sự sụt giảm của GDP cuối cùng sẽ được điều chỉnh lại và những chỉ số ban đầu đang cho thấy GDP sẽ chuyển biến tích cực trong Quý này. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là kinh tế đang phát triển mạnh. Lạm phát vẫn đang ở mức quá cao. Suy thoái là một rủi ro thực sự, đặc biệt là trong năm 2023 và kéo dài sang năm 2024, thời điểm nền kinh tế sẽ hấp thụ toàn bộ tác động của các đợt tăng lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn trong những tháng tới.

Thị trường việc làm tại Mỹ vẫn nóng

Trong tháng Bảy, thị trường việc làm tại Mỹ vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Thống kê cho biết Mỹ đã bổ sung thêm 528.000 việc làm trong tháng trước. Các chuyên gia cho rằng một nền kinh tế đang suy thoái sẽ không thể đảm bảo mang đến thêm hàng trăm triệu việc làm trong một tháng.

"Tôi không nghĩ rằng bất kỳ thông tin kinh tế nào trong dữ liệu ở hiện tại có liên quan đến những gì chúng ta thường nghĩ về suy thoái", ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia tại Nhà Trắng nói trên CNN trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước.

Ở bối cảnh hiện tại, thị trường việc làm vẫn đang rất nóng. FED tiếp tục tăng lãi suất nhưng vẫn không hề tác động mạnh đến thị trường việc làm mà chỉ tập trung vào làm chậm lại nền kinh tế.

Cuối cùng, lạm phát sẽ hạ nhiệt

Các chuyên gia cho rằng điều tồi tệ nhất gây ra nguy cơ cao về lạm phát đã đi qua. Giá xăng dầu đã giảm đi đáng kể. Giá xăng trung bình đã giảm hơn 1 USD kể từ khi chạm mức cao nhất là 5,02 USD/gallon vào giữa tháng Sáu. Ngoài xăng, giá dầu diesel và nhiên liệu máy bay cũng hạ nhiệt, giúp giảm đi áp lực lạm phát đối với phần còn lại của nền kinh tế. Giá năng lượng giảm sẽ làm giảm chỉ số lạm phát trong tháng 7 và sẽ tiến triển tốt hơn trong tháng 8.

Một chỉ số nữa về suy thoái là mức chi tiêu của người tiêu dùng. Người dân Mỹ đang bị tổn thương vào thời điểm hiện tại vì chi phí sinh hoạt quá cao. Tiền lương trên thực tế đã được điều chỉnh theo mức lạm phát đang thu hẹp lại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc suy thoái thực tế sẽ còn chịu nhiều rủi ro hơn nhiều so với diễn biến hiện tại. Một cuộc suy thoái sẽ dẫn đến mất hàng triệu việc làm. Một số nguy cơ khác có thể xảy ra là không thể trả tiền thế chấp và các gia đình sẽ đối mặt với tình trạng tịch thu nhà ở. Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Những quan sát tình trạng hiện tại của kinh tế chưa đến mức xảy ra tín hiệu trên. Tuy nhiên, tín hiệu ở thị trường chứng khoán đang cho thấy nhịp kinh tế có thể thay đổi.

Nhìn chung, dữ liệu kinh tế gần đây đang cho thấy rằng cuộc suy thoái tiềm ẩn có thể bị trì hoãn chứ không thể biến mất. Chuyên gia Zandi nhấn mạnh trong khi nguy cơ suy thoái có thể chưa xảy ra trong vòng 6 đến 9 tháng tới nhưng rất có thể xảy ra trong khoảng từ 12-18 tháng tới.

"Các đánh cược về suy thoái vẫn có tỷ lệ cao", ông Zandi nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ