• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Cơ chế" mới áp dụng sẽ tạo ra thế độc quyền hoặc thống lĩnh cho các doanh nghiệp hàng không đã thành lập từ trước?

Kinh tế 06/05/2019 10:45

(Tổ Quốc) - "Một cách khách quan, cơ chế áp dụng pháp luật có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh siêu mạnh cho một vài người chơi, tạo ra rào cản gia nhập sân chơi chung cho người chơi mới, trong khi về lý thuyết là không được hạn chế số lượng người chơi gia nhập sân chơi chung đó", ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chia sẻ quan điểm.

Cơ chế mới áp dụng sẽ tạo ra thế độc quyền hoặc thống lĩnh cho các doanh nghiệp hàng không đã thành lập từ trước? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp vừa có bài phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội  về việc áp dụng "cơ chế" mới đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không. Cụ thể, Báo này dẫn lời đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc áp dụng Luật Đầu tư (bên cạnh các luật chuyên ngành về hàng không) đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không là bắt buộc theo quy định của Luật Đầu tư 2014, trong khi trước đó, pháp luật đầu tư không "can thiệp" đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và các doanh nghiệp này thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như kinh doanh duy nhất dưới các quy định của luật chuyên ngành

Trả lời câu hỏi về việc "phải chăng đang có sự cạnh tranh không lành mạnh về thủ tục đầu tư giữa các doanh nghiệp cùng ngành nhưng gia nhập thị trường ở các thời điểm khác nhau?", ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, theo quy định của Luật Cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của các đối thủ cạnh tranh trên cùng một thị trường liên quan, vì thế, trường hợp mà phóng viên vừa nêu liên quan đến việc các doanh nghiệp cùng ngành nhưng có "cơ chế" áp dụng pháp luật khác nhau (xuất phát từ sự thay đổi của chính sách pháp luật) thì không thể gọi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, một cách khách quan, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ đồng tình rằng, cơ chế áp dụng pháp luật có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh siêu mạnh cho một vài người chơi, tạo ra rào cản gia nhập sân chơi chung cho người chơi mới, trong khi về lý thuyết là không được hạn chế số lượng người chơi gia nhập sân chơi chung đó.

Với các doanh nghiệp hàng không, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, việc áp dụng đồng thời Luật Đầu tư và Luật chuyên ngành vô hình chung đã buộc doanh nghiệp phải "chạy" nhiều thủ tục hơn trong mỗi bước thực hiện đầu tư và mở rộng kinh doanh. Rủi ro sẽ đặc biệt lớn cho doanh nghiệp khi chỉ chạy qua được thủ tục vòng 1 mà không vượt qua được vòng 2 hoặc đã đáp ứng đủ các điều kiện vòng 2 nhưng vì chưa chạy đủ các bước ở vòng 1 nên vẫn chưa được cấp phép.

"Thực trạng này rõ ràng đã trực tiếp và gián tiếp làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam, điều này đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng gia nhập thị trường và phát triển mở rộng của các doanh nghiệp hàng không mới, tạo ra thế độc quyền hoặc thống lĩnh cho các doanh nghiệp hàng không đã thành lập từ trước.

Mà suy cho cùng, nếu rào cản không được gỡ bỏ thì bao giờ người dân Việt Nam mới có thể thực sự được tiêu dùng dịch vụ hàng không giá rẻ và chất lượng cao?", Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh. 

Trước câu hỏi về việc "Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam có phải là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong thị trường hàng không Việt Nam và có hay không việc Hãng hàng không này đang có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hàng không Việt Nam?", ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, "từng sự kiện/hành vi của Vietnam Airlines (PV) cần phải được các cơ quan chuyên môn xem xét và đánh giá chứ không thể đưa ra nhận định một cách chung chung, cảm tính".

Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ quan điểm rằng, nhìn nhận từ một vụ việc trước đây, khi Vinapco ngưng cung cấp xăng cho các máy bay của Jetstar dẫn đến hậu quả hàng loạt máy bay của Jetstar phải "nằm chờ xăng" còn hành khách của Jetstar thì phải "vạ vật" tại các sân bay do hoãn, hủy chuyến, thì có thể khẳng định: đâu đó vẫn còn sự tồn tại việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hàng không của Vietnam Airlines và các công ty thành viên.

Đặc biệt, hiện nay các dịch vụ mặt đất đa phần chỉ được cung cấp bởi các công ty thành viên hoặc liên kết của Vietnam Airlines, trong khi đó giá cung cấp, điều kiện cung cấp cụ thể như thế nào lại không có bất cứ quy định bắt buộc phải công khai, theo đó, khả năng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Vietnam Airlines là một câu hỏi đầy chất liệu để có thể khẳng định, nhưng lại chưa thể có câu trả lời chính xác.


Mai Châu (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ